Mùa rắn độc 'tung hoành', sai lầm khi sơ cứu có thể mất mạng

author 06:48 22/07/2017

(VietQ.vn) - Thời tiết mưa kéo dài cũng là lúc rất nhiều loài rắn độc xuất hiện nhiều nếu không cảnh giác sẽ bị rắn cắn bất cứ lúc nào. Nguy hiểm hơn đó là nếu không biết cách xử lý sẽ có thể tử vong nhanh chóng.

Ngày 20/7, lãnh đạo bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu cho biết, đơn vị đã cấp cứu thành công cho một trường hợp hôn mê sâu nghi bị rắn độc cắn. Nạn nhân là Nguyễn Lê Khánh Duy (5 tuổi), ở xã Phong Thạnh Tây B, huyện Phước Long, Bạc Liêu.

Anh Nguyễn Vũ Phương (39 tuổi, cha của Duy) cho biết, hai ngày trước, khi mọi người đã thức thì con trai anh còn ngủ trong mùng. Một lúc sau anh nghe Duy khóc thét lên thì người cha chạy vào thấy ngón tay phải của bé chảy máu và có vết cắn giống dấu răng của rắn hổ đất.

Bị rắn độc cắn bé Duy phải nhập viện. Ảnh: Zing news

 Bị rắn độc cắn bé Duy phải nhập viện. Ảnh: Zing news

"Tôi chở con trai vào bệnh viện đa khoa thị xã Giá Rai cấp cứu khi thấy cháu hôn mê, kéo đàm và khó thở. Bé sau đó được chuyển lên bệnh viện tỉnh", anh Phương kể.

Tại bệnh viện đa khoa Bạc Liêu, Duy được bác sĩ cấp cứu bằng huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất và bóp bóng nội khí quản. Hiện, sức khỏe của bé đã ổn định, vết cắn trên tay không còn sưng và ăn uống bình thường.

Liên quan đến rắn độc cắn, theo bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu hè, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận và điều trị cho 1-2 ca rắn cắn. Bởi mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho rắn di chuyển và kiếm ăn nhiều hơn.

Chi phí điều trị do rắn cắn hiện khá cao, huyết thanh kháng nọc rắn khoảng 20-30 triệu đồng. Những bệnh nhân bị hoại tử sẽ phải cắt cụt chi, hoặc các tổ chức gân, cơ và chịu thêm chi phí một cuộc phẫu thuật cắt gọt và ghép da.

Hiện đang là vào mùa rắn độc, thời tiết lại mưa nhiều người dân nên cảnh giác. Ảnh minh họa

Hiện đang là vào mùa rắn độc, thời tiết lại mưa nhiều người dân nên cảnh giác. Ảnh minh họa 

Theo các bác sĩ, do thiếu hiểu biết những thông tin cần thiết về phòng tránh và xử trí rắn độc cắn nên vẫn còn nhiều trường hợp đáng tiếc bị rắn độc cắn, nạn nhân được sơ cấp cứu không đúng cách, tới cơ sở y tế chậm trễ dẫn tới nhiễm độc nặng, di chứng hoặc tử vong.

Bác sĩ Chính khuyến cáo khi phát hiện người bị rắn cắn, người dân cần lập tức đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất ngay trong những giờ đầu. Người bệnh không nên mất thời gian đi tìm thầy lang, lá thuốc hoặc chờ khi có các biểu hiện nhiễm độc rõ mới đến bệnh viện. Điều đó sẽ gây khó khăn cho quá trình điều trị. Nếu bị rắn lục cắn, người bệnh không chích rạch vết thương vì có thể gây chảy máu khó cầm.

Người nhà nên mang rắn đã cắn (nếu còn giữ) đến bệnh viện để bác sĩ nhận dạng. Ngoài ra, chúng ta cần cung cấp thông tin về nơi bị rắn cắn, đặc điểm nhận dạng (nếu nhìn thấy), các biện pháp sơ cứu đã áp dụng giúp các bác sĩ điều trị hiệu quả hơn. Nếu ở xa, có thể nhờ người chụp ảnh của rắn và gửi qua email trước để giúp cho việc chẩn đoán nhanh và chữa trị kịp thời. 

Dấu hiệu nhận biết rắn cắn

Tại chỗ đau, sưng nề, có thể có hoại tử đen trên da (da bị chết do nọc độc), nhiễm trùng (sưng đỏ, sốt, có mủ). Tuy nhiên, vết cắn do rắn cạp nia, cạp nong cắn thường không có gì đặc biệt. Toàn thân, người bệnh đau nhiều, nói khó, mờ mắt, yếu chân tay, khó thở, liệt toàn thân, loạn nhịp tim, đái ít,... Nguyên nhân tử vong chủ yếu do liệt các cơ hô hấp gây khó thở tiến tới suy hô hấp.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang