Chỉ số chi cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng ngoạn mục

author 06:59 12/07/2018

(VietQ.vn) - Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 của Việt Nam tiếp tục được cải thiện vị trí, trong đó chỉ số chi cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng 23 bậc lên thứ 13.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Theo báo cáo vừa được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO công bố, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 của Việt Nam tiếp tục được cải thiện vị trí, tăng 2 bậc so với năm 2017 và tăng 14 bậc so với năm 2016.

Quan trọng hơn Việt Nam có điểm số cao trong 7 trụ cột chính được lấy làm cơ sở đánh giá xếp hạng. 7 trụ cột chính đó là: Thể chế vĩ mô; Nguồn nhân lực và nghiên cứu; Cơ sở hạ tầng; Trình độ phát triển của thị trường; Trình độ phát triển của kinh doanh; Sản phẩm kiến thức và công nghệ; Sản phẩm sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh 

Thể chế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, điển hình là chỉ số của việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật tăng từ 74 lên hạng 57, nhóm chỉ số về trình độ phát triển kinh doanh tăng 7 bậc, trong đó đáng kể nhất là chỉ số chi cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng 23 bậc lên thứ 13, chỉ số hợp tác đại học và doanh nghiệp tăng 17 bậc lên thứ 59, chỉ số mới về sáng tạo trực tuyến và chỉ số tải ứng dụng di động Việt Nam xếp thứ 16 thay cho vị trí thứ 52 về tải video lên youtube của năm ngoái.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh, kết quả này phản ánh hết sức sinh động và rõ ràng sự chỉ đạo sự quyết liệt, toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng và đây cũng phản ánh nỗ lực trong triển khai các giải pháp vào thực tiễn của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian vừa qua.

"Đối với nhóm chỉ số về trình độ phát triển của thị trường bao gồm cả tín dụng, đầu tư, cạnh tranh, thương mại đều có những biến chuyển hết sức tích cực. Điều này phản ánh kết quả hết sức rõ ràng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng, là cơ quan đầu mối, Bộ KH&CN rất lưu tâm đến các chỉ số như: Chỉ số chi cho đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, chỉ số chi cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, chỉ số hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp và công nghiệp. Ba chỉ số này thể hiện chỉ đạo chung của Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là nỗ lực của các doanh nghiệp đã chuẩn bị cho cạnh tranh một cách tích cực hơn bằng cách tăng cường chiều sâu cho hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ. Đây chính là nền tảng hết sức quan trọng cho sự phát triển tiếp theo.

Để tiếp tục cải thiện thứ hạng trong chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) một cách bền vững, Việt Nam tiếp tục chú trọng cả các yếu tố đầu vào và đầu ra của ĐMST, trong đó, đặc biệt lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số về môi trường kinh doanh, thị trường vốn và đầu tư, ứng dụng tri thức và công nghệ. Ngoài việc tiếp tục duy trì và nâng cao những kết quả đã được trong thời gian qua, Bộ KH&CN đề xuất một số giải pháp tập trung cải thiện những chỉ số mà Việt Nam đang được xếp vào nhóm yếu, hoặc có xu hướng giảm trong những năm gần đây, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả thực thi của các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về cải thiện thế chế, đặc biệt là Nghị quyết 01, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ, đến tất cả các cấp bộ, ngành, địa phương. Trong đó, tập trung khắc phục những hạn chế về Tạo thuận lợi giải quyết phá sản doanh nghiệp, Tạo điều kiện thuận lợi cho khởi sự kinh doanh và Cải thiện chất lượng các quy định pháp luật

Thứ hai, xây dựng, trọng dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật mạnh, kết hợp đồng thời biện pháp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại. Trong đó, cần quan tâm đầu tư, phát triển các trường đại học theo định hướng nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng nghiên cứu và hợp tác quốc tế.

Thứ ba, tái cơ cấu các ngành nghề sản xuất, kinh doanh với định hướng nâng cao hàm lượng nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, tạo ra nhiều hơn các việc làm thâm dụng tri thức trong bối cảnh hiện nay Việt nam đang tích cực, chủ động tiếp cận cuộc các mạng công nghiệp lần thứ 4 ( CMCN 4.0).

Thứ tư, tiếp tục coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia cùng với các giải pháp nâng cao năng lực ĐMST và hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là chủ thể đi đầu trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Cụ thể, cần tập trung quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học đăng ký sáng chế, hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên tài sản trí tuệ .

Thứ năm, có những giải pháp tăng cường các sản phẩm của Việt Nam trên thị trường công nghiệp văn hoá toàn cầu.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn có 7 chỉ số chưa có dữ liệu để đánh giá (trong đó có 3 chỉ số liên quan tới giáo dục) và 9 chỉ số có dữ liệu chưa cập nhật. Về vấn đề này Bộ KH&CN đã đôn đốc các bộ, cơ quan có liên quan, đồng thời đã có tiếp xúc, trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cùng tìm giải pháp khắc phục.

Theo đề xuất của Bộ KH&CN, tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư “chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đưa một số chỉ số về đổi mới sáng tạo vào thống kê quốc gia, thực hiện thống kê theo định kỳ”. Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu và các bộ, cơ quan khác để có giải pháp cụ thể cho vấn đề này.

Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ ở top đầu(VietQ.vn) - Theo kết quả chỉ số cải cách hành chính vừa được Bộ Nội vụ công bố sáng nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng 11 bộ, cơ quan ngang bộ có chỉ số cải cách hành chính trên 80% và đứng ở tốp đầu.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang