Công nghiệp hỗ trợ quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm

author 08:02 13/09/2014

(VietQ.vn) - Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) không phải là ngành công nghiệp mang tính chất “phụ trợ” hay “hỗ trợ”, đây là ngành xương sống của nền công nghiệp quốc gia.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy CNHT  được coi là ngành sản xuất nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu, thông qua việc cung cấp linh kiện, phụ tùng và các qui trình kỹ thuật. Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, công nghiệp quốc gia không thể tồn tại và phát triển được nếu không có ngành CNHT phát triển bởi công nghiệp hỗ trợ quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Công nghiệp hỗ trợ chính là ngành xương sống của nền công nghiệp quốc gia

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chiến lược phát triển công nghiệp được xây dựng trên khả năng cạnh tranh quốc tế. Khả năng cạnh tranh quốc tế lại được xây dựng bằng nhiều yếu tố như chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm, chi phí thời gian, chuyên môn hóa tiếp thị và dịch vụ hậu mãi. Nhân tố chi phí sản xuất, như đã nói ở chính là việc sẵn có sản phẩm CNHT ở trong nước. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thường được sản xuất với số lượng lớn nên giá thành hạ do tính kinh tế theo qui mô sản xuất. Đối với một số ngành, CNHT cung cấp tới 85-95% giá trị sản xuất công nghiệp.

Việc dựa vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm tăng chi phí sản xuất, tăng nguy cơ nhập siêu, tính cạnh tranh của sản phẩm thấp. Bên cạnh đó, khi nhu cầu thị trường có thay đổi, khả năng thay đổi để thích ứng với yêu cầu của thị trường của các sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh thấp do không chủ động được nguyên liệu đầu vào.

Theo các chuyên gia, CNHT được coi là ngành sản xuất nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu, thông qua việc cung cấp các phụ tùng, linh kiện và các qui trình xử lý kỹ thuật. Nếu CNHT trong nước không phát triển thì các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp sẽ phải lệ thuộc vào nước ngoài đặc biệt trong trường hợp có biến động về quan hệ ngoại giao, khi đó ngành chế tạo ở quốc gia này chỉ là ngành gia công, lắp ráp đơn thuần và khả năng cạnh tranh rất thấp và phụ thuộc vào bên ngoài.

Như vậy phát triển CNHT sẽ đảm bảo tính chủ động cho nền kinh tế. Một quốc gia phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu và thu hút đầu tư FDI như Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, với ngành CNHT có năng lực cạnh tranh tốt đảm bảo cho các sản phẩm công nghiệp có tính cạnh tranh cao, nhờ đó, có thể duy trì nguồn vốn FDI cho ngành lắp ráp cuối cùng tương đối lâu.

Việc chủ động được nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sẽ giảm nhập siêu, tăng dự trữ ngoại hối, giảm sức ép lên cán cân thanh toán, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Hiện nay, trong bối cảnh tình hình biển Đông còn nhiều phức tạp do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng lớn đến sản xuất trong nước và độc lập tự chủ của đất nước, càng cho thấy sự cấp thiết phải đặt ngành CNHT ở vị trí cao hơn các ngành khác trong ưu tiên phát triển.

Phát triển công nghiệp hoox trợ đi kèm với nâng cao tay nghề lao động

Phát triển CNHT giúp các doanh nghiệp chỉ cần chọn, tập trung vào chuyên môn hóa vào khâu mà mình có khả năng làm tốt nhất với một mức đầu tư chi phí hợp lý nhất, giảm được giá thành sản phẩm. Kết quả là xã hội nói chung và ngành công nghiệp nói riêng có sự phân công lao động ngày càng sâu sắc.

Cụ thể, ngành CNHT đòi hỏi phải có những lao động có tay nghề, có trình độ được đào tạo, dẽ dàng tiếp thu công nghệ mới.  Chất lượng nguồn nhân lực quan trọng hơn nhiều so với máy móc. Công nhân có trình độ cao vận hành máy móc cũ thậm chí còn hiệu quả hơn công nhân có trình độ thấp vận hành máy móc mới. Kết quả là cơ cấu lao động thay đổi từ từ, từng bước nâng cao dần tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý hơn.

Hạ Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang