Từ vụ 21 học sinh bị đau bụng, nôn ói: Cảnh báo trà sữa không rõ nguồn gốc
Nghệ An: Phát hiện phương tiện vận chuyển pháo không rõ nguồn gốc
Thời tiết giao mùa: Chủ động phòng ngừa bệnh cúm mùa
Thanh Hoá xử phạt 45 cơ sở vi phạm trong công tác phòng cháy chữa cháy
Mới đây, Trung tâm Y tế Thanh phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã có báo cáo sơ bộ vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến nhiều học sinh bị đau bụng, nôn ói trên địa bàn.
Trước đó, lớp 7.1 Trường THCS Thống Nhất, phường Thống Nhất tổ chức liên hoan nhân ngày Tết Trung thu năm 2024 với tổng số 45 học sinh tham gia. Được biết, có 34/45 học sinh uống trà sữa do Hội phụ huynh lớp mua từ cơ sở trà sữa Cô Ba Sài Gòn (địa chỉ: Số 14 Phùng Hưng, phường Hội Thương, Thành phố Pleiku). Đến khoảng 9h cùng ngày, 21/34 học sinh tham gia uống trà sữa xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn ói.
Sau đó, 1 học sinh nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược - Hoàng Anh Gia Lai; 1 học sinh đến khám tại Trạm Y tế phường, được cho uống Oresol và về nhà; 19 học sinh còn lại có biểu hiện nhẹ được phụ huynh đưa về theo dõi. Trung tâm y tế Thành phố Pleiku đã phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành lấy mẫu trà sữa, niêm phong mẫu để phục vụ cho công tác điều tra, xác định nguyên nhân vụ việc.
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, trà sữa là thức uống quen thuộc, nếu được làm đúng cách sẽ không gây ra ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu trà sữa không đảm bảo nguồn gốc thành phần, khâu chế biến, bảo quản... thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.
Học sinh bị nôn ói được kiểm tra, theo dõi sức khỏe tại cơ sở y tế.
"Vấn đề của trà sữa ở chỗ nguồn gốc nguyên liệu có đảm bảo hay không, có xuất xứ rõ ràng hay không, cách pha chế có đúng cách hay chưa. Nếu không đảm bảo, chắc chắn món đồ uống này có khả năng gây ngộ độc thực phẩm rất cao", PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nhận định.
Thông thường bất cứ thực phẩm nào đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng cần kiểm soát hương liệu, chất phụ gia... Những loại hương liệu, chất phụ gia nếu nằm trong danh mục cho phép sử dụng cần đảm bảo hàm lượng trong ngưỡng cho phép cũng như khuyến cáo về liều lượng sử dụng. Nếu trà sữa không đảm bảo kiểm soát hương liệu, chất phụ gia thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm là điều khó tránh.
Ngoài khả năng gây ngộ độc thực phẩm, trà sữa từ lâu đã bị gắn mác là món đồ uống kém lành mạnh cho sức khoẻ. Điều này là do trà sữa chứa nhiều đường, sữa. Bất cứ loại thực phẩm nào chứa nhiều đường sữa được tiêu thụ đều đặn hàng ngày cũng đều không tốt cho sức khỏe nói chung. Việc tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường sữa có thể khiến bạn tăng cân, béo phì, thừa canxi, dẫn đến sỏi thận...
Cũng theo các chuyên gia y tế, đối với người bị ngộ độc thực phẩm, triệu chứng dễ nhận thấy đầu tiên là đau bụng và tiêu chảy. Các dấu hiệu và triệu chứng đi kèm phổ biến khác có thể bao gồm tiếng ùng ục trong bụng hoặc đầy hơi và chướng bụng. Đối với người già hoặc trẻ em, triệu chứng thường nặng hơn vì hệ miễn dịch yếu.
Người bị nhiễm độc có triệu chứng buồn nôn và nôn ngay. Sau khi nôn hết thực phẩm đã ăn/uống trước đó, người bệnh tiếp tục có dấu hiệu nôn khan liên tiếp sau vài giờ, không ăn gì cũng nôn. Một triệu chứng phổ biến khác của ngộ độc thực phẩm là chóng mặt hoặc đầu óc quay cuồng. Triệu chứng này có thể kéo dài trong vài giờ, cơ thể người bệnh sẽ bắt đầu nóng lên và có các triệu chứng như cúm sau khi bị ngộ độc thực phẩm. Nếu các biểu hiện này diễn ra nhiều lần sẽ dẫn tới hiện tượng mất nước và chất điện giải, có thể đe dọa đến tính mạng.
Thanh Hiền (t/h)