Chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2018 và kết quả ấn tượng của Việt Nam

author 08:43 13/07/2018

(VietQ.vn) - Ngày 12/7, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo qua cầu truyền hình trực tiếp giới thiệu Chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2018 và kết quả của Việt Nam.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Sự kiện có sự phối hợp của Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ.

Trước đó, ngày 10/7/2018, tại New York, Hoa Kỳ, Tổ chức WIPO đã công bố báo cáo về xếp hạng Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2018. Việt Nam được xếp hạng 45 trên 126 quốc gia và nền kinh tế, tăng 02 vị trí so với năm 2017. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được từ trước đến nay.

Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc trên cầu truyền hình trực tuyến tại tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ. 

Ông Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH, CN và ĐMST) cho biết, hội thảo có sự trao đổi, thảo luận giữa các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để xác định các vấn đề cần tiếp tục triển khai thực hiện để cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST), trong đó tập trung rà soát việc phân công chủ trì cải thiện chỉ số ĐMST.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của WIPO cung cấp thông tin cập nhật về chỉ số ĐMST năm 2018 sẽ giúp làm rõ những vấn đề mang tính kỹ thuật trong việc cải thiện các chỉ số. Từ đó sẽ giúp các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai nhiệm vụ đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết 19/2017 và Nghị quyết 19/2018.

Tại đầu cầu Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy (bên phải) cùng đại diện các bộ, ngành tham gia hội thảo trực tuyến.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Chỉ số GII là một bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực ĐMST của các quốc gia và các nền kinh tế, được WIPO phối hợp với Trường kinh doanh INSEAD (Pháp) và Đại học Cornell (Hoa Kỳ) xây dựng lần đầu tiên vào năm 2007. Phương pháp đánh giá được liên tục hoàn thiện qua các năm, là hệ quy chiếu toàn diện nhất để đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia và các nền kinh tế.

Chỉ số ĐMST toàn cầu năm 2018 vẫn được chia thành 7 trụ cột chính (5 trụ cột đầu vào và 2 trụ cột đầu ra), trong đó những trụ cột có điểm kết quả tăng trong lần công bố lần này gồm: Thể chế, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển của kinh doanh, Sản phẩm sáng tạo, Nguồn nhân lực và nghiên cứu…

Đạt được kết quả như trên, trước hết là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và toàn diện của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên mọi lĩnh vực, thể hiện tại một số văn bản chỉ đạo, điều hành như Nghị quyết 01, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ. Đặc biệt, việc đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và phân công từng bộ, cơ quan chủ trì cải thiện từng chỉ số ĐMST tại Nghị quyết 19/2017 thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.

Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự hỗ trợ tích cực, kịp thời về kỹ thuật của WIPO góp phần không nhỏ trong việc đánh giá, đưa ra bức tranh toàn diện về hệ thống ĐMST của Việt Nam. Đây là kết quả rất tích cực cho những cố gắng của chúng ta trong năm và cũng cần phải tiếp tục cố gắng trong thời gian tới.

Quảng cảnh Hội thảo qua cầu truyền hình do Bộ KH&CN tổ chức

Thứ trưởng cho biết, gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/2018 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Điều này đã thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Chính phủ Việt Nam, cùng vào cuộc để tạo sức bật mới trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây không những là vấn đề về nâng tầm hình ảnh và vị thế quốc gia mà còn là cơ hội tạo thế mạnh trong thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đánh giá cao việc tổ chức hội thảo qua cầu truyền hình trực tiếp, Đại sứ Dương Chí Dũng khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn của ĐMST đối với đời sống của con người và sự quan tâm của Chính phủ đối với hoạt động ĐMST.

Đại sứ cho biết, năm nay Việt Nam được đánh giá là nước vượt trội về Chỉ số đổi mới sáng tạo so với trình độ phát triển, đứng đầu trong ASEAN về đầu tư cho giáo dục và thu được những kết quả tốt ở các chỉ số về tăng trưởng năng suất lao động, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. So sánh trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam giành điểm cao ở cả 7 trụ cột quyết định Chỉ số ĐMST.

“Việc cải thiện đáng kể thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng Chỉ số ĐMST 2018 là kết quả của sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ, cũng như sự nỗ lực của các bộ, ngành đứng đầu là Bộ KH&CN được Chính phủ giao làm đầu mối phối hợp với các bộ ngành để triển khai đồng bộ các giải pháp”, Đại sứ nhấn mạnh.

Đại sứ cũng đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả của WIPO dành cho Việt Nam trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ nói chung và việc cải thiện vị thế của Việt Nam trong bảng xếp hạng Chỉ số ĐMST nói riêng thông qua các hoạt động, dự án hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực. Một trong số các dự án hỗ trợ kỹ thuật rất có ý nghĩa và quan trọng mà WIPO đang giúp Việt Nam là xây dựng Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia, trong đó bao gồm chính sách ĐMST và mong muốn, hy vọng tiếp tục nhận được sự trợ giúp của WIPO.

Tuy nhiên, theo đại sứ, để phát huy tiềm năng sáng tạo to lớn của Việt Nam, cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy ĐMST, bao gồm cả chính sách đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chỉ số chi cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng ngoạn mục(VietQ.vn) - Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 của Việt Nam tiếp tục được cải thiện vị trí, trong đó chỉ số chi cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng 23 bậc lên thứ 13.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang