TS.Trần Tiến Cường: Giải quyết những ‘điểm nghẽn’ trong tái cơ cấu DNNN

author 07:01 15/06/2019

(VietQ.vn) - “Cần hành động quyết liệt hơn để điều chỉnh vai trò của kinh tế nhà nước, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước phù hợp với đặc điểm nền kinh tế thị trường của nước ta”, TS. Trần Tiến Cường chia sẻ.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Bình luận về dự thảo “đánh giá việc thực hiện cơ cấu khu vực DNNN, vai trò của kinh tế Nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020; quan điểm, phương hướng của giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 2021-2025”, TS Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng Ban nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định, trong giai đoạn 2010 – 2020, việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã ghi nhận những nỗ lực tích cực.

Cụ thể, về đổi mới thể chế và cơ chế, tạo khung khổ hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo hướng thị trường như: ban hành các văn bản điều chỉnh, giảm nhiều ngành nghề, lĩnh vực hoạt động; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để tập trung vào sản xuất, dịch vụ công ích thiết yếu; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác…

Đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN thông qua cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, giảm vai trò DNNN ở những ngành nghề, lĩnh vực không cần đến sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Trần Tiến Cường cũng chỉ ra những điểm “nghẽn” kém hiệu quả trong việc triển khai tái cơ cấu DNNN.

 TS Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng Ban nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM). Ảnh Internet

Thứ nhất, sự cồng kềnh, cắt khúc, hành chính hóa thực hiện chức năng chủ sở hữu; thiếu cơ sở và nguồn lực thông tin, dữ liệu toàn diện, thống nhất và tin cậy; năng lực phân tích, khả năng phối hợp và thống nhất thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu còn thiếu và yếu, không phù hợp với vai trò của chủ sở hữu.

Sự trì trệ, thiếu động lực, thiếu công cụ, sức ép có hiệu lực đối với cơ cấu lại DNNN, đặc biệt là cơ cấu lại quản trị công ty tại các DNNN. Do vậy, các DN này chưa đáp dụng thông lệ của quản trị doanh nghiệp hiện đại nên ảnh hưởng đến sự nhanh nhạy, năng động, linh hoạt, minh bạch, trách nhiệm giải trình của bộ máy quản lý trước chủ sở hữu và các bên liên quan.

Chưa làm rõ khái niệm kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, chưa cụ thể hóa thành các tiêu chí có tính chất nhất quán để xác định trên thực tế kết quả cơ cấu lạI DNNN có đạt đến mục tiêu đảm bảo vai trò chủ đạo của KTNN hay không, chưa có văn bản hoặc có những giải thích, diễn giải cụ thể và rõ để làm căn cứ đánh giá cơ cấu lại DNNN.

 Những điểm "nghẽn" trong việc tái cơ cấu DNNN. Ảnh minh họa

Theo ông Cường, cần hành động quyết liệt hơn để điều chỉnh vai trò của KTNN, cơ cấu lại DNNN phù hợp với đặc điểm nền KTTT của nước ta. Cơ cấu lại để đảm bảo nguồn lực kinh tế nhà nước đầu tư cho mục tiêu kinh doanh của DNNN và các đơn vị kinh tế nhà nước có quy mô hợp lý hơn… theo hướng giảm dần, tiến tới rút lui khỏi các ngành, lĩnh vực kinh doanh cạnh tranh.

Tăng cường sử dụng chính sách vĩ mô do Nhà nước ban hành thay cho việc sử dụng DNNN có tính hành chính làm công cụ để điều tiết vĩ mô. Cần có thêm nhiều nỗ lực để đổi mới mạnh vai trò của chủ sở hữu NN, từ nhận thức đến ban hành, áp dụng các thể chế, cơ chế, chính sách về chủ sở hữu Nhà nước.

Tăng cường việc giám sát, kiểm soát của chủ sở hữu NN đối với vốn, tài sản nhà nước. Tăng cường năng lực phân tích, đánh giá, phát hiện, cảnh báo về các vấn đề của DNNN. Thành lập các công cụ phù hợp như: hệ thống thông tin, dữ liệu về DNNN, kinh tế nhà nước, các tiêu chí, tiêu chuẩn giám sát… đảm bảo tính pháp chế, kỷ luật trong quản lý chủ sở hữu NN.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang