Chất lượng dòng tiền của Cenland có thực sự ổn định?

author 16:29 20/06/2020

(VietQ.vn) - Nếu nhìn vào tình hình lưu chuyển tiền tệ của Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ- Cenland, không ít cổ đông đã bày tỏ quan ngại về việc dòng tiền kinh doanh âm và đặt dấu chấm hỏi về khả năng sử dụng nguồn tiền của doanh nghiệp!

Mới đây, Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ- Cenland (mã CK: CRE) đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2020, ghi nhận tình hình kinh doanh không mấy “sáng sủa”. Điển hình là chất lượng dòng tiền lưu chuyển trong kì liên tục ghi nhận những con số âm. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm gần 26 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm gần 33 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 38 tỷ đồng. Chưa kể, cuối năm 2019, công ty cũng ghi nhận lưu chuyển tiền thuần âm 155 tỷ đồng.

Trong kinh doanh, ngoài doanh thu, lợi nhuận thì điều cổ đông quan tâm nhất chính là dòng tiền – “nguồn máu” của doanh nghiệp “chảy” ra sao? Có đem lại hiệu quả hay không? Nếu nhìn vào tình hình lưu chuyển tiền tệ trên của CRE, không ít cổ đông đã bày tỏ quan ngại về việc dòng tiền kinh doanh âm và đặt dấu chấm hỏi về khả năng sử dụng nguồn tiền của doanh nghiệp!

Chất lượng của doanh nghiệp còn thể hiện qua các con số liên quan đến nợ, khả năng thanh toán nợ, chi phí, hàng tồn kho… Tính đến 31/3/2020, nợ phải trả của CRE là 743 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn chiếm hơn 740 tỷ đồng. Theo tính toán tỷ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn đầu quý là 3,2, nhưng đến cuối quý giảm xuống còn 1,9. Như vậy, tỷ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn giảm đi 1,3 lần cho thấy so với hồi đầu quý. Do đó, khả năng mà các tài sản ngắn hạn có thể chuyển đổi thành tiền để hoàn trả các khoản nợ ngắn hạn hoàn toàn khó khăn hơn.

Nếu như ở đầu quý công ty có tỷ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn đang ở mức cao hơn 2, thì ngay sau đó vào cuối quý tỷ số này nhanh chóng rơi xuống thấp hơn 2. Nguyên nhân có thể do khả năng chuyển hóa thành tiền của hàng tồn kho kém. Trên thực tế hàng tồn kho cuối quý đã tăng lên hơn 13 tỷ đồng, tương ứng tăng 8,9%.

Bên cạnh đó, tỷ số khả năng thanh toán nhanh đầu quý là 1,99; nhưng đến cuối quý là 1,72. Tỷ số khả năng thanh toán nhanh cuối quý so với đầu quý giảm 0,27 lần cho thấy khi đã loại bỏ yếu tố hàng tồn kho, khả năng chuyển đổi tài sản ngắn hạn thành tiền của doanh nghiệp ngày càng kém đi, đặc biệt khi hệ số này ở 2 thời điểm đều lớn hơn 1 thì tình hình thanh toán nợ ko tốt vì các khoản tương đương tiền bị ứ đọng, vòng quay vốn chậm làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Tỷ số khả năng thanh toán đầu quý là 0,1469 nhưng đến cuối quý là 0,1477. Như vậy, tỷ số khả năng thanh toán ngay của doanh nghiệp đầu quý có giảm nhẹ so với cuối quý. Bên cạnh đó tỷ số này ở cả đầu và cuối quý đều thấp hơn 0,5 rất nhiều chứng tỏ doanh nghiệp đang gặp vấn đề trong thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Về hàng tồn kho, tính đến cuối quý I/2020, số tiền tăng từ 141 tỷ đồng lên gần 156 tỷ đồng, chủ yếu liên quan đến hàng hóa bất động sản, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Bên cạnh đó, chi phí xây dựng dở dang cũng ở mức hơn 35 tỷ đồng.

 

Chất lượng dòng tiền của Cenland có thực sự ổn định? (Nguồn: BCTC CRE quý I/2020)

Để duy trì dòng tiền kinh doanh, CRE cũng phải thế chấp các dự án của mình cho các ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Chi nhánh Đông Hà Nội, chi nhánh Thái Hà); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng… lên tới gần 50 tỷ đồng. Các tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và sàn dịch vụ thương mại tầng 1, 2; sàn dịch vụ thương mại SH -41, SH -43 tại lô đất H-CT2 Khu nhà ở Hi Brand, KĐT mới Văn Phú, Phú La, Hà Đông, TP. Hà Nội; căn chung cư B0607 tại tòa B, tổ hợp Sky City Tower 88 Láng Hạ, Hà Nội.

Nhìn chung, chất lượng tài chính, khả năng thanh toán tiền, dòng vốn… của Cenland ngày càng giảm sút, cho thấy chất lượng quản lý và sử dụng dòng tiền có vấn đề?

Về các dự án của CRE, trước đó doanh nghiệp của Shark Hưng cũng vướng nhiều lùm xùm. Đơn cử, dự án Chung cư C – Sky View tọa lạc tại đường Trần Phú, phường Chánh Nghĩa, Thủ Dầu Một, Bình Dương do CTCP Chánh Nghĩa Quốc Cường làm chủ đầu tư (CĐT), CenLand (thuộc CenGroup) hợp tác phân phối. Chung cư C - SKy View rộng 8596,4m2; gồm 2 block cao 36 tầng và 2 tầng hầm; cung ứng ra thị tường 1166 căn hộ.

Để tạo niềm tin với khách hàng, đại diện CĐT, ông Nguyễn Quốc Cường không ngần ngại công bố: “Đây là dự án đầu tay nên công ty sẽ đặt quyền lợi khách hàng lên trên lợi nhuận”. Theo tìm hiểu của Chất lượng Việt Nam online, thời điểm đó, dự án đang trong quá trình đào xới, tiến hành san lấp mặt bằng, chưa xây xong móng, chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý nhưng đã được kêu gọi mua - bán để huy động vốn.

Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh quy định như sau: Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; Trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.

Như vậy, theo điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, dự án C – Sky View chưa hề được phép giao dịch hay có bất kỳ hoạt động chào bán nào. Việc CĐT ủy quyền cho CenLand nhận cọc, giữ chỗ bằng “biên bản nhận cọc” là hình thức không đúng với các quy định của pháp luật.

Không chỉ dự án, ngay bản thân Shark Hưng cũng bị nghi vấn đầu tư vào dự án đa cấp BBI Mall. Cụ thể, Phó chủ tịch CenLand - Shark Hưng từng bị chỉ trích vì đầu tư vào công ty được cho là đa cấp. BBI Mall bị lên án là chưa được cấp phép, hoạt động dưới danh nghĩa sàn giao dịch tiện ích mua sắm online.

Tuy nhiên, thực tế đã diễn ra hàng loạt hoạt động được cho là biến tướng “đa cấp”. Trước sự việc này, BBI Mall đã lên tiếng cho rằng Shark Hưng là nhà đầu tư thiên thần của công ty trong giai đoạn start-up, đến nay Shark Hưng đã thoái vốn, không còn liên quan đến BBI Việt Nam.

​​Trước đó, phát biểu của Shark Hưng trong lễ ký kết hợp tác với BBI Việt Nam đã khiến cá mập này trở thành tâm điểm của những người dính “phốt” nặng: “Việc cash back sẽ giúp BBI hướng đến một công ty fintech và nếu có cổng thanh toán trực tiếp thì giá trị của BBI có thể đạt đến vài tỷ USD, thậm chí 10 tỷ USD”.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang