CMCN 4.0: Việt Nam là thị trường tiềm năng cho robot công nghiệp

author 05:52 02/04/2018

(VietQ.vn) - Trong lĩnh vực sản xuất, mặc dù mật độ robot công nghiệp hiện tại còn rất thấp ở Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam đang được coi là thị trường tiềm năng cho robot công nghiệp.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Đại Dương tại Hội nghị trực tuyến về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) vừa được Ban thường vụ tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức qua phương thức cầu truyền hình với 126 điểm cầu.

Hội nghị nhằm mục đích cung cấp thông tin chuẩn xác và chính thống về cuộc cách mạng này, góp phần nâng cao nhận thức của các cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Sóc Trăng về thời cơ và thách thức của cuộc CMCN 4.0.

Tham luận về “Tổng quan và định hướng về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương cho biết, CMCN 4.0 đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, dẫn đến sự biến đổi bối cảnh toàn cầu và có tác động ngày một gia tăng đến Việt Nam, xét cả về mặt tích cực cũng như tiêu cực.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Đại Dương, đánh giá về hiện trạng triển khai công nghiệp 4.0 tại Việt Nam cho thấy, trong lĩnh vực sản xuất, mặc dù mật độ robot công nghiệp hiện tại còn rất thấp ở Việt Nam, tuy nhiên Việt Nam đang được coi là thị trường tiềm năng cho robot công nghiệp.

Đặc biệt, ngành điện tử trong những năm gần đây có những tiến bộ vượt bậc nhờ sự hiện diện của các tập đoàn đa công nghệ đa quốc gia dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ mới đã bắt đầu được quan tâm ứng dụng để hướng đến chăn nuôi, trồng trọt với mức độ tự động hóa và quy chuẩn cao.

Theo Thứ trưởng Phạm Đại Dương, Việt Nam đang được coi là thị trường tiềm năng cho robot công nghiệp

Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, kim ngạch xuất khẩu công nghiệp phần mềm - cứng, điện tử tiếp tục đạt mức ấn tượng đạt 34,76 tỷ USD năm 2013 (tăng 51,7% so với năm 2012). Tổng số thuê bao điện thoại đạt 130 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động chiếm 95% và số thuê bao 3G đã gần chạm mốc 22,4 triệu thuê bao (tăng 11,2% so với năm trước), đạt tỷ lệ 24,93% thuê bao/100 dân.

CMCN 4.0 cũng làm thay đổi hẳn tư duy, năng lực và kỹ thuật chuyên môn trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, trong lĩnh vực y tế. Còn trong lĩnh vực tài chính, các sản phẩm ngân hàng, tài chính kết hợp kỹ thuật mới đã và đang được triển khai đầu tư, dịch vụ ngân hàng điện tử được triển khai ở tất cả ngân hàng. Ở lĩnh vực năng lượng, các công nghệ năng lượng tái tạo hiện đại chưa được đưa vào ứng dụng nhiều. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Việt Nam có đủ 5 loại hình vận tải nhưng chưa được phát triển toàn diện, còn ở trình độ thấp.

Tại Nghị quyết hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2017, Chính phủ đã có một số chỉ đạo liên quan đến thực hiện Chỉ thị 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0.

Bộ KH&CN được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ Công Thương, Thông tin và Truyền thông và các bộ, cơ quan, doanh nghiệp, đối tác quốc tế liên quan khảo sát, xây dựng báo cáo hiện trạng, kịch bản tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với Việt Nam. Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc nâng cao năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, trình Chính phủ ban hành trong năm 2018. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ KH&CN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, phê duyệt và đưa vào triển khai Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về CMCN 4.0.

 Hùng Cường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang