Doanh nghiệp 'quá khổ' vì phải chi hàng tỷ mỗi năm cho chi phí kiểm nghiệm

author 12:22 09/12/2017

(VietQ.vn) - Một doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi quy mô nhỏ với doanh thu 20 tỷ đồng, trong năm 2017 vẫn phải bỏ 1 tỷ đồng chi phí kiểm nghiệm, 1 tỷ đồng khác là tiền lưu kho bãi.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Đó là thông tin được ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI chia sẻ tại tọa đàm: “Cắt giảm kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ: Từ tiền kiểm sang hậu kiểm" do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI  

“Từ văn bản đến thực hiện” vẫn còn khoảng cách

Đề cập về thực trạng khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề xuất nhập khẩu, ông Tuấn cho biết, mặc dù đã có sự chuyển mình khá rõ nét ở các Bộ, ngành trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính cho hàng hóa xuất nhập khẩu, thế nhưng tình trạng “từ văn bản đến thực hiện” vẫn còn khoảng cách.

Theo hình thức quản lý mới, doanh nghiệp có thể tiết kiệm nhiều chi phí. Nhưng hiện nay theo phản ánh của doanh nghiệp về mặt quản lý Nhà nước, tưởng như kiểm tra chặt chẽ như vậy để bảo đảm hiệu quả nhưng trên thực tế hiện nay không hoàn toàn như vậy, kiểm tra chủ yếu vẫn bằng cảm quan, bằng chủ quan của người kiểm tra.

“Có tình trạng kiểm tra protein nhập khẩu từ Mỹ, tiêu chuẩn rất chặt chẽ nhưng về Việt Nam thì cho sai số rất lớn. Khi doanh nghiệp có ý kiến thì người ta lại điều chỉnh cho phù hợp với chỉ số mà doanh nghiệp khiếu nại. Vì vậy, hiệu quả trên thực tiễn không nhiều và phải thẳng thắn thừa nhận là khoảng cách giữa văn bản và thực hiện, giữa chỉ đạo và hành động có thể còn rất xa”, ông Tuấn nói.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, khi ban hành các văn bản thì trách nhiệm thúc đẩy thực thi, giám sát thực thi của các cơ quan bộ, ngành sẽ vẫn còn phải tiếp tục thực hiện.

Ông Tuấn cũng thừa nhận, công tác kiểm tra chuyên ngành trong thông quan hàng hóa sau khi có các văn bản của các Bộ ngành vẫn còn gây khó khăn, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp là do “mọi thay đổi phải có độ trễ nhất định”.

“Hiện nay các bộ đang quá trình thay đổi thì chúng tôi kỳ vọng phải nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn. Hiện tại, đúng là có những doanh nghiệp là chưa thấy sự thay đổi căn bản. Có thể, những thông tư như Thông tư 07, 02 của Bộ Khoa học và Công nghệ được áp dụng và tạo ra những chuyển biến cơ bản trong quý I và quý II/2018”, ông Tuấn cho hay.

Đồng quan điểm với Trưởng Ban Pháp chế VCCI, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, trong các văn bản quy phạm pháp luật bao giờ cũng có độ trễ nhất định, tuy nhiên trễ bao nhiêu, bao lâu? Khi chúng ta đã tạo ra khung pháp lý thì sẽ áp dụng rộng rãi cho các lĩnh vực. Sự chuyển mình, cải tiến trong từng lĩnh vực cũng có thể khác nhau. Nếu như các Bộ, ngành nào áp dụng sớm, chuyển đổi sớm cơ chế từ tiền kiểm sang hậu kiểm thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ thấy ngay lợi ích.

“Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, tất cả cơ chế hậu kiểm hiện nay đã sẵn sàng, đã triển khai thực hiện trong thời gian qua. Chúng tôi cũng nhận được các phản ánh nhưng chúng tôi muốn nhận nhiều ý kiến hơn từ phía cơ quan quản lý về việc hậu kiểm như thế nào cho tốt và phục vụ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp mà vẫn kiểm soát được rủi ro của sản phẩm, hàng hóa”, ông Linh bày tỏ.

Xã hội hóa hoạt động kiểm định, thử nghiệm

Thực tế cho thấy, sự chồng chéo trong phạm vi chức năng của các bộ là khá phổ biến trong thời gian vừa qua, thậm chí một mặt hàng chịu sự quản lý của cả Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hay ngay trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một sản phẩm nhiều lúc chịu 2 lần kiểm định, kiểm nghiệm của 2 vụ, cục. Điều này tạo ra trở ngại cho doanh nghiệp.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, tình trạng độc quyền của các cơ sở xét nghiệm, thí nghiệm được chỉ định trước đây diễn ra khá phổ biến. Thường người ta chỉ chỉ định những trung tâm có thể không phải là thuận tiện cho doanh nghiệp, thậm chí những trung tâm yếu hơn về mặt công nghệ nhưng có thể có quan hệ tốt với cơ quan quản lý nhà nước nên được chọn.

Định hướng thời gian tới được nhấn mạnh là không để tình trạng độc quyền của các cơ sở này diễn ra mà phải xã hội hóa để cạnh tranh. Doanh nghiệp hoàn toàn có quyền lựa chọn đơn vị nào có công nghệ tốt và uy tín để kiểm định.

“Chúng tôi rất ấn tượng với Bộ Khoa học và Công nghệ trong buổi làm việc với Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ công bố có 69 phòng thí nghiệm đã được xã hội hóa. Đây là bước chuyển lớn. Các phòng thí nghiệm không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà còn ở Đà Nẵng hay những nơi có cửa khẩu”, ông Tuấn cho biết.

Ông Tuấn cũng đề xuất việc quản lý các các phòng thí nghiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước.

“Nếu một lô hàng xét nghiệm không đúng, cơ quan Nhà nước giám sát, hậu kiểm về sau thì hoàn toàn có thể đình chỉ hoặc rút giấy phép hoạt động. Như vậy, họ mới có động lực để tuân thủ tốt và giữ uy tín. Cơ quan Nhà nước không phải làm trực tiếp nữa mà trách nhiệm đó do phòng kiểm định bên ngoài phụ trách”, ông Tuấn nói.

Đề cập đến vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cũng cho hay, hiện nay cơ chế chung đã phân định, tách biệt rõ các hoạt động kỹ thuật, tức là hoạt động thử nghiệm, chứng nhận là hoạt động xã hội hóa, không phải chỉ các cơ quan Nhà nước làm, mà tư nhân có thể tham gia. Như vậy, đã tạo ra một thị trường cạnh tranh, để doanh nghiệp lựa chọn đơn vị nào thực hiện nhanh nhất, chính xác nhất và cơ quan Nhà nước kiểm tra lại kết quả đánh giá sự phù hợp. Làm như vậy sẽ giảm thiểu sự chồng chéo của các cơ quan quản lý Nhà nước.

'Rừng' thủ tục và nỗ lực cải cách của Bộ Khoa học và Công nghệ(VietQ.vn) - Từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ KH&CN đã có những nỗ lực rất ấn tượng để đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu - vốn được đánh giá là "rừng" thủ tục đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang