Hà Nội không chấp nhận mại dâm là một nghề vì… thuần phong mĩ tục

author 11:08 24/08/2015

(VietQ.vn) - Ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH TP. Hà Nội cho rằng, nếu chấp nhận mại dâm là một nghề, mại dâm sẽ phát triển và ảnh hưởng lớn đến thuần phong mĩ tục…

Từ ngày 20-22⁄8⁄2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị giao ban công tác phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2015.

Nên công nhận mại dâm là một nghề?

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, tình hình tệ nạn mại dâm và tội phạm có liên quan đến mại dâm trên địa bàn toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp, tuy các tụ điểm mại dâm công khai, đứng đường tại những nơi công cộng như vườn hoa, bến xe… giảm song những phương thức hoạt động khó kiểm soát như sử dụng internet, điện thoại di dộng, các trang mạng xã hội, mại dâm trá hình tại các khu du lịch, nhà hàng… có xu hướng gia tăng.

mại dâm hà nội

Đại diện cục phòng chống tệ nạn xã hội nhiều địa phương cho rằng nên chấp nhận mại dâm là một nghề. Ảnh minh họa 

Trong khi đại diện cục phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TBXH), chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP. Hồ Chí Minh và chi cục ở Thanh Hóa đều cho rằng tuy pháp luật hiện hành không công nhận mại dâm là một nghề nhưng thực tế mại dâm đã tồn tại rất lâu đời, vì vậy “chúng ta phải tạm thời chấp nhận như là một sự tồn tại lịch sử, nhưng phải có một chế định phòng chống như thế nào cho hiệu quả”.

Ông Lê Văn Quý, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM đề xuất: “Trung ương nên mạnh dạn chỉ đạo cho thí điểm tại một số địa phương trọng điểm như TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội… tập trung các cơ sở kinh doanh ngành nghề dịch vụ nhạy cảm như khách sạn, quán bar, vũ trường, mát xa, xông hơi xoa bóp, karaoke, hớt tóc có tiếp viên nữ… vào một khu vực để tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước tốt hơn.

Theo ông Qúy, chúng ta “tập trung” các cơ sở kinh doanh ngành nghề dịch vụ nhảy cạm để có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh lây lan ra cộng đồng, đảm bảo sức khỏe, an ninh trật tự cho người vào vui chơi giải trí.

Trong khi đó, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.Hà Nội, lại cho rằng công tác phòng chống mại dâm cần phải quyết liệt hơn.

"Không thể xem đó là một thực trạng tồn tại xã hội mà chấp nhận nó. Nếu vậy, mại dâm sẽ phát triển và ảnh hưởng lớn đến thuần phong mĩ tục", ông Thức nói và kiến nghị cần luật hóa hoạt động phòng chống mại dâm, nâng pháp lệnh Phòng, chống mại dâm thành luật.

Bên cạnh đó, vị chi cục trưởng Hà Nội nhấn mạnh phải xem lại biện pháp xử phạt đối với hoạt động mại dâm, bởi phạt càng nhiều thì người bán dâm càng hoạt động mạnh hơn để bù lại.

“Do vậy, để giải quyết tình trạng này cần tập trung các biện pháp giảm hại bằng các mô hình, bằng cơ chế, bằng chính sách để người bán dâm có công ăn việc làm ổn định”, ông Thức đề nghị.

Cây ngay sợ gì chết đứng?

Như vậy có thể nhận định, Hà Nội là địa phương quyết tâm không chấp nhận mại dâm là một nghề. Trước đó, vào tháng 7 năm 2014, Hà Nội có đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung nội dung tăng mức xử phạt hành chính với người mua dâm, công khai danh tính người mua dâm.

Trao đổi với phóng viên về đề xuất này, ông Hoàng Thành Thái – phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội cho rằng những đối tượng liên quan đến mại dâm từ trước đến nay xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Do đó ông Thái cho rằng, để hạn chế được nạn mại dâm, có lẽ cần phải nâng hình phạt với cả những người mua dâm.

Khi đề xuất trên được thông báo rộng rãi, phần lớn phụ nữ rất đồng tình ý tưởng. Tuy nhiên, cánh đàn ông có vẻ như không được hài lòng cho lắm. Về quan điểm trên, ông Thái nhận định, “chỉ có những người vi phạm mới sợ, nếu chúng ta trong sáng thì không có gì phải lo ngại”.

Cũng liên quan đến đề xuất trên, một số ý kiến cho rằng, việc bêu tên tuổi người mua dâm là không nhân văn. Bởi có nhiều người thân hình xấu xí, không có vợ hoặc mất vợ, đi làm xa nhà… , nếu làm căng việc này những người đó sẽ bị kìm hãm bản năng (nhu cầu sinh lý). Với nội dung trên, ông Thái nhận định: "Đó chỉ là một số ít".

“Chúng ta cần nhìn ở tổng thể. Đừng vì số ít mà làm hỏng cả số nhiều, như thế thì không ổn”, ông Thái nêu ý kiến.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang