Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ

author 06:47 21/10/2014

(VietQ.vn) – Nhà nước và xã hội cùng làm trên cơ sở hợp tác cùng mang lại lợi ích cho cộng đồng là xu hướng phát triển mới đang mở ra đối với hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Theo nhận định của Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN thuộc Bộ KH&CN, trước đây, mô hình hợp tác “Công – Tư” trong xã hội Việt Nam đã từng được nhắc tới. Đó là chính sách “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hay mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Những chính sách này là gợi mở cho mô hình “Công - Tư” hiện nay ở nhiều lĩnh vực đang áp dụng.

Hợp tác “Công - Tư” (Public Private Parnership – PPP) trong lĩnh vực KH&CN được hiểu là huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Quy tụ nguồn lực giải quyết những vấn đề KH&CN trung và dài hạn mang tính chiến lược then chốt, cốt lõi của ngành, quốc gia.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ giữa doanh nghiệp và nhà nước

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ giữa doanh nghiệp và nhà nước. Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, hiện nay, nhiều nước trên thế giới như Canada, Anh, Ấn độ, Hàn Quốc đã triển khai thành công mô hình PPP nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng. Tại Việt Nam, y tế là một trong các lĩnh vực vô cùng tiềm năng để triển khai hợp tác công - tư. Hiện ngành y tế đã có một số hình thức đầu tư kết hợp "Công – Tư" như liên doanh như cho tư nhân liên kết đặt máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ cho các hoạt động khám chữa bệnh. Tuy nhiên sự tham gia của tư nhân vẫn còn hạn chế, lĩnh vực còn hẹp và chưa bền vững. 

Theo TS. Tạ Doãn Trịnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, PPP trong KH&CN có thể là phát triển hạ tầng, là việc xây dựng các phòng thí nghiệm, khu ươm tạo công nghệ, khu công nghệ cao, khu R&D, khu dịch vụ về đo lường, kiểm chuẩn, chứng nhận chất lượng... có bản chất là xây dựng một cơ sở vật chất phục vụ cho mục tiêu công ích.

Theo Ths Nguyễn Võ Hưng, Trưởng ban Đổi mới công nghệ - Viện Chiến lược chính sách KH&CN, đối với lĩnh vực nghiên cứu, doanh nghiệp thường tự đầu tư vào những vấn đề họ quan tâm song cũng có không ít lĩnh vực mà chuyện thu lợi kết quả nghiên cứu không đơn giản là thông qua hình thức bảo hộ, mà tồn tại nhiều rủi ro nên doanh nghiệp ít khi thực hiện riêng lẻ. Ông Hưng lấy ví dụ, doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh muốn dùng phế phẩm là mỡ cá basa để làm nguyên liệu sản xuất nhựa sinh học có khả năng phân hủy nhưng do có quá nhiều rủi ro nên doanh nghiệp ngại đứng ra tự thực hiện mà mong muốn có sự tham gia của những doanh nghiệp khác cũng như sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Với cách thức như vậy, PPP sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ, là điều kiện giúp doanh nghiệp chủ động thực hiện nhiệm vụ về KH&CN.

“Có rất nhiều hình thức mà Nhà nước và tư nhân cùng làm như tài trợ cho khu vực tư nhân khi thực hiện hoạt động KH&CN về đổi mới trên cơ sở mang lại lợi ích tích cực cho xã hội. Phía cơ quan chức năng nhà nước có thể tài trợ cho rất nhiều dự án sản xuất thử nghiệm có xuất xứ từ kết quả của đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ như Chương trình Nông thôn miền núi với lý lẽ những hoạt động như vậy của khu vực tư nhân sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho đơn vị thụ hưởng”, TS. Trịnh nói.

Theo ông Trịnh, với PPP trong nghiên cứu khoa học, Nhà nước với doanh nghiệp sẽ cùng thiết lập mối quan hệ hợp tác, xác định nhiệm vụ có ích cho cả hai bên, cùng nhau thực hiện, cùng nhau khai thác kết quả và cùng chịu rủi ro; xây dựng được quan hệ đối tác chủ động từ hai phía.

Thực tế cho thấy, trước đây, các quy định và cơ chế chính sách hiện hành đối với việc liên kết vẫn theo tinh thần hoặc nhà nước chủ động đặt hàng, doanh nghiệp tham gia thực hiện hoặc doanh nghiệp chủ động để xuất, nhà nước hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, vẫn phổ biến cơ chế xin – cho. Hiện hợp tác “Công – Tư” trong lĩnh vực KH&CN chưa có quy định của pháp luật làm căn cứ cho việc nhà nước và doanh nghiệp cùng chủ động thiết lập quan hệ đối tác để cùng nhau xác định, thực hiện khai thác kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Việc quản lý các nhiệm vụ KH&CN còn vắng bóng hình thức hợp tác mà cả doanh nghiệp và nhà nước cùng chủ động bàn bạc và cùng khởi xướng ý tưởng nghiên cứu.

Theo một số nhà khoa học, những nhiệm vụ đồng thời đáp ứng sứ mệnh công ích và mang lại lợi thế để có thể tối đa hóa lợi ích của doanh nghiệp như: Loại hàng hóa có tính công ích cao hoặc tư nhân không muốn cung cấp. Đem lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp hoặc giúp doanh nghiệp giảm chi phí giao dịch.

Đề án cơ chế hợp tác “Công – Tư, đồng tài trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN là nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ KH&CN thực hiện trong năm 2014. Đề án đã được Viện Chiến lược chính sách KH&CN, Bộ KH&CN xây dựng, nghiên cứu và đang gấp rút hoàn thiện. Theo kế hoạch tháng 11 tới, dự thảo đề án sẽ được trình Chính phủ xem xét.

Hồng Anh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang