Xử phạt cơ sở kinh doanh tam thất không rõ nguồn gốc, xuất xứ

author 10:37 07/08/2024

(VietQ.vn) - Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu phát hiện hộ kinh doanh Nguyễn Hoài Thanh kinh doanh mặt hàng tam thất không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cục Quản lý thị trường Lai Châu thông tin, qua theo dõi, thu thập, xác minh và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện bà Nguyễn Hoài Thanh thực hiện đăng bài quảng cáo, bán hàng online trên mạng xã hội bằng tài khoản Facebook "Huyền Châu" có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, vào hồi 9h00 phút ngày 5/8/2024, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu phối hợp với Đội 3 thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an tỉnh Lai Châu tiến hành kiểm tra đột xuất đối với cửa hàng kinh doanh do bà Nguyễn Hoài Thanh là chủ hộ kinh doanh, có địa chỉ tại tổ 26, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu.

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện bà Thanh đang kinh doanh bày bán 15kg tam thất khô, có trị giá 4,5 triệu đồng, số tam thất này đựng trong túi nhựa nilong màu trắng không có nhãn hàng hóa, không có thông tin căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Xử phạt cơ sở kinh doanh tam thất không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh minh họa

Quá trình làm việc, bà Nguyễn Hoài Thanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Toàn bộ số hàng hóa trên bao bì đã bị rách, ẩm mốc, không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm để lưu thông trên thị trường.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, trình Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh Nguyễn Hoài Thanh về hành vi Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với mức xử phạt 4 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định.

guồn gốc xuất xứ hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng, phản ánh chất lượng cũng như là cơ sở để người tiêu dùng hiểu hơn về quy trình sản xuất của mỗi sản phẩm. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay thị trường, bên cạnh những hàng hóa có thương hiệu, đạt chất lượng thì tình trạng buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn ra rất phức tạp với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, trở thành vấn đề "nóng", thu hút sự quan tâm của người dân.

Theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP; định nghĩa về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như sau: Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa đang lưu thông trên thị trường nhưng không có căn cứ để có thể xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa đó.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ hàng hóa được thể hiện ở các thông tin sau: Nhãn hiệu, bao bì và tài liệu kèm theo hàng hóa; Chứng từ chứng nhận xuất xứ của hàng hóa; hợp đồng hoặc hoá đơn mua bán hàng hóa, tờ khai hải quan; Giấy tờ khác với mục đích chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự; giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định pháp luật.

Có thể thấy, hàng hóa được coi là không rõ nguồn gốc xuất xứ là những hàng hóa bày bán mà người bán không xuất trình được hóa đơn; chứng từ hay chứng minh được về nguồn gốc sản phẩm theo các tiêu chí mà pháp luật quy định. Vậy, pháp luật quy định xử lý thế nào đối với việc bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ?

Bán hàng không rõ nguồn gốc là hành vi trái pháp luật. Những hành vi này không những ảnh hưởng đến uy tín người bán mà trong nhiều trường hợp còn gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng, những sản phẩm hàng hóa khác. Vì vậy, hiện nay, pháp luật cũng có những chế tài xử phạt khá nghiêm khắc đối với hành vi này. Theo đó, tuỳ theo tính chất và mức độ mà hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP, cụ thể như sau: “4. Mức phạt tiền dành cho những hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định của pháp luật là phải có nhãn hàng hóa nhưng không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn hàng hóa gốc nhưng bị thay đổi được quy định cụ thể như:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với những hàng hóa vi phạm có giá trị tới 5.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 3.000.000 – 6.000.000 đồng với hàng hóa vi phạm giá trị từ trên 5.000.000 đến 10.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 6.000.000 -10.000.000 đồng với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 10.000.000 đến 20.000.000 đồng;

Phạt tiền từ 50.000.000 – 60.000.000 đồng áp dụng với những hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.

Từ những quy định trên có thể thấy cá nhân khi có hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 60 triệu đồng phụ thuộc vào giá trị của hàng hóa vi phạm.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang