Xây dựng môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

author 06:47 07/11/2021

(VietQ.vn) - Về dài hạn, Việt Nam cần chú ý cải thiện năng suất lao động, môi trường kinh doanh, đặc biệt, cần coi chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế như một cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới thể chế chính sách, thực thi nghiêm kỷ luật công vụ và có những điều chỉnh phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước.

Trước bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, theo nhóm nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế quý IV/2021 khó có khả năng phục hồi nhanh, và vì vậy tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam trong điều kiện tốt nhất sẽ vào khoảng gần 2%, khả dĩ hơn là khoảng từ 1,5-2%.

Trong trường hợp phục hồi chậm và nhiều tình huống xấu do kiểm soát dịch bệnh, kinh tế 2021 có thể tăng trưởng ở mức khoảng 0,8%. Sang năm 2022, tùy vào bối cảnh thuận lợi cả trong và ngoài nước, tăng trưởng GDP được dự báo trong khoảng 5,8% và 6,7% trong kịch bản cao.

Xây dựng môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Ảnh minh họa. 

Các chuyên gia kiến nghị, trong ngắn hạn cần tiếp tục các biện pháp kiểm soát hợp lý Covid-19 kết hợp với gia tăng độ bao phủ vaccine. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn ngắn hạn vẫn cần được thực hiện khẩn trương, tuy nhiên cần chú ý về chi phí thực hiện chính sách, cũng như hiệu lực thực thi chính sách tương đối thấp hiện nay.

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ cần cải cách kinh tế, chương trình tái cấu trúc; các doanh nghiệp cần tận dụng hội nhập, các hiệp định FTA; thu hút FDI có chất lượng; đồng thời, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… Cùng với đó, TS. Võ Trí Thành khuyến nghị, đi sâu cải cách và tạo dựng thể chế mới. Theo đó, Chính phủ cần cụ thể hóa cơ chế bảo vệ và động lực khuyến khích để cán bộ dám nghĩ, dám sáng tạo, dám làm vì sự phát triển đất nước…

Ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cấp cao của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, Việt Nam cần cải tổ lại các tổ chức tài chính hiện có và tạo ra tổ chức tài chính mới để làm tăng cung tín dụng dài hạn tài trợ cho cơ sở hạ tầng và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, năng lực cạnh tranh sẽ thúc đẩy tài chính cho phát triển. "Nếu các công ty của Việt Nam không thể cạnh tranh trong nước và quốc tế, đầu tư và tiết kiệm trong nước sẽ không tăng", ông Jonathan Pincus nhấn mạnh.

Đối với trong dài hạn, Việt Nam cần chú ý cải thiện năng suất lao động, môi trường kinh doanh, đặc biệt, cần coi chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế như một cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới thể chế chính sách, thực thi nghiêm kỷ luật công vụ và có những điều chỉnh phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, các biện pháp thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cải thiện hạ tầng số và thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số là cần thiết; đồng thời, tận dụng gói hỗ trợ để phát triển một số ngành mũi nhọn, cải thiện chuỗi cung ứng và phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang