Nợ xấu tăng, BacABank có thực sự ‘điều khiển’ được chất lượng dòng tiền?

author 07:04 17/06/2020

(VietQ.vn) - 3 tháng đầu năm 2020, nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro của BacABank tăng khiến nhiều người đặt dấu chấm hỏi về chất lượng tín dụng, khả năng sử dụng dòng tiền của nhà băng này.

Rủi ro tín dụng có làm BacABank đau đầu?

Tại ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), nhìn vào báo cáo tài chính quý I/2020 có thể thấy chất lượng tín dụng của nhà băng này đang gặp nhiều vấn đề. Về nợ xấu, cả 3 nhóm nợ của BacABank đều tăng so với thời điểm đầu năm 2020. Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2020, BacABank ghi nhận có 580 tỷ đồng nợ xấu, tăng xấp xỉ 80 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong mức tăng này, nợ xấu ở nhóm có khả năng mất vốn tăng tới hơn 58,5 tỷ đồng, lên mức 276,2 tỷ đồng.

Về khoản nợ theo thời gian, nợ ngắn hạn của BacABank là 30.743 tỷ đồng; nợ trung hạn là 13.974 tỷ đồng và nợ dài hạn là 28.677 tỷ đồng. So với đầu năm, khoản nợ theo thời gian của nhà băng này tiếp tục tăng lên.

Cùng với đó, BacABank cũng ghi nhận các khoản chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh hàng chục tỉ đồng so với cùng kỳ 2019. Gây chú ý nhất trong số này là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ghi nhận 44,1 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm 2020, trong khi cùng kỳ 2019 là 0 đồng.

Nợ xấu của BacABank tiếp tục tăng 

Ngoài chất lượng tín dụng, việc lưu chuyển tiền tệ của nhà băng này cũng gặp khó khăn. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trước những thay đổi về tài sản và vốn lưu động đang ở mức âm 373 tỷ đồng, trong đó, các khoản tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng là âm 95 tỷ đồng; các khoản về kinh doanh chứng khoán âm hơn 2.773 tỷ đồng; các nguồn dự phòng để bù đắp tổn thất (tín dụng, chứng khoán…) đang âm 461 tỷ đồng;

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng ghi nhận âm hơn 1.852 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng ghi nhận âm hơn 12 tỷ đồng. Nhìn vào những con số liên quan đến lưu chuyển tiền, có thể thấy, chất lượng dòng tiền của nhà băng này không “sáng”.

Như vậy, có thể thấy, BacABank đang phải đối mặt với bài toán về rủi ro tín dụng. Bởi những số liệu tài chính đang phản ánh chất lượng tín dụng, thậm chí, nếu nghiêm trọng có thể làm cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng bị ảnh hưởng. Chưa kể, nhiều người cũng sẽ đặt dấu hỏi về khả năng sử dụng nguồn tiền của nhà băng này thông qua những số liệu biết nói từ báo cáo tài chính trên.

Lãi suất đang ‘bào mòn’ lợi nhuận

Tại BacABank, biểu lãi suất huy động VNĐ đang được nhà băng này áp dụng ở mức cao. Cụ thể, các kỳ hạn huy động từ 6 tháng đến 36 tháng tại ngân hàng này đều đang có lãi suất trên 7%, phổ biến từ 7,2% đến cao nhất 7,6%/năm tăng dần theo thời gian gửi tiền.

Trong khi đó, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước vào đầu tháng 5/2020 cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động VNĐ trên thị trường ngân hàng hiện phổ biến chỉ 5,3-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và cao nhất 6,6-7,4%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Như vậy, có thể thấy, lãi suất huy động của nhà băng này cao, đặc biệt ở kỳ hạn huy động từ 6-12 tháng.

Theo báo cáo tài chính quý I/2020, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, các chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự tại ngân hàng tăng thêm tới gần 530 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019. Trong đó chỉ riêng chi phí trả lãi tiền gửi cũng tăng tới trên 242 tỷ đồng, lên hơn 1.818 tỷ đồng.

Thảo Nguyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang