Hiệu quả đầy hứa hẹn vaccine Covid-19 dạng xịt mũi đang được Mỹ điều chế

author 14:12 16/07/2020

(VietQ.vn) - Một nhóm nghiên cứu, tập hợp chuyên gia từ Mỹ, Canada và Hà Lan đang tiến hành phát triển vaccine Covid-19 dạng xịt mũi.

Theo các nhà khoa học, hầu hết vaccine Covid-19 đang trong giai đoạn nghiên cứu đều được phát triển dựa trên hình thức tiêm bắp tay. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định đối với một mầm bệnh hô hấp như nCoV, vaccine dạng xông (xịt mũi) hiệu quả hơn nhiều.

Theo Tiến sĩ Avery August, chuyên gia miễn dịch, Đại học Cornell của Mỹ, nhiều virus xâm nhập cơ thể qua niêm mạc (các mô ướt) chạy dọc mũi, họng, phổi và đường tiêu hóa. Chúng kích hoạt phản ứng miễn dịch tự nhiên từ các tế bào và phân tử ở bộ phận đó. Vaccine tiêm bắp thường kém hiệu trong việc khơi gợi phản ứng tại niêm mạc. Thay vào đó, chúng huy động tế bào miễn dịch từ các phần khác trong cơ thể đến vị trí nhiễm trùng. Chính vì vậy, các nhà khoa học tin rằng việc phát triển vaccine dạng xông hoặc xịt mũi song song với vaccine tiêm bắp là điều hợp lý.

Các nhà khoa học Mỹ đang tiến hành điều chế vaccine Covid-19 dạng xịt mũi đầy hứa hẹn. Ảnh: AP

Từ thực tiễn trên, hiện một nhóm nghiên cứu, tập hợp chuyên gia từ Mỹ, Canada và Hà Lan đang tiến hành phát triển vaccine Covid-19 dạng xịt mũi. Trong khi đó, công ty công nghệ sinh học Vaxart bắt đầu điều chế vaccine đường uống, đưa thuốc thẩm thấu vào lớp xốp của ruột - một bề mặt giàu chất nhầy khác. Họ kỳ vọng chúng có hiệu quả cao hơn hoặc ít nhất là ngang bằng với các sản phẩm tiêm bắp truyền thống, tấn công toàn diện nCoV khi virus mới bắt đầu xâm nhập vào cơ thể.

Trong kịch bản lý tưởng, cả hai loại vaccine sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch trong máu, kích thích tế bào bạch cầu lympho B sinh kháng thể. Trong khi đó, tế bào lympho T sẽ hỗ trợ, tổ chức phản ứng miễn dịch nhanh, tìm kiếm và tiêu diệt mầm bệnh. Cơ chế này là nền tảng cho sự thành công của vaccine bại liệt đường uống, giúp thế giới loại trừ căn bệnh từng là nỗi ám ảnh.

Các loại vaccine tiêm bắp vẫn đủ hiệu quả thúc đẩy phản ứng miễn dịch của cơ thể, phần lớn đều có tác dụng, chẳng hạn vaccine bệnh cúm mùa. Tuy nhiên, giữa đại dịch, việc chỉ dựa vào một chiến lược để ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh có thể khá rủi ro.

Tiến sĩ Deepta Bhattacharya, chuyên gia miễn dịch, Đại học Arizona, nhận định: "Vấn đề cốt yếu là thời gian".

Nếu không có phản ứng niêm mạc mạnh, vaccine tiêm bắp khó tạo ra miễn dịch khử trùng- hiện tượng trong đó mầm bệnh được thanh lọc khỏi cơ thể trước khi lây nhiễm tế bào. Tuy nhiên, các loại vaccine nhắm mục tiêu vào virus tại chất nhầy niêm mạc đều có nhược điểm riêng.

Ví dụ FluMist, loại vaccine dạng xịt ngăn ngừa cúm, được chứng minh là hiệu quả bảo vệ trẻ nhỏ, nhưng lại hoạt động kém hơn ở người lớn. Việc điều chế vaccine xông từ virus bất hoạt hoặc vật chất di truyền (RNA) có phần ít rủi ro, song công thức đôi khi quá yếu để kích thích phản ứng miễn dịch lâu dài.

Biến chứng nguy hiểm khi dùng mặt nạ dưỡng da sai cách, kém chất lượng(VietQ.vn) - Hiện nay nhiều chị em đua nhau sử dụng mặt nạ dưỡng da tuy nhiên theo các chuyên gia mỹ phẩm cần hết sức thận trọng khi dùng sản phẩm này vì rất dễ gây tác dụng ngược nếu mắc sai lầm.

Liên quan tới tình hình nghiên cứu và phát triển vaccine Covid-19, Công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ cho biết, sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người đối với vaccine Covid-19 vào ngày 27/7, sau khi những kết quả ban đầu đầy hứa hẹn đã được công bố trên một tạp chí có uy tín.

Trong thử nghiệm giai đoạn 3, các nhà khoa học sẽ tuyển dụng 30.000 người tham gia ở Mỹ, một nửa được tiêm vaccine ở mức liều 100 microgam và nửa còn lại tiêm giả dược.

Giai đoạn thử nghiệm này để biết độ an toàn của vaccine, khả năng ngăn ngừa nhiễm virus SARS-CoV-2, hoặc nếu vẫn bị nhiễm thì liệu vaccine có thể ngăn ngừa tiến triển thành các triệu chứng hay không. Nếu người được tiêm có các triệu chứng, vaccine vẫn có thể được coi là thành công nếu nó ngăn chặn được các trường hợp Covid-19 nặng. Theo thông báo, nghiên cứu sẽ được thực hiện đến ngày 27/10.

Thông báo được đưa ra sau khi Tạp chí Y học New England công bố kết quả từ giai đoạn 2 thử nghiệm vaccine của Moderna, cho thấy 45 người tham gia đầu tiên đều phát triển kháng thể chống lại virus.

Theo bài báo mới công bố, trong giai đoạn 2, 45 người tham gia được chia thành ba nhóm, mỗi nhóm 15 người để kiểm tra liều 25 microgam, 100 microgam và 250 microgam. Họ đã được tiêm một liều thứ hai với cùng số lượng 28 ngày sau đó.

Sau vòng đầu tiên, nồng độ kháng thể được tìm thấy cao hơn với liều cao hơn. Sau vòng thứ hai, những người tham gia có lượng kháng thể cao hơn hầu hết các bệnh nhân đã mắc Covid-19 và tiếp tục tạo ra kháng thể của riêng họ.

Hơn một nửa số người tham gia trải qua tác dụng phụ nhẹ hoặc trung bình, được coi là bình thường. Các tác dụng phụ bao gồm mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, đau nhức cơ thể và đau tại chỗ tiêm. Trong đó 3 người tham gia đã không tiêm liều thứ hai, trong đó có một người bị phát ban da ở cả hai chân, hai người có triệu chứng Covid-19, nhưng các xét nghiệm của họ sau đó đã cho kết quả âm tính.

Trước đó, vào tháng 5, Moderna đã công bố "kết quả tạm thời" trong giai đoạn đầu tiên của thử nghiệm trong một thông cáo báo chí trên trang web của mình. Theo đó, họ đã có kết quả "đáng khích lệ" khi vaccine đã tạo ra phản ứng miễn dịch ở tám bệnh nhân.

Moderna, hiện đang ở giai đoạn giữa, được coi là đang ở vị trí top đầu trong cuộc đua toàn cầu để tìm ra một loại vaccine chống lại đại dịch Covid-19 đã lây nhiễm hơn 13,2 triệu người và làm 570.000 người chết.

Cùng ở giai đoạn 2 trong cuộc đua này có vaccine SinoVac của Trung Quốc. Hãng thông tấn Nga TASS hôm 12/7 cũng tuyên bố các nhà nghiên cứu Nga đã hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng về vaccine, nhưng không chia sẻ dữ liệu của mình. Các nhà khoa học cảnh báo rằng các loại vaccine đầu tiên được tung ra thị trường có thể không phải là loại hiệu quả nhất hoặc an toàn nhất.

Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h ngày 16/7, trên thế giới đã ghi nhận 13.662.824 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 585.619 ca tử vong. Tình hình dịch diễn biến phức tạp ở châu Á và châu Mỹ.

Với 3.130.936 ca nhiễm, châu Á là khu vực đứng thứ hai thế giới, sau khu vực Bắc Mỹ với 4.223.083 ca.

Ấn Độ ngày 15/7 ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao nhất kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, với 32.682 trường hợp, nâng tổng số người mắc bệnh lên 970.169, trong đó có 24.929 ca tử vong và 613.735 bệnh nhân bình phục.

Trong bối cảnh tổng số ca nhiễm tiệm cận môc 1 triệu, Chính quyền nhiều bang tại Ấn Độ đã quyết định tái áp đặt phong tỏa. Bang Bangalore, trung tâm công nghệ miền Nam Ấn Độ, áp đặt biện pháp phong tỏa trong 1 tuần từ ngày 15/7, trong khi bang miền Đông Bihar áp đặt phong tỏa trở lại trong 2 tuần.

Thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã đưa ra cảnh báo cao nhất về nguy cơ lây lan dịch sau khi có "dấu hiệu nguy hiểm" là số ca nhiễm mới gia tăng. Số người trẻ tuổi nhiễm SARS-CoV-2 đang gia tăng tại Tokyo, với các ca nhiễm được ghi nhận tại các khu vui chơi giải trí vào ban đêm, tại nơi làm việc hoặc trong gia đình. Tuy nhiên, cảnh báo ở cấp độ cao nhất này không có nghĩa là chính quyền thành phố sẽ yêu cầu đóng cửa các hoạt động kinh doanh hoặc hoãn tổ chức các sự kiện.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang