Đồ gia dụng từ nhựa tái chế rất nguy hiểm

author 10:31 11/09/2012

(VietQ.vn) - Xung quanh câu chuyện trên thị trường có nhiều đồ gia dụng làm từ nhựa tái chế (mà nguyên liệu chủ yếu từ rác thải), trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam các chuyên gia cho biết, nếu sử dụng nhựa tái sinh sản xuất ra đồ gia dụng sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Sử dụng nhựa tái sinh sản xuất đồ gia dụng rất nguy hiểm cho sức khỏe

Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều đồ dùng được làm bằng nhựa tái chế mà bằng mắt thườn người dân khó phân biệt được. Nếu sản phẩm làm bằng nhựa tái chế từ rác thải thì mức độ độc hại còn cao hơn nhiều lần, bởi ngoài chất độc hại từ nhựa vẫn còn những dịch khuẩn trong môi trường chứa các nguyên liệu đó.

Theo các chuyên gia Viện hóa học Công nghiệp Việt Nam, nhựa có nhiều loại, nếu là nhựa nguyên sinh thì độ an toàn cao, còn nhựa tái sinh thì rất nguy hiểm nếu tiếp xúc gần gũi với con người. Tuy nhiên, xét cho cùng, tất cả các loại nhựa dù nguyên sinh hay tái sinh khi tiếp xúc với nhiệt độ cao đều sản sinh ra chất độc hại.

Trong quá trình gia công nhựa, người ta có thể đưa vào một số chất hóa dẻo, chất phụ gia. Đặc biệt, các sản phẩm có chứa chất hóa dẻo khi ở nhiệt độ cao sẽ thải ra chất độc hại gây ảnh hưởng sức khỏe con người như tim mạch, tuần hoàn máu hay thậm chí có thể gây ra bệnh tâm thần, ung thư…

Phân tích về vấn đề này, chuyên gia ngành nhựa Nguyễn Giang cho biết: ở Việt Nam không chủ động được nguyên liệu nên đa phần nhập ngoại. Các cơ sở sản xuất hay sử dụng nhựa tái chế để tái chế loại làm bao bì, hộp nhựa đựng thực phẩm. Mà các cơ sở sản xuất tư nhân, do điều kiện cơ sở, công nghệ, máy móc chưa cao nên thường sơ chế một cách sơ sài, miễn sao ra được hạt nhựa để bán ra ngoài.

Nhựa tái chế là loại nhựa đã qua sử dụng, nhất là những loại nhựa đựng hóa chất nói chung, rất độc hại. Loại nhựa này đã tiếp xúc với những chất khác, khi đem vào sản xuất lại thường không làm sạch nên trong quá trình đưa vào nhựa hóa, các hóa chất đọng lại trong đó sẽ khuếch tán ra ngoài.

Đã là nhựa tái chế thì không thể đẹp như nhựa chính phẩm (nhựa sử dụng lần đầu) do đó bắt buộc người ta phải cho phẩm màu để che đi khuyết tật của sản phẩm. Ví dụ, đôi dép nhựa đi trong nhà màu trắng đẹp là nhựa chính phẩm, còn những đôi nhiều màu thường là nhựa bẩn nên bắt buộc phải cho màu khác để sản phẩm đẹp hơn.

Ở nhiều nước, loại nhựa tái chế không được dùng để sản xuất ra sản phẩm đựng đồ ăn, nói chung là không để tiếp xúc với con người.

Chuyên gia Nguyễn Giang cho biết, theo cảm quan, người tiêu dùng nên dùng loại bao bì nhựa trắng hoặc trong suốt là tốt nhất; hoặc trên bề mặt nhựa trông sạch sẽ thì yên tâm hơn. Bởi khi đã độn nhựa tái chế vào thì không thể trong suốt được nữa, không nên sử dụng bao bì độn nhựa có màu.

Mặc dù đã len lỏi sâu vào đời sống, bữa ăn của người dân và chứa nhiều nguy cơ độc hại, nhưng đến nay, sản phẩm bằng nhựa tái chế trên thị trường Việt Nam vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ít ai biết được sản phẩm nhựa mình đang dùng là loại nhựa nào, có xuất xứ từ đâu và liệu có là nhựa tái chế đến từ bãi rác hay không. Sự an toàn đối với người dùng hoàn toàn dựa vào hiểu biết của người sản xuất, người chế biến sản phẩm, tuy nhiên những yếu tố này đôi khi bị lợi nhuận che mờ.

Đức Thắng

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang