Công nghiệp hỗ trợ vẫn yếu và thiếu

author 06:45 12/09/2014

(VietQ.vn) - Việt Nam không thể phát triển bất cứ công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nào, mà phải lựa chọn một số sản phẩm chủ lực để phát triển thành thương hiệu quốc gia; phải tính đến chi phí, giá thành, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sự phân công và hợp tác theo chuỗi giá trị toàn cầu.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Đó là khẳng định của Giáo sư- TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) tại buổi Hội thảo "Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam" diễn ra ngày 11/9.

Chưa đầu tư ưu tiên phát triển một ngành công nghiệp hỗ trợ

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) không phải là một ngành công nghiệp riêng mà phụ thuộc vào sản phẩm cuối cùng của từng ngành công nghiệp, có chức năng cung ứng linh kiện, phụ tùng và công cụ cho từng sản phẩm công nghiệp. Tùy thuộc vào đặc thù của sản phẩm cuối cùng, từng ngành công nghiệp có hệ thống xí nghiệp công nghiệp hỗ trợ riêng.

Ví dụ công nghiệp hỗ trợ của ô tô cung ứng sắt thép làm vỏ xe, phụ tùng, linh kiện, săm lốp để tạo ra chiếc ô tô và dịch vụ đầu vào, đầu ra cho quá trình sản xuất và tiêu thụ. Công nghiệp hỗ trợ ngành may mặc là sản phẩm của ngành dệt vải, nhuộm, phụ kiện để sản xuất quần áo cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Công nghiệp hỗ trợ

Giáo sư- TSKH Nguyễn Mại phát biểu tại Hội thảo Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam. Ảnh HG

Giáo sư Nguyễn Mại cho biết: Từ đầu thế kỷ XXI, Chính phủ đã chủ trương phát triển CNHT, hợp tác với Nhật Bản để xây dựng hai khu CNHT ở hai thành phố cảng là Vũng Tàu và Hải Phòng, nhưng sau 14 năm nước ta vẩn chưa định hình được những sản phẩm CNHT cần tập trung xây dựng trên quy mô cả nước, ở từng vùng kinh tế do vậy giá trị gia tăng của sản phẩm khá thấp, nhiều loại sản phẩm như ô tô, điện thoại di động, điện tử, dày da, dệt may chủ yếu vẩn là gia công, lắp ráp, phần lớn CNHT công nghệ cao do doanh nghiệp FDI thực hiện.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng do chưa có chiến lược đầu tư ưu tiên phát triển một vài loại CNHT quốc gia để tạo ra sản lượng quy mô lớn. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước Malaysia đã tập trung phát triển điện và điện tử (E&E) để phục vụ sản xuất trong nước và tạo ra mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên thị trường thế giới, năm 2000 chiếm 57% kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Thời điểm đó, Thái Lan khuyến khích FDI vào ngành công nghiệp ô tô, đã thu hút được 17 hãng sản xuất ô tô lớn của thế giới, năm 2012 đạt sản lượng 2,45 triệu chiếc, khoáng ½ để xuất khẩu; 635 nhà cung ứng cấp 1 (chiếm 65%) là doanh nghiệp Thái Lan hoặc liên doanh với nước ngoài với cổ phần chi phối là của người Thái; khoảng 1700 nhà cung ứng cấp 2 là người Thái.

Hơn nữa, chính sách phát triển CNHT chưa tạo lập mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do vậy mặc dù  một số tập đoàn hàng đầu thế giới (TNCs) như TOYOTA, HONDA, INTEL, SAMSUNG, CANON đã sản xuất với khối lượng lớn mà vẩn chưa có hệ thống nhà máy CNHT ở Việt Nam.

Theo số liệu điều tra của JETRO (Nhật Bản) thì số linh kiện, nguyên phụ liệu nội địa cung ứng cho sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc và Thái Lan chiếm 50- 60%, của Việt Nam chỉ chiếm 27,8% giá trị sản lượng công nghiệp. Do vậy giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam giao động từ 15 đến 30%, kể cả những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như may mặc và da dày.

Thứ 3 là chưa tạo lập được các mô hình liên kết theo chiều dọc và chiều ngang để tạo ra năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bài học kinh nghiệm từ các nước đi trước

Là nước công nghiệp hóa đi sau, Việt Nam cần và có thể tận dụng lợi thế về thông tin của những nước đi trước để vận dụng bài học thành công, tránh vết xe đổ nhằm tìm ra phương thức hữu hiệu trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thu hút FDI của TNCs hàng đầu thế giới.

Malayxia và Thái Lan là hai trường hợp điển hình để Việt Nam nghiên cứu. Cả hai nước này đều theo đuối chính sách mở cữa để thu hút FDI, nhưng có sự khác biệt lớn. Trong khi Thái Lan điều chỉnh theo hướng nâng cao chất lượng FDI thì Malayxia có vẻ tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước, điển hình là công nghiệp ô tô. Malayxia khuyến khích và bảo hộ nhãn hiệu ô tô Proton của nước này thì Thái Lan mở cữa cho các hãng sản xuất ô tô lớn thế giới và đưa lại kết quả khác nhau, trong khi ô tô Proton chỉ tiêu thụ nội địa thì Thái Lan trở thành nước sản xuất và xuất khẩu ô tô lớn trong khu vực với giá trị gia tăng trên 50%, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. 

Kinh nghiệm của Thái Lan cần và có thể vận dụng vào Việt Nam để tiếp tục mở cữa thu hút các TNCs công nghệ cao với dự án quy mô lớn nhằm phát triển CNHT theo hai bước: Một là thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước đầu tư vào CNHT và 2 là tạo lập mối liên kết với doanh nghiệp trong nước nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để phát triển CNHT nội địa, tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao.

Hiện nay, nhiều địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Hà Nội, Bắc Ninh… đang tìm cách phát triển CNHT tại địa phương. Nhưng chưa có địa phương nào có bước đột phá trong việc phát triển CNHT. Do vậy rất cần tìm ra phương thức và mô hình thích hợp với điều kiện của từng loại sản phẩm, từng địa phương. 

Giáo sư Nguyễn Mại chia sẻ: "Việt Nam không thể phát triển bất cứ công nghiệp hỗ trợ nào, mà phải lựa chọn một số sản phẩm chủ lực để phát triển thành thương hiệu quốc gia; cũng không nên máy móc khi đặt vấn đề tỷ lệ nội địa hóa đối với từng loại sản phẩm như ô tô, xe máy, mà phải tính đến chi phí, giá thành, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sự phân công và hợp tác theo chuỗi giá trị toàn cầu".

Hương Giang

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang