Việt Nam trở thành nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 3 của Trung Quốc

author 16:46 30/09/2024

(VietQ.vn) - Trung Quốc là nước sản xuất thủy sản hàng đầu thế giới, nhưng sản lượng chủ yếu đến từ nuôi trồng. Các loại hải sản tự nhiên trong nước hạn chế khiến người tiêu dùng Trung Quốc quan tâm đến những sản phẩm thủy sản tươi sống, chất lượng cao và được quốc tế công nhận.

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), dẫn số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, trong 8 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn thủy sản, đạt giá trị gần 11,4 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, con số này giảm gần 6% về lượng và 11% về kim ngạch.

Năm thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho Trung Quốc bao gồm: Ecuador, Nga, Việt Nam, Canada và Ấn Độ. Trong đó, Việt Nam giữ vị trí là nhà cung cấp thủy sản nhập khẩu lớn thứ ba cho Trung Quốc.

Cá tra và tôm chân trắng là hai mặt hàng mang về nguồn ngoại tệ chủ lực, với doanh thu lần lượt đạt 350 triệu và 180 triệu USD. Các sản phẩm khác như tôm hùm, cua, ốc, nghêu… cũng ghi nhận mức tăng trưởng đột phá. Trong đó, tôm hùm tăng 139%, cua tăng gấp 16 lần, ốc và nghêu lần lượt tăng 603% và 215%.

VASEP cho biết, Trung Quốc tuy là nước sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới, nhưng phần lớn sản lượng của nước này đến từ nuôi trồng.

Các loại hải sản địa phương có hạn và người tiêu dùng vẫn tiếp tục tìm kiếm các sản phẩm thực phẩm được dán nhãn là chất lượng cao và được quốc tế công nhận, nhất là thủy sản tươi sống. Chưa kể, sự phát triển của thương mại điện tử và hệ thống chuỗi cung ứng lạnh tiên tiến đã giúp cho các sản phẩm tươi sống được tiêu thụ nhiều hơn, đến gần hơn với người dùng nước này.

Ảnh minh họa

Về sở thích tiêu dùng, người dân sống tại các thành phố ven biển Trung Quốc có xu hướng chuộng hải sản tươi sống hơn so với người tiêu dùng ở các khu vực nội địa. Đa số nhu cầu tiêu thụ hải sản sống diễn ra chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn, nhà hàng và tổ chức (HRI). Những địa điểm phổ biến mà người tiêu dùng thường thưởng thức hải sản nhập khẩu bao gồm nhà hàng trong các khách sạn cao cấp, nhà hàng hải sản đặc sản và nhà hàng Quảng Đông.

Đối với các nhà nhập khẩu và phân phối, chợ bán buôn thủy hải sản vẫn đóng vai trò là kênh thương mại chính tại Trung Quốc. Tiêu biểu là chợ hải sản JingShen Bắc Kinh, được coi là chợ hải sản lớn nhất khu vực miền Bắc Trung Quốc, cung cấp khoảng 80% lượng thủy sản cao cấp cho thị trường Bắc Kinh, bao gồm cả các sản phẩm nhập khẩu phục vụ ngành HRI và bán lẻ. Các nhà nhập khẩu hải sản tại chợ này phân phối sản phẩm đến người mua và nhà phân phối tại nhiều tỉnh thành lớn như Bắc Kinh, Hà Bắc, Thượng Hải, Quảng Châu, Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh.

Một số quy định mới khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc

Các yêu cầu cụ thể của Trung Quốc đối với thủy sản sống xuất khẩu gồm:

Sản phẩm xuất khẩu nằm trong Danh mục được Trung Quốc công nhận, 48 loài thủy sản động vật thủy sản sống.

Các cơ sở nuôi được cơ quan quản lý NTTS/Thú y địa phương kiểm tra, chứng nhận điều kiện ATTP/điều kiện vệ sinh thú y, được cấp mã số/lấy mẫu giám sát bệnh trong quá trình nuôi (tôm sú, TTCT sống).

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường (NAFIQPM) thẩm định điều kiện ATTP cơ sở bao gói xuất khẩu sản phẩm thủy sản sống, gửi văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ đăng ký của cơ sở tới Vụ Giám sát Kiểm dịch động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC).

Vụ Giám sát Kiểm dịch động thực vật cập nhật danh sách cơ sở đáp ứng yêu cầu trên website của GACC.

Các lô hàng xuất khẩu được cấp chứng thư. Danh mục chứng thư hàng ngày gửi Hải quan Trung Quốc (Nam Ninh) để đối chiếu Các cơ sở bao gói của Việt Nam nằm trong danh sách đăng ký xuất khẩu thủy sản sống sang Trung Quốc sẽ thực hiện yêu cầu về thẩm định, chứng nhận lô hàng thủy sản sống xuất khẩu sang thị trường này theo đúng quy định tại Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT và 32/2022/TT-BNNPTNT.

Theo NAFIQPM, hoạt động thẩm định cấp giấy chứng nhận xuất khẩu thủy sản sống sang Trung Quốc hiện đang gặp phải một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể, các lô hàng thủy sản sống xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu dưới hình thức xuất khẩu biên mậu, do đó doanh nghiệp lưu trữ bằng chứng xuất khẩu không đầy đủ. Việc thẩm tra xuất xứ nguyên liệu tại vùng nuôi cần thống nhất về tần suất, tỷ lệ lô hàng được thẩm tra/số lô hàng xuất khẩu. Hệ thống thông tin, dữ liệu về các cơ sở nuôi/vùng nuôi chưa được lập, cập nhật trong cả nước…

Trước tình hình này, NAFIQPM đề nghị các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết (người nuôi/khai thác, đại ý, doanh nghiệp, quy trình thực hiện, phân rõ trách nhiệm các bên); đồng thời cập nhật chương trình quản lý chất lượng theo thực tế đăng ký với NAFIQPM. Trên cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp đăng ký, NAFIQPM có văn bản gửi các cơ quan quản lý thủy sản địa phương xây dựng và cập nhật, kiểm soát theo phân cấp các đội tượng quản lý, khuyến khích mô hình lập tổ đội, HTX liên kết; Việc lập và chia sẻ dữ liệu chung cần phải thực hiện đồng bộ và thống nhất tại các đơn vị (danh sách vùng nuôi, cơ sở nuôi/mã số, diện tích sản lượng, cam kết sản xuất kinh doanh an toàn…) để tạo điều kiện xuất khẩu cho doanh nghiệp đáp ứng quy định hiện hành.

Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng cũng đề nghị NAFIQPM xem xét phương án xác định lô hàng thủy sản sống được hình thành từ quá trình thu hoạch/thu mua (trên cơ sở doanh nghiệp lập chuỗi quản lý/kiểm soát) để thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm sống. NAFIQPM cần thống nhất về hoạt động thẩm tra xuất xứ tại vùng nuôi, việc lưu bằng chứng thực tế sản xuất, bằng chứng xuất khẩu và được thực hiện với tất cả các cơ sở sản xuất thủy sản sống xuất khẩu trên cả nước.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính” như trước, đồng thời cũng là thị trường có tính cạnh tranh cao, nhất là với nông sản, trái cây đến từ Thái Lan, Campuchia… Để tận dụng được các lợi thế sẵn có, các bộ, ngành, địa phương và nhất là các doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận, nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, hàng hóa để có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường lớn này, nhất là các khu vực nhiều tiềm năng ở phía Bắc, Đông Bắc của Trung Quốc. Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của Trung Quốc; tích cực tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế để kết nối trực tiếp, đẩy mạnh hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại ổn định, lâu dài, hiệu quả.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang