Cảnh giác chiêu trò quảng cáo 'nổ' sản phẩm Dạ dày Yakumi

author 16:06 15/03/2021

(VietQ.vn) - Sản phẩm Dạ dày Yakumi lợi dụng hình ảnh, uy tín y, bác sỹ và người nổi tiếng nhằm đánh lừa người tiêu dùng có tác dụng như thuốc điều trị tất cả các bệnh lý về dạ dày, đại tràng là vi phạm pháp luật?

Quảng cáo “nổ như bắp rang”

Mở đầu “kịch bản” quảng cáo “nổ” của sản phẩm Dạ dày Yakumi trên một số website là lời giới thiệu được chắp thêm cánh: “Hàng ngàn bà con khắp cả nước thoát khỏi căn bệnh dạ dày; bà con khắp Miền Bắc truyền tai nhau bài thuốc đặc trị trào ngược, viêm loét và khuẩn HP”. Thậm chí, công dụng của sản phẩm này còn được thần thánh hóa: “Chỉ cần 2 lần/ ngày thì đau dạ dày cả đời không lo tái lại”.

Đặc biệt, những lời quảng cáo còn khẳng định sản phẩm dạ dày Yakumi đã chữa khỏi bệnh dạ dày cho 3 triệu người Việt Nam. Đây chỉ là một phần trong vô số những quảng cáo "nổ” được tung hô rất dễ thấy trên các trang mạng xã hội, trang web gắn với sản phẩm Yakumi.

“Kịch bản” quảng cáo “nổ” của sản phẩm Dạ dày Yakumi. 

Đáng ngại hơn, Dạ dày Yakumi chỉ là thực phẩm chức năng nhưng được giới thiệu, quảng cáo như bài thuốc đặc trị, chữa khỏi tất cả các bệnh lý về dạ dày, đại tràng. Ngoài ra, sản phẩm còn được cắt ghép, gán hình ảnh với một số người nổi tiếng, thầy thuốc để tung hô, dẫn dụ người tiêu dùng.

Trước hết, hình ảnh, video của ông Lê Lương Đống là một thầy thuốc, bác sỹ đông y được sử dụng rất nhiều, với mức độ dày đặc nhằm quảng cáo, giới thiệu cho sản phẩm Yakumi. Lợi dụng uy tín, thành tích của ông Đống để giới thiệu sản phẩm Yakumi có thể xử lý tận gốc bệnh dạ dày sau 1-2 liệu trình, diệt sạch khuẩn HP… kể cả những bệnh lý về dạ dày lâu năm khó chữa nhất chỉ cần dùng Yakumi là sẽ khỏi.

Dạ dày Yakumi chỉ là thực phẩm chức năng nhưng "nổ" như thuốc chữa bệnh dạ dày? 

Thậm chí, sản phẩm này còn sử dụng hình ảnh ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng để quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đến từ Nhật Bản, trong khi đây thực chất là thực phẩm chức năng, có nguồn gốc là bài thuốc đông y Việt Nam. Đáng chú ý hơn, ông Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng cũng được sử dụng hình ảnh để quảng cáo cho sản phẩm này…

Hình ảnh ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bị sử dụng quảng cáo trái pháp luật.

Việc quảng cáo trái quy định pháp luật này có thể gây ra hậu quả khó lường như làm sai lệch thông tin, lừa dối người tiêu dùng tin rằng sản phẩm dạ dày Yakumi là loại thuốc có thể chữa các bệnh lý về dạ dày, đại tràng… Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay không phải người tiêu dùng, người bệnh nào cũng đủ thông thái để nhận diện những sản phẩm sử dụng chiêu trò để quảng cáo trái quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, sản phẩm này còn sử dụng hàng loạt hình ảnh khách hàng, các nghệ sĩ, bệnh nhân chia sẻ về công dụng và hiệu quả của sản phẩm bằng hình thức đăng tải bài: “Nhân vật chia sẻ kinh nghiệm chữa khỏi bệnh”, dạng tin nhắn cảm ơn, nhận xét về sản phẩm trước và sau khi dùng lên trang website khiến nhiều người tin rằng loại thực phẩm chức năng được nói đến có công dụng chữa bệnh.

Không có tác dụng chữa bệnh

Thực chất, sản phẩm Dạ dày Yakumi là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, được cấp phép quảng cáo chỉ là hỗ trợ tăng cường chức năng dạ dày… thế nhưng, trong rất nhiều quảng cáo, sản phẩm này luôn được nhấn mạnh là “bài thuốc” có khả năng điều trị bệnh lý về dạ dày bất chấp các quy định của pháp luật.

Dạ dày Yakumi là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải thuốc điều trị. 

Cũng giống như hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo trá hình là thuốc, Dạ dày Yakumi được phân phối qua kênh bán hàng online. Khách hàng chỉ cần để lại số điện thoại sẽ có người tự xưng là bác sỹ, dược sỹ gọi điện tư vấn, giới thiệu với rất nhiều địa chỉ khác nhau. Theo tìm hiểu, sản phẩm Dạ dày Yakumi do Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Phamaco (phòng 203, tòa nhà 86 Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cấp số Đăng ký sản phẩm 5507/ĐKSP, ngày 17/06/2020. 

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, các loại thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ trợ cho sức khỏe chứ không thể trị bệnh. Việc hiểu lầm đó là thuốc chữa bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng sản phẩm khi nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm chức năng. Đặc biệt sẽ khiến cho việc chữa trị của người bệnh bị kéo dài và gây ra những hậu quả khó lường.

Cũng cần nói thêm, trong rất nhiều bài viết phản ánh về thực trạng quảng cáo trá hình, chúng tôi phát hiện nhiều hình ảnh chuyên gia, nghệ sỹ cùng được sử dụng để quảng cáo cho một loạt sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó có hình ảnh của ông Lê Lương Đống. Chi tiết này phần nào cho thấy sự bất bình thường, mập mờ về công dụng sản phẩm chỉ là những “kịch bản” được diễn đi diễn lại.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm đã ra thông báo số 21/ATTP-NĐTT về việc Quảng cáo thực phẩm chức năng. Trong công văn, Cục này cho biết, một số trang mạng xã hội sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểm lầm cho người sử dụng. Điều này vi phạm khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các bệnh viện trực thuộc Trung ương rà soát và thông báo đến toàn thể nhân viên về việc sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị để quảng cáo thực phẩm là vi phạm Luật An toàn thực phẩm.

Chất lượng Việt Nam online sẽ tiếp tục thông tin.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang