Thúc đẩy phát triển công nghệ nội sinh

author 09:06 15/09/2014

Khác biệt giữa phụ thuộc và độc lập công nghệ thường được thể hiện ở quan hệ giữa nhập công nghệ và sáng tạo công nghệ nội sinh.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Xử lý mối quan hệ giữa nhập công nghệ

Tại các nước đang phát triển, giữa nhập công nghệ ngoại và sáng tạo công nghệ trong nước có thể nảy sinh những mâu thuẫn nhất định: nhấn mạnh sáng tạo công nghệ sẽ có thể tạo ra một vùng đổi mới khép kín và bài trừ du nhập công nghệ từ bên ngoài vào đất nước; nhập khẩu công nghệ có thể dẫn tới hạn chế sáng tạo công nghệ trong nước; khác biệt giữa nhập khẩu công nghệ và sáng tạo công nghệ có thể bị đẩy lên thành đối lập giữa “chủ nghĩa toàn cầu công nghệ” (techno-globalism) và chủ nghĩa dân tộc công nghệ trong phát triển KH&CN.

Để thống nhất giữa nhập và sáng tạo công nghệ thông qua năng lực công nghệ quốc gia, cần chú ý: Ngoài các mục tiêu riêng, hoạt động nhập công nghệ và sáng tạo công nghệ có mục tiêu chung là góp phần phát triển năng lực công nghệ quốc gia.

Nhập công nghệ và sáng tạo công nghệ tác động với nhau một phần thông qua năng lực công nghệ quốc gia. Tác động từ năng lực công nghệ quốc gia góp phần chuyển từ bước thấp đến bước cao. Quá trình từ nhập công nghệ đến sáng tạo công nghệ tương xứng với quá trình thay đổi năng lực quốc gia từ các thành phần riêng lẻ sang phối hợp tổng thể.

Thúc đẩy phát triển công nghệ nội sinh

Việt Nam cần tham gia vào hợp tác quốc tế nhằm khắc phục phụ thuộc công nghệ. Ảnh minh họa

Tương ứng với nhập công nghệ, sáng tạo công nghệ cũng có năng lực về nhập công nghệ, năng lực sáng tạo công nghệ nội sinh. Trong đó, năng lực sáng tạo công nghệ thể hiện mức phát triển cao và có ý nghĩa to lớn đối với nền kinh tế.

Ở Việt Nam hiện nay, nhập khẩu công nghệ được coi là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước. Cũng có những vấn đề từng đặt ra như quan hệ giữa ngoại lực và nội lực (ngoại lực là quan trọng và nội lực là quyết định), kết hợp giữa nhập công nghệ và phát triển công nghệ nội sinh, coi trọng làm chủ công nghệ nhập, thúc đẩy giải mã công nghệ... Tuy nhiên, dường như chúng ta vẫn chưa định hình rõ cách thức thống nhất giữa nhập khẩu công nghệ và sáng tạo công nghệ, thống nhất giữa mục tiêu và quá trình phát triển... Đó lại là cơ sở quan trọng để thống nhất hành động trong toàn xã hội. Những kinh nghiệm thế giới nêu trên có ý nghĩa gợi suy cho chúng ta trong việc tìm kiếm phương thức phát triển đất nước.

Tranh thủ hợp tác quốc tế

Có nhiều cách thức khác nhau để các nước đang phát triển tham gia vào hợp tác quốc tế nhằm khắc phục phụ thuộc công nghệ.

Một là, tranh thủ xu hướng quốc tế hóa hoạt động KH&CN. Hiện nay, hợp tác quốc tế về KH&CN trở nên dễ dàng hơn bởi xu hướng quốc tế hóa nghiên cứu và phát triển (NC&PT). Với sự bùng nổ của toàn cầu hóa trong lĩnh vực kinh tế, hợp tác quốc tế về KH&CN đã mở rộng hơn, đó là quá trình quốc tế hóa các hoạt động NC&PT, là sự hợp tác giữa các nhà khoa học và kỹ sư ở các nước khác nhau nhưng tuân theo một sự điều phối của cùng một tập đoàn hay công ty. Quá trình này liên quan đến sự phân bố các nguồn lực NC&PT xuyên biên giới và giữa các nước khác nhau.

Quốc tế hóa các hoạt động NC&PT đang bộc lộ một số xu hướng như: các công ty đa quốc gia đang có kế hoạch tăng đầu tư NC&PT tại các nước đang phát triển ở châu Á, trong khi sẽ không tăng và thậm chí là còn giảm đầu tư NC&PT trong nước; NC&PT thích nghi vẫn là hình thức nổi trội trong số các cơ sở NC&PT nước ngoài, nhưng NC&PT đổi mới đang có chiều hướng gia tăng; cơ hội tiếp cận đến các công nghệ và số nhân lực nghiên cứu, kỹ sư có trình độ đang ngày càng trở thành những động lực thu hút quan trọng đối với việc chọn địa điểm NC&PT. Đây là những cơ hội mở ra cho các nước đang phát triển tham gia vào toàn cầu hóa hoạt động NC&PT, thõng qua đó, tiếp cận trình độ bậc cao của các nước phát triển.

Hai là, tranh thủ các tổ chức quốc tế. Khoảng cách phát triển giữa nước phát triển và đang phát triển, trong đó có khoảng cách về KH&CN đã thu hút sự chú ý của quốc tế bởi những hậu quả tiêu cực. Trên trường quốc tế đã có những phản ứng kêu gọi hành động chung để rút ngắn khoảng cách này. Các tổ chức quốc tế về phát triển vốn có vai trò trong việc giảm những khoảng cách về tri thức: cung cấp những hàng hóa công cộng quốc tế và hoạt động như những môi giới trung gian trong chuyển giao tri thức.

Ba là, tranh thủ sự hỗ trợ từ các nước phát triển. Các nước phát triển thường có những khoản kinh phí dành cho hợp tác NC&PT với các nước đang phát triển (đây là kết quả của những thảo luận trong các diễn đàn quốc tế như Hội nghị Vienna về KH&CN vì phát triển đã cam kết thành lập một quỹ tài trợ cho các dự án KH&CN tại các quốc gia đang phát triển). Nguồn kinh phí dành cho hợp tác thường được tài trợ dưới hai hình thức: thông qua chi tiêu NC&PT công; thông qua nguồn kinh phí theo truyền thống được dành một khoản cho “Tài trợ nghiên cứu” (Research-for- aid) thường là nhằm mục đích phát triển.

Bốn là, tăng cường hợp tác giữa các nước đang phát triển. Hợp tác giữa các nước đang phát triển vừa có ý nghĩa phối hợp giải quyết những vấn để chung, vừa có ý nghĩa thu hẹp khoảng cách giữa các nước đó (trong nội bộ các nước đang phát triển cũng có những khoảng cách về mối quan hệ KH&CN và sản xuất). Trên thực tế, hợp tác giữa các nước đang phát triển đã được triển khai và mang lại nhiều kết quả khả quan.

Năm 2002, nhóm các nước đang phát triển G7 đã thông qua Tuyên bố Dubai về thúc đẩy KH&CN ở phương Nam. Tuyên bố này kêu gọi thành lập các hệ thống Nam - Nam, các quỹ ủy thác và các côngxoocxiom vì mục đích rõ ràng là sáng tạo và phổ biến kiến thức khoa học và đổi mới trên toàn bộ các nước phương Nam. Năm 2000, Hiệp ước Seoul về hợp tác Nam - Nam trong lĩnh vực KH&CN kiến nghị thành lập các hệ thống và các cơ chế giữa các nước phương Nam với mục đích là liên kết các tổ chức NC&PT và các trung tâm xuất sắc nhằm mục đích tạo nên một khối lượng đủ (tới hạn) về tri thức KH&CN để đẩy mạnh hơn nữa các cơ hội phát triển. Các hiệp định mới này hướng vào việc khuyến khích các xúc tiến Nam - Nam để giải quyết các vấn đề không thu hút được nhiều sự chú ý của các nước phát triển phương Bắc.

Trong số gần 100 hiệp định của Trung Quốc, có tới 2/3 là với các nước đang phát triển khác. Cách tiếp cận này minh họa cho mối quan tâm ngày càng tăng giữa các nước đang phát triển về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông qua các thỏa thuận tình nguyện, chứ không phải là bằng các hiệp ước ràng buộc quốc tế.

Một xu thế quan trọng đang nổi lên trong các hoạt động NC&PT toàn cầu là sự gia tăng hợp tác giữa các công ty đa quốc gia phương Nam. Ví dụ, các công ty từ Malaixia, Thái Lan gần đây đã thành lập các tổ chức NC&PT tại Ấn Độ. Điều này cho thấy, sự phát triển của hợp tác Nam - Nam đã vượt ra ngoài khuôn khổ hợp tác giữa chính phủ với chính phủ.

Có thể độc lập về chính trị mà vẫn phụ thuộc vào công nghệ bên ngoài. Tuy nhiên, không thể có độc lập trọn vẹn nếu chưa thoát khỏi sự phụ thuộc công nghệ. Mục tiêu độc lập công nghệ sẽ đưa đất nước tiếp tục tiến xa hơn, tạo nên những tầng nấc phát triển mới. Hướng tới độc lập công nghệ cũng tạo những động lực mới với phát triển KH&CN nói chung nhờ tăng sự so sánh đối kháng, tăng gắn kết chặt chẽ giữa KH&CN với kinh tế, nhấn mạnh năng lực công nghệ quốc gia.

Ở Việt Nam hiện nay, phụ thuộc kinh tế đang trở thành vấn đề nổi cộm với các nhận định như: “Nội lực của nền kinh tế chúng ta yếu nên không đủ sức hút các yếu tố ngoại lực nhằm tăng thêm sức mạnh cho nền kinh tế; điều này thể hiện rõ trong việc nhiều công ty liên doanh với nước ngoài bị áp lực của phía nước ngoài muốn chi phối hoặc thâu tóm công ty trong nước”; “Lệ thuộc nhập khẩu hàng hóa đầu vào, điển hình là hàng hóa, nguyên liệu từ Trung Quốc”; “Cán cân xuất khẩu lại lệ thuộc quá nhiều vào nhà đầu tư nước ngoài”... Bản thân phụ thuộc về công nghệ cũng được đề cập.

“Từ năm 2000, trung bình hàng năm nước ta nhập khẩu 2-3,5 tỷ USD thiết bị công nghệ (chiếm khoảng 30% tổng giá trị nhập khẩu)”; “Nhập khẩu giống cây trồng khiến chúng ta gặp khó khăn trong xuất khẩu nông sản với số lượng lớn ra thị trường thế giới bởi vấp phải vấn đề bản quyền”... Những mối quan tâm này là tất yếu, đồng thời, từ kinh nghiệm thế giới, chúng ta vẫn cần nhấn mạnh thêm về mối quan hệ giữa phụ thuộc kinh tế và phụ thuộc công nghệ; cần nhìn nhận phụ thuộc công nghệ một cách sâu sắc và đúng tầm hơn.

Theo Nistpass

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang