Tin thầy lang chữa bệnh bằng nước kiềm khiến gan tổn thương, tiên lượng xấu
![author](https://vietq.vn/templates/themes/images/icontacgia.png)
(VietQ.vn) - Mới đây một người phụ nữ ở Hà Nội đã phải nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, chán ăn, da vàng do tự ý bỏ thuốc điều trị viêm gan B để nghe thầy lang uống nước kiềm.
Yêu cầu về sơ chế, chế biến thực phẩm Halal theo TCVN 12944:2020
Bắc Giang: Kiểm tra đo lường đối với đồng hồ đo nước, phát hiện chứng chỉ kiểm định hết hiệu lực
Tiêu chuẩn – công cụ hỗ trợ quản lý thay đổi hiệu quả trong kỷ nguyên số
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Medlatec, nữ bệnh nhân D.T.N. (56 tuổi, Hà Nội) mắc viêm gan B mạn tính suốt nhiều năm nay. Tuy nhiên, nhờ việc tuân thủ phác đồ điều trị và thăm khám định kỳ, tình trạng virus viêm gan B của bệnh nhân được ức chế và kiểm soát hiệu quả.
Mang tâm lý "chung sống hòa bình" với bệnh, nhưng bệnh nhân N. bất ngờ gặp hiểm họa sau khi nghe lời thầy lang áp dụng phương pháp "tiết thực", sử dụng loại nước kiềm không rõ loại để điều trị.
Bệnh nhân cho biết, tự ý bỏ thuốc kháng virus 2 tháng nay, không thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi các chỉ số xét nghiệm cần thiết. Bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec thăm khám, do thấy cơ thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da tăng dần và nước tiểu sẫm màu.
Tại đây, bệnh nhân được chỉ định thực hiện các kỹ thuật cần thiết hỗ trợ chẩn đoán. Đúng như tiên lượng của bác sĩ, kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số xét nghiệm men gan (AST, ALT) vượt ngưỡng bình thường gấp 100 lần. Trên hình ảnh siêu âm đàn hồi gan cho thấy nhu mô gan thô, độ cứng gan tương đương F4.
![](https://vietq.vn/Images/lelan/2024/12/10/nước kiềm-2.jpg)
Không nên nghe lời thầy lang uống nước kiềm để điều trị bệnh viêm gan vì có thể khiến bệnh ngày càng trầm trọng. Ảnh minh họa
Bệnh nhân có chẩn đoán xác định suy gan cấp trên nền đợt bùng phát viêm gan B. Bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Đến nay, sau 3 lần lọc huyết tương, bệnh nhân ý thức chậm, nếu không được ghép gan kịp thời, nguy cơ tiên lượng tử vong cao.
Thông tin về trường hợp trên, ThS.BS Trần Tiến Tùng - Chuyên khoa Nội cho biết, trường hợp đáng tiếc xảy ra với bệnh nhân này không phải hiếm gặp. Vì nhiều lý do khác nhau như tự ý bỏ thuốc, chữa bệnh theo trend, bỏ qua thăm khám định kỳ... là những yếu tố khiến viêm gan virus B có thể bùng phát mạnh mẽ làm suy giảm nghiêm trọng chức năng gan. Người bệnh không được điều trị kịp thời, không kiểm soát bệnh đúng cách có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan, suy gan, thậm chí ung thư gan và nguy cơ tử vong rất cao.
Hiện chưa có thuốc chữa khỏi bệnh viêm gan mạn nên để hạn chế tổn thương gan và ngăn chặn tình trạng virus bùng phát do đó người bệnh không được tự ý ngừng thuốc điều trị kháng virus, hoặc chỉ ngừng điều trị khi có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, định kỳ kiểm tra để đánh giá khả năng tái hoạt HBV sau khi ngừng thuốc. Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là các chỉ số chức năng gan theo chỉ định của bác sĩ.
Nên tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý. Không uống bia rượu; không ăn quá cay, quá mặn, quá béo; lựa chọn thịt nạc, ít mỡ; tăng cường rau xanh, hoa quả; ngũ cốc nguyên hạt (lúa mạch, gạo lứt, mì nguyên cám).
Liên quan tới nước kiềm Bệnh viện Vinmec cho biết, nước kiềm có độ pH cao hơn nước uống thông thường. Bởi vì điều này, một số người ủng hộ nước kiềm tin rằng nó có thể trung hòa axit trong cơ thể “tính kiềm” trong nước kiềm đề cập đến mức độ pH của nó. Mức độ pH là một con số đo lường mức độ axit hoặc kiềm của một chất trên thang điểm từ 0 đến 14. Nước kiềm cũng phải chứa các khoáng chất kiềm và khả năng khử oxy hóa âm (ORP). ORP là khả năng của nước hoạt động như một chất pro- hoặc chất chống oxy hóa. Giá trị ORP càng âm thì giá trị này càng chống oxy hóa.
Mặc dù nước uống có tính kiềm được coi là an toàn nhưng nó có thể tạo ra các tác dụng phụ tiêu cực. Lượng kiềm dư thừa trong cơ thể có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa và kích ứng da. Quá nhiều kiềm cũng có thể kích động độ pH bình thường của cơ thể, dẫn đến nhiễm kiềm chuyển hóa, một tình trạng có thể tạo ra các triệu chứng sau: Buồn nôn, nôn mửa, run tay, co giật cơ bắp, ngứa ran ở tứ chi hoặc mặt, lú lẫn...
Nhiễm kiềm cũng có thể gây giảm canxi tự do trong cơ thể, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của xương. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất của hạ canxi máu không phải do uống nước có tính kiềm, mà là do tuyến cận giáp hoạt động kém.
Ngoài ra nước có tính kiềm tự nhiên được cấu thành khi nước đi qua đá - như suối - và lấy các khoáng chất, làm tăng mức độ kiềm của nó. Tuy nhiên, nhiều người uống nước kiềm mua nước kiềm đã qua một quá trình hóa học gọi là điện phân. Kỹ thuật này sử dụng một sản phẩm gọi là chất ion hóa để nâng cao độ pH của nước thông thường. Các nhà sản xuất ion nói rằng điện được sử dụng để phân tách các phân tử trong nước có tính axit hơn hoặc kiềm hơn, nước có tính axit sau đó được thoát ra ngoài. Do đó nên thận trọng với nước kiềm nhân tạo vì nó có thể chứa ít khoáng chất tốt hơn so với độ pH cao và có thể chứa chất gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc uống quá nhiều nước kiềm có thể khiến thiếu khoáng chất.
An Dương