EU sẽ kiểm tra kiểm soát dư lượng hóa chất trong thủy sản nuôi trồng tại Việt Nam
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thiết bị điện tử nhập lậu qua đường hàng không
Thử nghiệm thành thạo – công cụ quan trọng kiểm soát chất lượng
Xây dựng quy chuẩn công trình kiểm soát tải trọng xe, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
Chuyên gia hiến kế áp dụng nhóm kiểm soát chất lượng (QCC) cho sinh viên
Ngành thủy sản Việt Nam ít nhiều bị ảnh hưởng chương trình kiểm soát dư lượng trong thủy sản nuôi trồng của EU. Ảnh: N. Lân
Theo đại diện Phòng An toàn thực phẩm - Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), sau cuộc thanh tra năm 2023 của Liên minh châu Âu (EU), Bộ đã ban hành chương trình kiểm soát riêng đối với sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản sang châu Âu. Trong số 10 vấn đề EU chỉ ra, Việt Nam đã khắc phục được 9, nhưng vẫn còn tồn tại vấn đề liên quan đến dư lượng hóa chất và kháng sinh trong thủy sản.
Do đó, Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị các địa phương kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh thủy sản. Tuy nhiên, các cơ sở nuôi trồng vẫn chưa chú trọng đúng mức, tiếp tục sử dụng kháng sinh không kiểm soát, đe dọa đến uy tín và khả năng duy trì thị trường xuất khẩu. Nếu không cải thiện tình hình, EU có thể đóng cửa thị trường thủy sản đối với Việt Nam.
Theo Cơ quan Thực thi các chính sách về an toàn sức khỏe và thực phẩm của EU (DG-SANTE), số lượng lô hàng thủy sản từ Việt Nam bị cảnh báo do dư lượng hóa chất và kháng sinh vượt ngưỡng đã gia tăng đáng kể. Do đó, cuộc thanh tra lần này là một phần trong kế hoạch kiểm tra an toàn thực phẩm của EU từ 2021 - 2025, nhằm đánh giá toàn diện về hệ thống kiểm soát dư lượng tại Việt Nam.
Kháng sinh vẫn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, nhưng phải tuân thủ đúng loại, liều lượng và thời gian cách ly để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, nhiều người nuôi thủy sản, đặc biệt là tôm, chưa nắm rõ các quy định về sử dụng kháng sinh, dẫn đến rủi ro về tồn dư hóa chất trong sản phẩm xuất khẩu.
Tại Bình Thuận, ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản đang được chú trọng đầu tư, hiện đại hóa. Với sản lượng khai thác và nuôi trồng hàng năm đạt 11.000 - 12.000 tấn, các doanh nghiệp trong tỉnh đã nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP và BRC. Đặc biệt, một số cơ sở tại địa phương đã đầu tư vào mô hình nuôi tôm công nghệ cao, không sử dụng kháng sinh, thay vào đó là 100% chế phẩm sinh học thân thiện môi trường.
Đại diện cho doanh nghiệp, chị Nguyễn Kim Thùy - Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như, cho biết đơn vị đã liên kết với các hộ nuôi trong vùng theo chuỗi giá trị để đảm bảo nguồn nguyên liệu cá sạch, không sử dụng thuốc cấm, nhằm phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Đồng thời khuyến cáo bà con không nên sử dụng thuốc cấm để cho nguồn nước sạch, bảo đảm nuôi trồng hiệu quả và chất lượng để đáp ứng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.
Về phía ông Nguyễn Ngọc Hải - Giám đốc Hợp tác xã cá tra Thới An chia sẻ, bà con cần có tài chính và kinh nghiệm thì mới đạt được thành công. "Người nuôi cá chuyên nghiệp thì hãy nuôi. Đó là ngành đặc thù, phải có chuyên môn, cá phải nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chứ đâu có phải dễ dãi, không an toàn, người ta đâu có lấy được. Tức là con cá mình giá trị xuất khẩu cao thì bây giờ nên đầu tư quy mô cho nó bài bản", ông Hải cho biết.
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương và doanh nghiệp chuẩn bị tốt cho đợt thanh tra của EU, đồng thời yêu cầu tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm trong việc sử dụng thuốc và hóa chất cấm. Bà Nguyễn Thị Băng Tâm - Cục Thuỷ sản, Bộ NN&PTNT cho biết, Hoa Kỳ và EU là những thị trường khó tính với những yêu cầu cao về kiểm soát dư lượng thuốc, hóa chất, nguồn gốc sản phẩm cũng như tính bền vững. Trong 6 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ và EU đạt 1,27 tỷ USD, đây là những thị trường giúp khẳng định uy tín, chất lượng của thủy sản Việt Nam.
Việc lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến tồn dư trong nuôi trồng thủy sản không chỉ gây hệ lụy rất lớn đến hệ sinh thái, nguồn nước, mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ người sử dụng và mất uy tín của sản phẩm thủy sản trên thương trường.
Để hạn chế tình trạng này, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu, phải cùng nhau dàn trận để cùng nhau kiểm soát các yếu tố. Sử dụng kháng sinh phải được kiểm soát, thì phải nắm được và hướng dẫn. Phải tập huấn, hướng dẫn cho bà con, phải truyền thông thì mới làm được.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để xuất khẩu thủy sản bền vững, doanh nghiệp đa dạng sản phẩm xuất khẩu; thúc đẩy xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước; tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, điểm nghẽn ảnh hưởng đến xuất khẩu…
Để tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục cập nhật thông tin và triển khai các kế hoạch hành động nhằm chuẩn bị tốt nhất cho đợt thanh tra này. Bên cạnh đó, Cục Thủy sản đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm các quy định Luật An toàn thực phẩm, các nghị định, thông tư liên quan. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc, hóa chất cấm dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Duy Trinh (t/h)