Chuyên gia kinh tế nói gì về xuất siêu hàng hóa Việt Nam cao kỷ lục?

author 06:47 20/09/2020

(VietQ.vn) - Mặc dù xuất siêu được xem là “điểm sáng” giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, vẫn còn đó nhiều nỗi lo.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 336,92 tỷ USD. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 175,36 tỷ USD, tăng 2,3% và tổng trị giá nhập khẩu đạt 161,9 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ 2019. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại xuất siêu gần 13,5 tỷ USD, gấp gần 2,5 lần so với số thặng dư cùng kỳ năm 2019 (5,47 tỷ USD). Con số 13,5 tỷ USD có thể nói là mức xuất siêu kỷ lục của Việt Nam, vượt qua cả con số xuất siêu 9,9 tỷ USD của cả năm 2019.

Xuất siêu được xem là “điểm sáng” giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa.

Mặc dù xuất siêu được xem là “điểm sáng” giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, vẫn còn đó nhiều nỗi lo.

Trao đổi về vấn đề trên, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), nền kinh tế Việt Nam mấy năm gần đây luôn xuất siêu, đây là điều đáng mừng bởi sẽ giúp nước ta gia tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, với riêng con số xuất siêu trong 8 tháng năm 2020 lại có điểm đáng lo ngại, khi xuất siêu tăng không phải xuất phát từ kim ngạch xuất khẩu tăng mà lại do nhập khẩu giảm nhiều.

“Nhập khẩu của Việt Nam tới 90% là tư liệu sản xuất, nhập khẩu hàng tiêu dùng chỉ chiếm 10%. Do đó, giảm nhập khẩu đồng nghĩa với việc giảm nhập tư liệu sản xuất, mà giảm nhập tư liệu sản xuất sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất trong tương lai, nên đây chính là điểm đáng lo”, TS. Lê Quốc Phương quan ngại và lưu ý: Xuất siêu của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào khu vực doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu lớn, tới hơn 10 tỷ USD.

Nếu số liệu nhập khẩu giảm là do lượng máy móc, nguyên vật liệu giảm thì con số xuất siêu như vậy chưa phải là điều đáng mừng. Nhập khẩu giảm có thể do doanh nghiệp đang đánh giá thấp khả năng xuất khẩu tiếp. Điều này dẫn đến nguy cơ khả năng phục hồi kinh tế sau dịch càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, về mặt tài chính, thặng dư thương mại lớn sẽ giúp đất nước có thêm nguồn ngoại tệ để ổn định tỷ giá.

Trong nửa cuối năm 2020, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn so với Quý II/2020 sau khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu đẩy nhanh quá trình phục hồi, mở cửa. Đồng thời với việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng được kỳ vọng tạo bước chuyển biến cho xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

Nông nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa theo thế mạnh từng vùng(VietQ.vn) - Nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã hình thành trên cả nước với quy mô lớn theo 3 trục sản phẩm chủ lực: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương - OCOP.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang