Vì sao nên kiêng nhặt tiền rơi trong tháng cô hồn?

author 09:05 05/08/2016

Dân gian tương truyền rằng, trong tháng cô hồn không được nhặt tiền rơi vãi trên đường, nếu không người nhặt tiền sẽ bị đen đủi, gặp vận xui.

Sự kiện: Tháng cô hồn

Tháng 7 Âm lịch còn được gọi là “tháng cô hồn” hay tháng “mở cửa mả”. Dân gian quan niệm, đây là tháng của ma quỷ, đặc biệt ngày rằm trong tháng này là ngày xá tội vong nhân – ngày Quỷ Môn Quan mở để ma quỷ được tự do về dương thế.

Dân gian kiêng nhặt tiền rơi 

Nguồn gốc của tháng cô hồn bắt nguồn từ việc Diêm Vương cho mở Quỷ môn quan vào ngày 2.7 hằng năm để quỷ đói được trở lại trần gian và đến ngày rằm sẽ quay về. Người dân quan niệm, tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không đem lại may mắn. 

Trong tháng cô hồn có nhiều điều kiêng kị, đặc biệt là kiêng không nhặt tiền rơi.

Trong tháng cô hồn có nhiều điều kiêng kị, đặc biệt là kiêng không nhặt tiền rơi. Bởi quan niệm dân gian, tiền lẻ rơi trên đường là tiền người cúng mua chuộc quỷ đầu trâu mặt ngựa. Nếu người nào phạm kị, sẽ gặp tai họa không chừng.

Khoa học không chứng minh được 

GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, kiêng kỵ chỉ để giải quyết vấn đề tâm linh. Nếu kiêng được, tâm lý sẽ vui vẻ hơn theo đúng quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.

“Dân gian đã kiêng rồi thì mình nên tránh. Cố tình làm những điều kiêng kỵ chỉ thêm lo lắng. 13 việc kiêng kỵ, nếu không cần thiết thì không nên thực hiện trong tháng cô hồn.”, ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, trường hợp thấy tiền lẻ rơi trên đường không dám nhặt trong tháng cô hồn vì đó là tiền của ma quỷ cũng chưa ai chứng minh được. Tuy vậy, thấy tiền rơi trên đường, chẳng ai dại gì mà không nhặt.

Ông Ngô Đức Thịnh khuyến cáo: “Tháng cô hồn, nếu ai kiêng được thì cứ kiêng, nhưng đừng vì sợ ma quỷ mà gò bó mình. Điều này là không nên bởi cũng có người có thể gặp tai họa vì kiêng”.

Đạo Phật không kiêng nhặt tiền rơi vãi

Hòa thượng Thích Thanh Nhã, Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Trấn Quốc cho rằng, theo quan niệm của đạo Phật, trong tháng 7, người dân không phải kiêng 13 điều như quan niệm dân gian vẫn đồn đoán.

Theo đạo trụ trì chùa Trấn Quốc, đạo Phật không tin có tháng cô hồn. Nhà Phật chỉ dạy, con người không sát sinh vào ngày rằm, mồng 1, không làm điều trái, sống có phúc đức.

“Nếu làm được như vậy, ai cũng được điều lành, điều tốt, tâm lý bình an”, Hòa thượng Thích Thanh Nhã nói.

Ông cũng bày tỏ quan niệm dân gian về việc nhặt tiền rơi trong tháng 7 gặp đại họa là không có cơ sở. Ông lý giải rằng tiền thật rơi trên đường nếu nhặt được vẫn không sao cả, thậm chí đây là lộc. Do đó, người nhặt được tiền rơi vãi trên đường là được lộc, được phúc.

Do đó, Hòa thượng Thích Thanh Nhã khuyên người dân không phải kiêng kỵ bất cứ điều gì trong tháng 7.

“Những điều kiêng đều do dân gian tự đặt ra chứ không có thuyết nào dạy như thế. Những ngày xấu, ngày tốt là do quan niệm chứ đạo Phật không dạy con người kiêng kỵ trong tháng 7. Đạo Phật khuyên rằng ngày nào cũng là ngày tốt, tháng nào cũng là tháng tốt và không có ngày tháng nào xấu”, Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ.

Có nhiều luồng quan điểm khác nhau như vậy nhưng người dân cũng phải tùy thuộc vào tình hình thực tế để kiêng kị bởi lẽ tiền nhỏ lẻ rơi trên đường thì hiếm có người nhặt, số tiền quá lớn thì nhặt được phải trả lại người đã mất. Ngoài ra có trường hợp một số người vội vàng nhặt tiền rơi dẫn tới vấp ngã, phanh xe gấp gây tai nạn ... nên thường đổ tại xui rủi là không nên.

Quan niệm “không nhặt tiền rơi” vào tháng cô hồn xuất phát từ quan niệm dân gian cúng tế cầu phúc cho vong linh (cô hồn).

Do vậy, những thứ đã cúng (tiền âm phủ, tiền thật, bánh trái…) đều thuộc về thế giới bên kia, người ta sợ khi nhặt những thứ ấy sẽ biến mình thành “đối thủ” của họ.

Chúng ta nên giáo dục công dân không được nhặt tiền rơi dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là ngày tháng nào trong năm, bởi việc nhặt tiền rơi có thể là nguồn cội của lòng tham.

Chúng ta từng giáo dục con em “nhặt được của rơi trả người đánh mất”, thế nhưng hai hành động “nhặt của rơi” và “trả người đánh mất” không phải lúc nào được thể hiện đồng bộ.

Từ việc “được nhặt của rơi” đến việc táy máy “nhặt” luôn của không rơi rất gần, chẳng hạn chuyện “cầm nhầm” điện thoại di động ở hải quan sân bay, việc “vặt hộ” trái cây nhà hàng xóm…

Người Nhật kiên quyết dạy con cháu mình “cái gì không thuộc về mình thì không được sờ tới”, họ đã ngăn chặn bất kỳ mầm mống tiêu cực ngay từ thuở ban đầu.

Theo Phunutoday

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang