Xuất khẩu vào thị trường FTA: Doanh nghiệp gặp nhiều rào cản, tiêu chuẩn ngặt nghèo

author 06:13 21/12/2022

(VietQ.vn) - Mặc dù các FTA (hiệp định thương mại tự do) đem lại nhiều thuận lợi, tuy nhiên, doanh nghiệp Việt có hàng hoá xuất khẩu sang các thị trường FTA vẫn gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề trên, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương cho biết, dù giá trị xuất khẩu sang các thị trường có FTA mới như EU, Anh, Canada, Mexico tăng trưởng tốt, nhưng tỷ trọng của các thị trường này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chưa tăng, thậm chí một số thị trường còn khá khiêm tốn. Thêm vào đó, tỷ lệ tận dụng các FTA cũng rất thấp, cụ thể, tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong EVFTA là 20%, UKVFTA là hơn 22% và CPTPP mới chỉ là 6%.

Theo ông Ngô Chung Khanh, có rất nhiều yếu tố cản trở doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các FTA nhưng năng lực cạnh tranh hạn chế đang là lực cản lớn nhất, tiếp đến là thiếu thông tin về các FTA và những biến động bất định của thị trường. Kết quả khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam năm 2022 cho thấy hơn 46% số doanh nghiệp được hỏi cho biết gặp trở ngại về năng lực cạnh tranh; hơn 40% doanh nghiệp thiếu thông tin cụ thể về các cam kết và cách thức áp dụng FTA; gần 47% doanh nghiệp lo ngại các yếu tố biến động của thị trường.

Bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, sau hơn 2 năm thực thi EVFTA tốc độ tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam vào EU vẫn chưa tương xứng với triển vọng phát triển hợp tác thương mại giữa hai bên. Bên cạnh những ảnh hưởng khách quan từ dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp Việt gặp những khó khăn trong quá trình tiếp cận thị trường EU và thực thi các quy định tại EVFTA. Một trong những khó khăn lớn nhất họ gặp phải chính là việc áp dụng quy tắc xuất xứ.

Để được hưởng các ưu đãi thuế quan trong EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng các quy định về xuất xứ. Song, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tỏ ra lúng túng khi xử lý hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), thậm chí còn thiếu kiến thức và năng lực thay đổi sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu đưa ra từ phía khách hàng EU. Đó chính là lý do dù quy mô thị trường EU rất lớn với giá trị nhập khẩu lên tới 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm nhưng các ngành hàng xuất khẩu, kể cả mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam vẫn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu nhập khẩu của thị trường này. Một điểm yếu khác mà doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành nông lâm thủy sản Việt Nam nhận thấy chính là tỷ lệ hàng xuất khẩu được chế biến sâu và có thương hiệu còn rất thấp.

Ảnh minh hoạ

Doanh nghiệp Việt chưa tận dụng hết cơ hội khi xuất khẩu sang các thị trường lớn có FTA như EU, Hoa Kỳ vì hầu hết sản phẩm được xuất thô hoặc sơ chế, gia công cho thương hiệu nước ngoài khiến hàng Việt chưa được người tiêu dùng nhận diện nhiều. Thêm vào đó, bản thân doanh nghiệp Việt cũng chậm thay đổi để thích ứng và tận dụng các cơ hội, ưu đãi.

Bên cạnh những thuận lợi về cắt giảm thuế quan, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với nhiều quy định phi thuế quan ngặt nghèo hơn từ các thị trường FTA đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA. Đáng chú ý là việc siết chặt các vấn đề về môi trường/khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Xu hướng này được nhận định sẽ tác động lớn đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới, gia tăng thêm hàng rào về mặt kỹ thuật và hành chính đối với cả các mặt hàng từ nông nghiệp đến công nghiệp.

Tại thị trường EU, dệt may là một trong những nhóm sản phẩm chủ lực bị tác động đáng kể nhất khi sẽ phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn với việc mới đây EU đã công bố chiến lược dệt may tuần hoàn. Trong khi đó, mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu cũng cần phải đáp ứng các điều kiện như giấy phép Thỏa thuận đối tác tự nguyện/Quản trị rừng và lâm nghiệp (VPA/FLEGT), giấy phép CITES, tiếp đó là các tiêu chuẩn ESG (Environmental-Social-Governance), phát thải CO2…

Theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), từ 1/12 vừa qua, Nhật Bản sẽ áp dụng kiểm soát IUU Trong toàn bộ quá trình chuỗi và đảm bảo truy xuất nguồn gốc đối với thủy sản Việt Nam. Các lô hàng thủy sản và sản phẩm chế biến từ nguyên liệu thuộc 4 loại thủy sản là mực ống và mực nang, cá thu đao Thái Bình Dương, cá thu mackerel và cá trích sẽ phải kèm theo giấy chứng nhận khai thác hoặc xác nhận cam kết khi xuất khẩu vào Nhật Bản.

Còn theo thống kê của Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), chỉ trong tháng 11/2022 Văn phòng SPS Việt Nam đã tổng hợp được 115 thông báo của thành viên WTO; trong đó bao gồm 82 dự thảo và 33 văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) có thể ảnh hưởng tới mặt hàng nông, lâm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang