Tiến sỹ Alan Phan và "thây ma" Bất động sản

author 07:47 01/04/2013

(VietQ.vn) – Được tung tiền cứu trợ, các “thây ma” bất động sản sẽ hồi sinh. Nhưng chúng có làm thêm nhà cho người nghèo hay lại gây ra những đợt “bong bóng” mới?

Xác chết biết đi

Truyện và phim ảnh kể về xác ướp Ai Cập hoặc những xác chết biết đi…đều bắt đầu từ một sự ngờ nghệch của nhân vật nào đó, vô tình đánh thức những kẻ đã bị “ướp” hoặc “chết lâm sàng”…khiến chúng tỉnh dậy.

TS Alan Phan Tác giả 9 cuốn sách Anh và Việt ngữ về thị trường mới nổi - Bình luận gia chính cho các tạp chí Vietnam Financial Review, Robb Report, Saigon Times, Vietnamnet, Saigon Tiếp Thị, Doanh Nhân - Giảng viên thỉnh giảng tại các đại học Mỹ và Trung Quốc - Doanh nhân với 43 năm kinh nghiệm tại Mỹ và Trung Quốc
TS Alan Phan Tác là giả 9 cuốn sách Anh và Việt ngữ về thị trường mới nổi - Bình luận gia chính cho các tạp chí Vietnam Financial Review, Robb Report, Saigon Times, Vietnamnet, Saigon Tiếp Thị, Doanh Nhân - Giảng viên thỉnh giảng tại các đại học Mỹ và Trung Quốc - Doanh nhân với 43 năm kinh nghiệm tại Mỹ và Trung Quốc. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Và thường thường, mỗi khi “xác chết” sống lại, chúng sẽ trả thù loài người, tìm cách giết hại cả người đã cứu mình trở lại trần gian…

Nhưng đến cuối phim, bao giờ cũng có một người anh hùng, dùng trí tuệ và lòng quả cảm của mình, giết chết “những con quái vật” đó, đem lại bình yên cho nhân loại…

Đó là phim ảnh. Còn ở cuộc sống thực, cuối tuần qua, truyền thông Việt Nam hồi hộp đón chờ một người anh hùng giống trong phim như vậy.

Ông là Tiến sĩ Alan Phan, vị doanh nhân Việt kiều thành công trên thị trường quốc tế, với bài bình luận nổi tiếng, đề nghị “đề bất động sản (BĐS) rơi tự do”.

Mang người dân ra “ngã giá”?

“Ông cho rằng, doanh nghiệp BĐS “chết”, nhà băng “chết”, chứng khoán tụt giảm… cũng không sao, miễn là Chính phủ bảo đảm người dân sẽ không mất tiền. Vậy, xin ông cho biết giải pháp mà Chính phủ cần phải làm để bảo đảm người dân sẽ không mất tiền nếu tình trạng nêu trên xảy ra?”

“Hầu hết các dự án nhà ở thương mại, người dân đã đóng một phần tiền, thậm chí là rất nhiều tiền nếu phá sản chủ đầu tư không tiếp tục xây và không thể giao nhà cho họ, cũng không có khả năng hoàn trả tiền; vậy ai sẽ là người mất tiền?”

Đây là 2 trong số nhiều câu hỏi mà cánh buôn bán nhà đất chất vấn TS Alan Phan. Người ta dễ dàng thấy, những kẻ lái buôn đã đem người dân ra để gây áp lực với những người làm chính sách, rằng: “Nếu chúng tôi chết, dân cũng chết”.

Rất lịch lãm, Alan Phan đáp lại những lời công kích đó, bằng cách phân tích rằng:”Tất cả những suy thoái, trì trệ và việc kém hiệu quả trong các đầu tư để công nghiệp hóa hay gia tăng sản lượng nông, hải, sản…đều có thể truy nguồn đến những bong bóng tài chánh như BĐS, chứng khoán và ngân hàng. Khi dòng tiền tấp nập chảy về lãnh vực này để hưởng lợi nhuận dễ dàng và nhanh chóng, chúng ta đã hy sinh những đầu tư xã hội cần thiết và dài hạn như y tế, giáo dục, công nghệ cao, nông nghiệp…Tai hại của sự lãng phí và tham ô trong việc sử dụng tài lực quốc gia này sẽ làm cả dân tộc trả giá trong nhiều thập kỷ sắp đến…

Ngoài ra, về các hệ quả tương lai khi bong bóng BĐS nổ, Quý vị đã tự đặt cho mình một vị trí quá quan trọng trong nền kinh tế chung. Dĩ nhiên có thể hơn 50% các doanh nghiệp kinh doanh BĐS và vật liệu xây dựng cũng như 50% các ngân hàng nhỏ yếu sẽ chết vì nợ xấu…nhưng tôi chắc chắn là “không có Mợ thì chợ vẫn đông”. Thực ra, những doanh nghiệp, ngân hàng…này cũng đã chết lâm sàng rồi. Họ kéo dài hơi thở để đợi chút oxygen từ tiền thuế và phí của người dân. Hiện tại, họ không đóng góp chút gì cho sản lượng quốc gia trong khi tiếm dụng một phần nguồn lực không nhỏ.

Có nên giải cứu bất động sản. Ảnh: Góc nhìn Alan.
Có nên giải cứu bất động sản. Ảnh: Góc nhìn Alan.

Về các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, một số lớn đã ngất ngư vì không thể cạnh tranh với sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan…tại sân nhà hay sân người. Đổ lỗi cho tình hình BĐS chỉ là một thủ thuật phát sinh từ thói quen lười biếng.

Con ngáo ộp thứ hai Quý Vị đem ra hù dọa là con số vài chục ngàn trong số 53 triệu công nhân toàn quốc (với tỷ lệ thất nghiệp khoảng 2.2% theo thống kê nhà nước) sẽ bị ảnh hưởng khi bong bóng BĐS nổ tung. Nếu nền kinh tế chúng ta phát triển bền vững và bài bản, sự tạo ra việc làm cho các công nhân này chỉ là chuyện nhỏ”.

Rồi đến “bài” mang ngân hàng ra dọa cũng bị Alan Phan lật tẩy: “Con ngáo ộp thứ ba của Quý vị là các người dân bỏ tiền trong các ngân hàng sẽ chịu mất mát khi vài ngân hàng đóng cửa. Theo tôi hiểu, mỗi tài khoản hiện nay được bảo hiểm đến 50 triệu VND và đang được ngân hàng nhà nước đề xuất lên 100 triệu VND (vì lạm phát nhiều năm qua). Tỷ lệ mất mát cho những tài khoản trên 100 triệu VND tại các ngân hàng sẽ rất nhỏ; vì các nhà đa triệu phú thường không ngu để mất tiền như Quý Vị tiên đoán. Họ có nhiều giải pháp sáng tạo hơn Quý Vị và nhà nước nhiều”

Trước đó, độc giả của Chất lượng Việt Nam từng phân tích chi tiết: “Ngân hàng đã có tài sản đảm bảo, đủ để giải quyết nợ xấu. Nếu thiếu, ngân hàng phải tự “cắt thịt” để xử lý nợ xấu (tức là phải điều chỉnh giảm tổng tài sản, điều chỉnh giảm vốn tự có). Vấn đề xử lý nợ xấu đã được nhiều ngân hàng giảm tỷ lệ nợ xấu, nhiều ngân hàng lớn có đủ sức để vượt qua khủng hoảng, vì tỷ lệ nợ xấu chiếm đến 20% vẫn có thể xử lý được, trong khi hiện nay Ngân hàng Nhà nước báo cáo tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 6%.

Vậy sẽ không có chuyện ngân hàng sụp đổ hàng loạt mà chỉ có khoảng 20% số ngân hàng yếu kém nhất phá sản, 30% có thể khó khăn tạm thời trong thanh khoản, 50% còn lại sẽ không gặp phải khó khăn gì. Vậy không có tình trạng ngân hàng phá sản hàng loạt. Vấn đề vay qua lại giữa các ngân hàng đã giảm xuống, sự phụ thuộc giữa các ngân hàng đã giảm xuống vì vậy sẽ không có phản ứng dây truyền…”

Chờ ý kiến của “đạo diễn”

Là một người hùng, nhưng Alan Phan lại rất thực tế, khi phần cuối bài trả lời, ông phải “chua” thêm câu: “Tôi cũng tiên đoán là chính phủ rồi cũng sẽ tung nhiều gói cứu trợ BĐS mặc cho sự can gián của nhiều chuyên gia và đa số người dân. So với Quý Vị, tiếng nói của chúng tôi không đủ trọng lượng để chính phủ lưu tâm”.

Bài học về đầu tư cảng Kê Gà vẫn còn đó mà chắc chắn, Alan Phan đã biết và thấm nhuần.

Cứu “thây ma” BĐS có làm cho người nghèo được sở hữu căn nhà giản dị như cả đời họ mơ ước, hay lại khiến những kẻ đầu cơ tạo thêm các đợt bong bóng mới?

Lần này, người dân không còn hồi hộp chờ đợi Alan Phan nữa, vì biết ông đã phân tích rất kỹ rồi. Mà họ nín thở và chờ câu trả lời thuộc về  “đạo diễn phim”: “Alan Phan và thây ma BĐS”.

Hoàng Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang