Cách mạng công nghiệp 4.0: Thách thức của doanh nghiệp trên con đường 'số hóa'

author 14:34 24/07/2017

(VietQ.vn) - “Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh”

Đó là chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) Nguyễn Phú Cường tại hội thảo "Doanh nghiệp số - đường tới cách mạng công nghiệp 4.0" diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Nguy cơ tụt hậu về công nghệ

Tại Việt Nam, Cách mạng Công nghiệp 4.0 được nhận định sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp với quy mô và tổ chức đa phần nhỏ lẻ như hiện nay. Thậm chí, nếu không chủ động tiếp cận và nắm bắt công nghệ mới, Việt Nam còn có thể trở thành nạn nhân của cuộc cách mạng này, mà nguy cơ lớn nhất đến từ sự thải loại công nghệ cũ từ các quốc gia phát triển.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã nhấn mạnh về cơ hội cũng như thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra. Mặc dù đang ở trong giai đoạn đầu, tuy nhiên, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được dự báo là sẽ có những tác động nhanh chóng và toàn diện đối với tất cả các khía cạnh của hoạt động kinh tế xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Việc chủ động tiếp cận các công nghệ tiên tiến đồng thời nắm bắt xu hướng phát triển mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó đề xuất những định hướng và bước đi phù hợp, kịp thời được Chính phủ Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ và thể hiện rõ trong nội dung Chỉ thị 16 /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thông tin và dữ liệu, chuyển giao công nghệ cũng như chuyển đổi sang doanh nghiệp số là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Công Thương trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ KH&CN thừa uỷ quyền Lãnh đạo Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh MOIT

Tuy nhiên, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội đất nước; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao.v.v…

Mặt khác, có khả năng xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển. Đây là những nhận định hết sức rõ ràng và thực tế về những cơ hội và nguy cơ mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó, khó khăn là điều chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy.

Nhận định về xu hướng của một nền kinh tế kỹ thuật số mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đưa đến Việt Nam, ông Trần Hiệp Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng này nằm ở tiềm lực cơ sở vật chất, máy móc thiết bị của các doanh nghiệp hiện nay.

“Cũ kỹ, lạc hậu và không theo kịp xu hướng hiện đại khiến cho các doanh nghiệp Việt nếu muốn “số hóa” công nghệ cũng phải rất vất vả, mất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Đó là trở ngại của các doanh nghiệp hiện nay”, ông Hòa nêu quan điểm.

Giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam hướng đến công nghiệp 4.0

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng với những thách thức nêu trên, để có thể tiếp cận và khai thác thành công những cơ hội mà công nghiệp 4.0 mang lại, về phía doanh nghiệp, trước hết cần phải hiểu đúng, đầy đủ về cuộc cách mạng này, về những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai, những yêu cầu mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng nếu như không muốn tụt lại phía sau. Từ đó, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc để bước vào cuộc cách mạng này.

Trong bài phát biểu của mình, Tham tán nước CHLB Đức Việt Nam - ông Martin Hoppe cho biết: “Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại tiềm năng vô cùng to lớn. Tuy nhiên, sự hợp tác và đối thoại chặt chẽ phải mang tính quốc gia và quốc tế để bảo đảm rằng chúng ta đạt được lợi ích nhưng tránh được các rủi ro từ nền sản xuất số hóa và tự động hóa".

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Siemens Việt Nam - Tiến sĩ Phạm Thái Lai nhấn mạnh: “Siemens quan niệm con đường tới Công nghiệp 4.0 chính là phát triển “Doanh nghiệp số”. Con đường trở thành doanh nghiệp số bao gồm bốn thành tố cốt lõi được phát triển dựa vào nhau một cách rất logic. Mỗi một thành tố chủ chốt này được tạo nên bởi một danh mục giải pháp độc đáo mà Siemens đã thiết kế cho khách hàng trên chặng đường tiến tới Cách mạng công nghiệp 4.0".

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tham dự đã tham gia tọa đàm và đối thoại cởi mở với các đại diện đến từ Bộ Công Thương, Công ty Siemens, Tập đoàn FPT Group, tập đoàn Polyco. Thông điệp mạnh mẽ đã được truyền tải trong Hội thảo là sự hợp tác, đồng hành của các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, hiệp hội và toàn xã hội trong việc kết nối, trao đổi và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.

“Đây sẽ là một trong những giải pháp tối ưu để doanh nghiệp Việt Nam hướng đến công nghiệp 4.0” ông Marko Walde, trưởng đại diện Phòng Thương Mại và Công nghiệp Đức kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam khẳng định.

Kết thúc Hội thảo, Bộ Công Thương cùng các bên liên quan đã có những đề xuất bước đầu về hướng tiếp tục hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong việc tiếp cận và chuyển đổi thành công sang mô hình doanh nghiệp số, từng bước tiến vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng là một trong những nội dung triển khai cụ thể Chỉ thị 16 /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Lê Huy (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang