Hàng hóa mang mã số mã vạch khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường

authorThanh Uyên 07:30 07/12/2015

(VietQ.vn) - Đó là nhận định của Lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động mã số mã vạch (MSMV) ở Việt Nam.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

20 năm hoạt động mã số mã vạch đồng hành cùng doanh nghiệp

Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm hoạt động mã số mã vạch

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh, với vai trò là một tổ chức thành viên của cộng đồng GS1 quốc tế, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (SG1 Việt Nam) đã hoàn thành tốt các yêu cầu về hoạt động mà GS1 quốc tế yêu cầu, góp phần không nhỏ vào việc đưa các tiêu chuẩn, giải pháp của hệ thống GS1 vào áp dụng trong đa ngành kinh tế tại Việt Nam.

Trong chặng đường dài 20 năm, GS1 Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống GS1 quốc tế. GS1 Việt Nam luôn theo dõi và cập nhật các quy định của GS1 quốc tế và các tiêu chuẩn của ISO để kịp thời có kế hoạch xây dựng thành tiêu chuẩn quốc gia tương ứng.

Các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) ban hành đã đáp ứng nhu cầu của các tổ chức sử dụng MSMV, GS1 Việt Nam còn tích cực góp ý cho các dự thảo tiêu chuẩn quốc tế của ISO, đặc biệt là dự thảo về xác định nguồn gốc. Góp phần củng cố vị thế của hệ thổng GS1 lĩnh vực xác định nguồn gốc sản phẩm.

Về hoạt động xây dựng văn bản quy pháp luật, thời gian qua GS1 Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật phục vụ việc quản lý hoạt động MSMV, góp phần tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp Việt Nam yên tâm áp dụng công nghệ này để hội nhập xu thế chung toàn cầu.

Bên cạnh đó, theo yêu cầu chiến lược đến năm 2016 của GS1 quốc tế về đảm bảo chất lượng dữ liệu, từ 2012, GS1 Việt Nam đã xây dựng phần mềm thu thập dữ liệu thương phẩm sử dụng MSMV trực tuyến (IDD) và đưa vào hoạt động thử nghiệm IDD tại khu vực phía Bắc. 

20 năm hoạt động mã số mã vạch đồng hành cùng doanh nghiệp20 năm hoạt động mã số mã vạch đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo ông Phó Đức Sơn - Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng VN,  hiện đã có hơn 17.000 mã doanh nghiệp được cấp

Ông Phó Đức Sơn - Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay đã có 1.700 doanh nghiệp tham gia kê khai hơn 10.000 mã toàn cầu phân định thương phẩm GTIN với các thông tin thuộc tính mô tả sản phẩm theo mã phân loại sản phẩm toàn cầu, phù hợp với quy định của GS1 quốc tế.

“Hiện tại trong số 112 tổ chức GS1 quốc gia, GS1 Việt Nam là một trong số không nhiều tổ chức cung cấp được thông tin sản phẩm lên mạng toàn cầu đăng ký thông tin điện tử về các bên tham gia GEPIR…”, ông Sơn nói.

Đề cập đến hoạt động cấp và quản lý sử dụng MSMV, ông Phó Đức Sơn cho hay, tính đến cuối tháng 11/2015 đã có 2.421 mã doanh nghiệp được cấp mới, nâng tổng số lên 17.628 mã, cấp mới 57 mã rút gọn, cấp mới 2.421 mã toàn cầu phân định địa điểm nâng tổng số lên 16.747 mã, cấp thêm 35 giấy xác nhận mã nước ngoài nâng tổng số lên 240 mã…

Cho đến nay, nhiều mặt hàng mang MSMV của Việt Nam đang được lưu thông trên thị trường quốc tế, góp phần nâng cai uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng Việt Nam đối với các bạn hàng trong và người nước.

Ông Sơn cũng cho rằng, hoạt động MSMV còn được đẩy mạnh ở lĩnh vực truyền thông, phối hợp với các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương. Tuy nhiên, hoạt động này theo đánh giá vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mở rộng, phát triển, quản lý sử dụng MSMV ở địa phương.

20 năm hoạt động mã số mã vạch đồng hành cùng doanh nghiệp

Nhiều cán bộ đã được nhận kỷ niệm chương về sự đóng góp cho hoạt động MSMV 20 năm qua.

Đề cập về định hướng phát triển giai đoạn tiếp theo của hoạt động MSMV, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho rằng, trong thời gian tới cần phải triển khai hoạt động này ở mức sâu hơn, hiệu quả hơn, giúp cho doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với MSMV, doanh nghiệp đưa được thông tin nhiều nhất cho MSMV và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi thông qua MSMV để biết được thông tin về sản phẩm hàng hóa mà mình lựa chọn. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước có thể sử dụng MSMV như là kênh để quản lý về chất lượng, về nhãn sản phẩm hàng hóa.

“Chính vì vậy trong 2016, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đưa nội dung, thông tin quy định, những yêu cầu hợp lý của MSMV vào nhãn hóa cũng như sửa đổi, bổ sung quy định về MSMV”, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho biết.

Cũng theo ông Trần Văn Vinh, để nâng cao vai trò quản lý nhà nước của Tổng cục, đặc biệt là các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương cần phải đẩy mạnh các hoạt động đào tạo,tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng MSMV.

Tổng cục trưởng cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải hoàn thiện và phát triển Phần mềm thu thập dữ liệu thương phẩm sử dụng MSMV trực tuyến (IDD) nhằm triển khai ứng dụng hệ thống GS1 vào lĩnh vực xác định nguồn gốc, chống hàng giả….

"MSMV của sản phẩm, hàng hóa có ý nghĩa quan trọng thể hiện giá trị, tiêu chuẩn, chất lượng, đo lường của sản phẩm, khả năng quản lý, tính cạnh tranh, minh bạch của doanh nghiệp. Sử dụng MSMV thể hiện tính hòa nhập thông qua thực hiện những quy định chung, chuẩn mực quốc tế về hàng hóa trên thị trường toàn cầu. Khi MSMV được hiểu là một chỉ số của thương hiệu có giá trị không thể nhầm lẫn, tranh chấp của nhà sản xuất; là trình độ, niềm tự hào của doanh nghiệp và của quốc gia thì lúc đó sẽ có tự tin vươn ra biển lớn, tham gia hội nhập thị trường toàn cầu hóa hiện nay", ông Vinh nói thêm.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang