Thuận lợi và khó khăn khi áp dụng phương pháp nghiên cứu thời gian, thao tác

(VietQ.vn) - Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, việc giảm và loại bỏ thao tác thừa, không tạo ra giá trị gia tăng sẽ giúp tăng năng suất, cải thiện điều kiện làm việc cũng như sức khỏe cho người lao động. Vì vậy, việc áp dụng các công cụ, phương pháp cải tiến được xem là “đòn bẩy” giúp gia tăng năng suất cho doanh nghiệp, trong đó có công cụ nghiên cứu thời gian và thao tác.
Người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm thông qua Cổng thông tin TXNG quốc gia
Khoa học công nghệ: Chìa khóa thúc đẩy nông nghiệp hiện đại, bền vững

Đây là phương pháp ghi chép lại thời gian và tốc độ làm việc cho mỗi yếu tố công việc đã được xác định trong điều kiện làm việc xác định nào đó. Từ đó, phân tích dữ liệu để xác định thời gian cần thiết thực hiện công việc đạt được kết quả mong muốn.
Đánh giá về thuận lợi và khó khăn khi áp dụng công cụ này, các chuyên gia cho biết, về mặt thuận lợi, trước tiên, doanh nghiệp quan tâm đến phương pháp này vì việc áp dụng không quá khó, ít tốn kém và rất cần thiết: Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không biết chính xác thời gian chuẩn cho từng công đoạn sản xuất của mình để từ đó có thể kiểm soát được năng suất và đào tạo công nhân đáp ứng được thời gian chuẩn.
Việc sử dụng phương pháp phân tích thao tác và dùng đồng hồ bấm giờ cùng các công thức có liên quan để tính toán ra thời gian chuẩn cho từng công đoạn giúp cho quản lý cấp trung gian có thể kiểm soát tốt năng suất. Tính toán thời gian chuẩn cho mỗi công việc đã xác định, qua đó có đầy đủ thông tin để lập kế hoạch sản xuất kinh doanh hoặc đáp ứng yêu cầu đơn hàng của khách hàng.
Đồng thời, công cụ này mang đến kết quả trực quan cụ thể, dễ thuyết phục doanh nghiệp: Các kết quả nghiên cứu của kỹ thuật nghiên cứu thời gian được đo lường và thể hiện bằng các con số, biểu đồ, hình ảnh cụ thể. Đây là một trong những điểm mạnh của kỹ thuật này, qua đó có thể thuyết phục và gây ấn tượng với doanh nghiệp và các tổ chức trong việc hình dung các vấn đề về năng suất, hiệu quả công việc của cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp, tổ chức của mình.
Về mặt khó khăn, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa quan tâm nhiều đến giảm lãng phí, hay nâng cao năng suất lao động trong hoạt động và ngại thay đổi; Mặt khác, việc đo lường nghiên cứu thời gian trong một tổ chức, doanh nghiệp nào đó rất dễ gặp nhiều trở ngại và phản đối từ các đối tượng có liên quan đến việc khảo sát, đánh giá. Điều này rất dễ hiểu vì thông thường không ai thích và cảm thấy không thoải mái khi bị quan sát, kiểm tra, đánh giá trong quá trình thao tác, đặc biệt là các công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất hay cung cấp dịch vụ.

Thông thường, việc nghiên cứu thời gian sẽ lựa chọn, đánh giá dựa trên các mẫu là đối tượng khảo sát trong một khoảng thời gian nào đó, nên nếu không nhận được sự hợp tác từ đối tượng có liên quan, kết quả khảo sát sẽ không thể hiện đúng hiện trạng của doanh nghiệp, kết quả nghiên cứu sẽ không chính xác. Người lao động có thể sẽ thay đổi phương pháp làm việc thông thường của họ khi họ nhìn thấy một người quan sát. Do đó, các kết quả từ các nghiên cứu nghiên cứu thời gian có thể không được chính xác.
Hơn nữa, kết quả chẩn đoán, khảo sát nghiên cứu thời gian có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi đối tượng khảo sát. Nếu việc lựa chọn đối tượng mẫu không tốt sẽ không thể hiện được tình hình thời gian hoàn thành một công việc của bộ phận đó. Ngoài ra, nếu đối tượng khảo sát thiếu hợp tác, ví dụ cố tình làm nhanh hơn hoặc chậm hơn mức thông thường, sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả đánh giá.
Mai Phương