Xuất khẩu hàng hóa: Trung Quốc không còn là thị trường ‘dễ tính’

author 07:08 26/02/2022

(VietQ.vn) - Nếu như trước kia nhiều người cho rằng Trung Quốc là thị trường khá “dễ tính” thì đến nay câu chuyện đã thay đổi.

Thông tin từ Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 56 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020. Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ. Nhiều nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có hàng nông, lâm, thủy sản.

Tuy nhiên, nếu như trước kia nhiều người cho rằng Trung Quốc là thị trường khá “dễ tính” thì đến nay câu chuyện đã thay đổi. Theo Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo Ðiểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) Ngô Xuân Nam, chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc đã có đến 42 thông báo về những thay đổi vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật. Ngoài ra, các cơ quan liên quan của Trung Quốc cũng đã thống nhất ban hành Tiêu chuẩn mới GB 2763-2021, quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa, với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm. So với tiêu chuẩn GB2763-2019, số lượng loại thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới tăng 81 loại, tăng 16,7%; giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại, tăng 42%.

Măng cụt là 1 trong 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.  

Với mức kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm không ngừng gia tăng như vậy, thì rõ ràng Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp thắt chặt xuất khẩu tiểu ngạch, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn như hiện nay.

Kể cả đối với những mặt hàng đủ tiêu chuẩn thì khi thực hiện kiểm dịch cũng sẽ mất khá nhiều thời gian, dẫn đến thông quan chậm, ảnh hưởng lớn đến chất lượng hàng hóa, nhất là các sản phẩm tươi sống. Trong khi đó, nếu đi đường chính ngạch, có hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Tính đến nay, Việt Nam mới có 9 loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Các loại trái cây còn lại chủ yếu xuất khẩu vào Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch, dẫn đến phụ thuộc gần như 100% vào các cửa khẩu phụ, lối mở, trong khi đây là những điểm đang chịu sự kiểm soát dịch Covid-19 chặt chẽ từ phía Trung Quốc, dẫn đến tình trạng thường xuyên bị dừng thông quan.

Vì vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nông sản sang Trung Quốc, Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết: "Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thúc đẩy trao đổi trực tuyến với cơ quan đầu mối của Tổng cục Hải quan Trung Quốc để mở cửa thị trường đối với sầu riêng, khoai lang; đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mở cửa thị trường đối với các sản phẩm hoa quả ưu tiên của Việt Nam: bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa. Với mặt hàng thủy sản, đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép xuất khẩu chính ngạch đối với các mặt hàng có tiềm năng lớn như: tôm sú ướp đá, thẻ chân trắng ướp đá, sứa ướp muối, hải sâm khô...".

Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của các cơ quan chức năng thì điều cần nhất vẫn là sự quyết tâm của người sản xuất và doanh nghiệp, bởi phía Trung Quốc sẽ kiểm tra sát sao, vào bất kỳ thời điểm nào việc thực hiện các quy định từ cơ sở sản xuất, cơ sở đóng gói đến việc tuân thủ điều kiện của các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu để bảo đảm đúng, đủ các yêu cầu thì mới mở cửa thị trường chính ngạch. 

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang