Thuốc chống đột quỵ bán tràn lan trên mạng: Tiên dược hay độc dược?

author 07:11 29/10/2022

(VietQ.vn) - Các sản phẩm chống đột quỵ được bán tràn lan trên mạng với lời quảng cáo về tác dụng chống đột quỵ khiến nhiều người đổ xô mua dùng mà không rõ thực hư chất lượng sản phẩm.

Chỉ cần gõ từ khóa “thuốc chống đột quỵ” sẽ có rất nhiều mặt hàng xuất hiện trên khắp các nền tảng mạng xã hội. Điển hình, tại gian hàng “Emirai006” đăng bán thuốc chống đột quỵ FANCY. Theo giới thiệu, loại thuốc này xuất xứ từ Nhật Bản, có thành phần dầu cá tinh khiết chứa DHA, bột chiết xuất nuôi cấy Bacillus natto, dầu và mỡ thực vật... 3 gói dùng trong 90 ngày được bán với giá 870 nghìn đồng.

Hoặc trang “Anmoc 123” cũng đăng bán sản phẩm thuốc chống đột quỵ “An Cung Ngưu Hoàng Hoàn Tổ Kén” với giá 2,2 triệu đồng. Theo người bán, An Cung Ngưu Hoàng là một trong những sản phẩm chống đột quỵ nổi tiếng tại Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác. Sản phẩm này được các chuyên gia đánh giá cao bởi khả năng phòng chống đột quỵ và chăm sóc sức khỏe tổng thể.

Không những vậy, An Cung Ngưu Hoàng còn được giới thiệu sản xuất theo tiêu chuẩn thuốc điều trị của y tế Hàn Quốc, sử dụng các thành phần nguyên liệu tự nhiên và là thuốc điều trị tại Hàn Quốc từ năm 1973 đến nay và có giá cao hơn.

Theo hướng dẫn, với người bị bệnh tai biến mạch máu não uống 1 ngày 1 viên 1 lần hoặc cách 1 ngày uống 1 lần, uống liên tục từ 3 đến 6 tháng, bị nặng có thể dùng 1 năm. Với người bình thường phòng bệnh, uống 1 lần 1 viên, cách khoảng 15 - 30 ngày dùng 1 viên. Ngoài ra, những lúc đau đầu cấp tính, tức ngực, khó thở, cơ thể mệt mỏi, huyết áp tăng, máu lên não kém... có thể dùng ngay 1 viên sau khi ăn.

 Thuốc chống đột quỵ quảng cáo, bán tran lan trên sàn TMĐT.

Hay tại gian hàng “Sangthuc”, quảng cáo thuốc chống đột quỵ nội địa Nhật Natto Kinase 2000 với nhiều công dụng thần kỳ như: Giúp tan huyết khối và ổn định huyết áp, dự phòng tai biến mạch máu não, hỗ trợ điều trị di chứng tai biến mạch máu não... Loại thuốc này được bán với giá 399 nghìn đồng/1 lọ.

Ngoài ra, còn rất nhiều thuốc chống đột quỵ khác được bán trên sàn TMĐT với giá từ 300 nghìn - 2 triệu đồng. Điểm chung của các sản phẩm này là đều được quảng cáo có công dụng phòng chống đột quỵ “thần kỳ”, nhưng khi hỏi giấy tờ về nguồn gốc, xuất xứ thì người bán lại không chứng minh được. Do đó, những sản phẩm này có thể là hàng lậu, hàng kém chất lượng. Người dùng có thể gánh chịu hậu quả khi sử dụng những sản phẩm này.

PGS. TS Nguyễn Huy Thắng - Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện nhân dân 115 cho biết: “Việc quá tin vào sản phẩm sẽ có tác hại khôn lường trong cấp cứu người bị đột quỵ, chưa kể việc không biết thành phần của chúng cũng sẽ có nhiều nguy cơ gây hại nếu tùy ý sử dụng”.

Bác sĩ Thắng khuyến cáo, khi đột quỵ xảy ra, không riêng gì các loại thuốc Đông y, mà cả thuốc Tây y cũng không được sử dụng cho người bệnh. Bởi nếu người bệnh bị triệu chứng khó nuốt, cơ thể đang phản ứng, khi đưa thuốc vào, nguy cơ hít sặc thuốc xuống phổi cao hơn, gây các biến chứng viêm phổi, thậm chí tử vong. Vì vậy, nếu phát hiện một người bị đột quỵ, hãy đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để kịp thời gian vàng điều trị, không được tự xử lý trừ khi là người có chuyên môn về cấp cứu đột quỵ.

Thạc sĩ - bác sĩ Võ Văn Tân - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện nhân dân Gia Định nói thêm: “Đột quỵ là bệnh do tổn thương bán cầu đại não, tiểu não hoặc thân não, gây ra liệt nửa người; nếu tổn thương thân não có thể liệt tứ chi, nói khó, nói đớ, rối loạn thị giác, lơ mơ hoặc hôn mê.

Tổn thương não có nhiều nguyên nhân: do tắc nghẽn mạch máu não hoặc chảy máu não. Mỗi nguyên nhân có cách điều trị rất khác nhau. Do đó, không thể dùng thuốc đặc hiệu khi chưa xác định đột quỵ đó là thiếu máu hay chảy máu, nếu nhầm lẫn không những không có lợi mà còn làm tình trạng trầm trọng thêm”.

Bác sĩ Tân cho hay: “Mỗi năm, Bệnh viện nhân dân Gia Định cấp cứu 2.200 - 2.300 trường hợp đột quỵ. Trong đó, chỉ khoảng 12% được đưa đến bệnh viện kịp thời. Có nhiều nguyên nhân làm cho bệnh nhân trễ cấp cứu, phổ biến nhất là người đột quỵ ở một mình, người phát hiện không biết người thân đột quỵ. Cũng có trường hợp người bệnh được cho uống thuốc khi bắt đầu xảy ra triệu chứng đột quỵ; đến lúc bệnh quá nặng, người nhà đưa đi bệnh viện thì đã quá muộn”.

Theo bác sĩ Tân, người dân không nên nghe theo những lời đồn mà sử dụng thuốc bừa bãi. Hiện tại, ở Bệnh viện nhân dân Gia Định, các loại thuốc kể trên không nằm trong danh mục điều trị hay khuyến cáo sử dụng thuốc ngừa đột quỵ. Đặc biệt, người dân ở độ tuổi đi làm nên khám sức khỏe định kỳ. Đừng lầm tưởng đột quỵ chỉ xảy ra khi mạch máu não có vấn đề. Tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh lý tim mạch... cũng là những nguyên nhân gây nguy cơ đột quỵ.

Người dân cần tập thể dục, có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuyệt đối không lạm dụng các loại TPCN hay chủ quan với những loại thuốc phòng, chống đột quỵ không rõ nguồn gốc. Theo tiến sĩ - bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, người dân phải cẩn trọng với các loại thuốc chống đột quỵ đang được chào bán tràn lan trên mạng. Bác sĩ Lan cho biết: “Sâm và cao sâm rất nóng, khi uống sâm có thể làm tim đập nhanh, càng dẫn đến huyết áp tăng. Sâm chỉ phù hợp với người khí suy hay cơ địa lạnh.

An cung ngưu hoàng hàn gồm nhiều loại như: vũ hoàng tĩnh tâm, vũ hoàng thành tâm được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Đây không phải thuốc phòng ngừa mà chỉ hỗ trợ trong điều trị đột quỵ. Tuy nhiên, phải đúng loại thuốc và bác sĩ trực tiếp kiểm tra, chỉ định liều lượng, nếu không sẽ rất nguy hiểm.

Theo Đông y, an cung ngưu được xem là thuốc cấp cứu. Vì vậy, bệnh nhân chỉ được uống trong một thời gian ngắn theo chỉ định của bác sĩ. Nếu sử dụng quá liều sẽ gây nhiều biến chứng. Đặc biệt là khi thuốc được bán tràn lan, nhiều nguồn gốc như hiện nay.

Hiện tại, trên mạng thường thấy an cung ngưu của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc... với hàm lượng thủy ngân khá cao, có thể gây ngộ độc. Với thuốc của Trung Quốc, rất nhiều hãng khá tôn trọng công thức gốc nên đa phần thuốc của nước này có chứa chu sa và một số chất nếu sử dụng lâu dài sẽ bị ngộ độc. “Đột quỵ có nhiều nguyên nhân, thường gặp ở người có bệnh nền cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường hay người có tiền sử uống rượu bia... Vì vậy, nên điều trị bệnh lý nền hơn là đi mua thuốc phòng đột quỵ”, bác sĩ Lan nói thêm.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang