CMCN 4.0: Doanh nghiệp không thể đứng ngoài với sản xuất thông minh

author 06:48 27/08/2020

(VietQ.vn) - “Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, tôi cho rằng doanh nghiệp không thể đứng ngoài sản xuất thông minh”, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà nhấn mạnh.

Trước đây sản xuất bị giới hạn trong chuỗi các quy trình hoặc một quy trình biến nguyên liệu thô thành sản phẩm cuối cùng. Ngày nay với xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, sản xuất thông minh đã và đang chứng minh được tính ưu việt với máy tính điều khiển, cảm biến, công nghệ thông tin, động cơ thông minh, phần mềm quản lý sản xuất, xử lý tất cả các giai đoạn hoặc hoạt động cụ thể của quy trình sản xuất… Cùng với sự kết hợp giữa con người và dữ liệu thu thập máy có thể thúc đẩy quản lý toàn doanh nghiệp và các mục tiêu tối ưu hóa toàn nhà máy, tính đến cả những yếu tố môi trường, hiệu quả tài chính và an toàn trong lao động.

Sản xuất thông minh không những làm thay đổi hiệu quả nền kinh tế thông qua tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, chi phí nhân công cho từng đơn vị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh… mà còn là “bàn đạp” giúp nền kinh tế phát triển bền vững, đồng thời giải phóng sức lao động cho người lao động.

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn), TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học & Công nghệ cho biết, sản xuất thông minh là một khái niệm mới, có nhiều đặc thù. Tuy nhiên, tựu chung lại có 3 đặc thù chính: Thứ nhất, sản xuất thông minh là quá trình tích hợp thực (quá trình sản xuất thực tế) với ảo (dựa trên nền tảng công nghệ thông tin) nhằm mục tiêu tối ưu hóa quá trình sản xuất.

Thứ hai, sản xuất thông minh là việc tích hợp quá trình sản xuất và kinh doanh với nhau. Mục đích là rút ngắn quá trình sản xuất, kinh doanh, tạo ra lợi nhuận. Trên thực tế, trước đây có doanh nghiệp chưa kết hợp hài hòa giữa quá trình sản xuất với kinh doanh thì nay hệ thống sản xuất thông minh sẽ giúp doanh nghiệp làm tốt vấn đề này.

Thứ ba, sản xuất thông minh là giải pháp để doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu khách hàng và thị trường theo thời gian thực, rút ngắn thời gian thu hồi vốn, tạo nên tính linh hoạt trong quá trình sản xuất.

Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Sơn Hà – doanh nghiệp đang ứng dụng sản xuất thông minh – cho hay, trước xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Sơn Hà nhận thức đó là xu hướng dịch chuyển sản xuất, trong đó có dịch chuyển về Việt Nam. Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất không chỉ cạnh tranh trong một sân chơi nhỏ nội địa, mà chúng ta phải thích ứng được trên sân chơi toàn cầu, sân chơi trong các hệ thống Hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đã và đang kí kết. Các doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn có thể vào Việt Nam đầu tư, bình đẳng với doanh nghiệp Việt cả về thị trường trong nước lẫn thị trường quốc tế.

“Vì vậy, trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, tôi cho rằng doanh nghiệp không thể đứng ngoài sản xuất thông minh”, ông Tân nhấn mạnh.

Nếu doanh nghiệp không xác định hướng đầu tư thông minh thì gần như rất khó cạnh tranh với sự phát triển của thế giới. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, ông Tân cũng cho biết, từ nhận thức trên, phía Sơn Hà đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng: “Trước tiên, về sản xuất, chúng tôi cũng đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ mới. Thứ hai, chúng tôi đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin về quản trị, sản xuất kinh doanh, phân phối… được xử lý trên nền tảng công nghệ thông tin nhanh nhất”.

Ví dụ trước đây, Sơn Hà thường sản xuất theo kế hoạch tháng hoặc theo nhu cầu của đơn vị đại lý đặt trước đó. Thế nhưng, hiện nay chúng tôi thích ứng trên nền tảng áp dụng hệ thống ERP - khi có bất kì đơn đặt hàng từ một đại lý hoặc chi nhánh nào, có thể nhanh chóng đưa thông tin ngay đến đơn vị sản xuất, đơn vị vật tư, tài chính… liên quan đến loại hàng hóa đó.

Theo đó, giảm thiểu tối đa thời gian logistics, thời gian chết, thời gian vận chuyển đưa hàng tới tay người tiêu dùng và giảm thời gian tồn kho (thậm chí không còn thời gian tồn kho), đáp ứng ngay nhu cầu cho khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác nhất.

Hoặc gần đây Sơn Hà đang phát triển lĩnh vực năng lượng sạch và nước sạch. Chúng tôi ứng dụng hệ thống điện mặt trời, sử dụng công nghệ hiện đại nhất của thế giới bây giờ. Nghĩa là một gia đình hoặc doanh nghiệp có thể lắp hệ thống pin năng lượng mặt trời, kết nối thông minh qua mạng internet, đưa thông tin đến các app trên điện thoại cầm tay. Hàng ngày, hàng giờ, chúng ta có thể nắm bắt nhanh chóng lượng điện sản xuất ra bao nhiêu, tiêu thụ hết bao nhiêu và quy ra tiền phải trả là bao nhiêu…

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang phát triển một nhà máy nước sạch được quản trị dưới nền tảng thông minh, cập nhật thông số từng phút, từng giờ. Thậm chí khi có sự cố hoặc vấn đề phát sinh, chúng tôi xử lý mọi việc, xử lý sự cố rất nhanh, chỉ 1 phút khi nhận được thông tin.

“Theo tôi, trong thời đại công nghệ hiện nay, nếu doanh nghiệp không xác định hướng đầu tư thông minh thì gần như rất khó tham gia, cũng như cạnh tranh với sự phát triển của thế giới”, ông Tân nêu quan điểm.

Tọa đàm trực tuyến: Sản xuất thông minh - thúc đẩy phát triển doanh nghiệp Việt(VietQ.vn) - Nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm cho doanh nghiệp về sản xuất thông minh, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) tổ chức tọa đàm trực tuyến "Sản xuất thông minh - thúc đẩy phát triển doanh nghiệp Việt".

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang