Khoai lang - nông sản "thần dược"

author 16:59 01/01/2013

(VietQ.vn) - Củ khoai lang lăn lóc ở góc sân, góc nhà, thậm chí dùng cho gia súc ăn, nhưng nó lại có nhiều công dụng bất ngờ, có thể chữa "bách bệnh" nếu biết cách sử dụng đúng thời điểm, đúng cách.

Tìm kiếm thông tin về khoai lang mang chất độc hại trên mạng internet gần như rất ít thấy. Có chăng chỉ là người chế biến dùng hóa chất hoặc cách chế biến, bảo quản không đảm bảo an toàn sức khỏe. Còn về bản chất, củ khoai lang thông thường nếu không bị mò, bị hà thì tính năng, tác dụng, công dụng của nó cực tốt đối với sức khỏe người sử dụng. Đặc biệt, một số bệnh nan y có thể dùng khoai lang thường xuyên để ngăn chặn, giảm thiểu bệnh. 

Khoai lang đã được chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau như khoai khô, khoai sấy, kể cả xuất khẩu ra nước ngoài. Ảnh minh họa

Củ khoai lang khi bị mò, bị hà - tức là bị vi khuẩn hoặc sâu bệnh, côn trùng tấn công, thâm nhập... thì nên loại bỏ, không nên dùng vì khoai đã bị hỏng, nhiễm bệnh, ăn vào có thể ảnh hưởng sức khỏe; hoặc trong khi bảo quản, chế biến, người ta có thể dùng một số hóa chất để làm cho khoai lang tươi lâu, ngon hơn nhưng lại có nhiều chất không an toàn tới sức khỏe.

Một củ khoai lang ngon, bổ, "khỏe mạnh", an toàn là không nhiễm bệnh, vỏ căng đều khi tươi. Còn khi mang phơi nắng, có thể vỏ nhăn lại nhưng vẫn có độ tươi nhất định, khi bẻ ra, thớ khoai đều, ròn, còn nhựa.

Trong y học cổ truyền - đông y, các thầy thuốc cho rằng, dùng khoai lang có thể phòng chống béo phì, có thể ăn củ và rau lang luộc. Áp dụng chế độ nửa gạo, nửa khoai riêng rẽ hoặc độn chung với nhau nấu thành cơm, cháo, bánh... rất tốt cho sức khỏe.

Lá khoai lang là loại rau dân dã vừa ngon, vừa mát và bổ. Củ và rau khoai lang là vị thuốc phòng chữa bệnh đã được dùng từ lâu trong dân gian, có nơi gọi nó là “sâm nam”.

Theo đông y, khoai lang có nhiều tên như: cam thử, phiên chử. Củ khoai lang tính bình, vị ngọt, có tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, cường thận, kiện vị, tiêu viêm, thanh can, lợi mật, sáng mắt. Nó được dùng chữa vàng da, ung nhọt, viêm tuyến vú, phụ nữ kinh nguyệt không đều (dùng trước kỳ kinh), nam giới di tinh, trẻ em cam tích, lỵ.

Rau lang tính bình, vị ngọt, không độc, bổ hư tổn, ích khí lực, kiện tỳ vị, bổ thận âm, dùng chữa tỳ hư, kém ăn, thận âm bất túc. Kiêng kỵ với các trường hợp tiêu chảy, viêm dạ dày đa toan, đường huyết thấp. Khoai lang vàng đỏ có nhiều vi chất hơn khoai lang trắng.

Một số lưu ý khi dùng khoai lang

- Để có tác dụng bổ dưỡng, nên ăn khoai vỏ đỏ ruột vàng. Để giải cảm và chữa táo bón, phải dùng khoai vỏ trắng ruột trắng.

- Không ăn thường xuyên rau lang vì nó chứa nhiều canxi, có thể gây sỏi thận.

- Nên ăn kèm đạm động vật, thực vật để cân bằng thành phần dưỡng chất.

- Trong khoai lang có chất đường, nếu ăn nhiều, nhất là khi đói sẽ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng. Để tránh tình trạng này, khoai phải được nấu, luộc, nướng thật chín hoặc cho thêm ít rượu vào nấu để phá hủy chất men. Nếu bị đầy bụng, có thể uống nước gừng để chữa.

- Vỏ khoai lang chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Do đó phải bảo vệ phần vỏ không bị sây xát, không gọt vỏ nếu không cần thiết. Vỏ còn giúp bảo vệ dưỡng chất bên trong, vì vậy khi luộc khoai nên để cả vỏ (đã rửa sạch).

- Bảo quản khoai ở nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, không có chuột bọ và chỉ nên dùng trong vòng một tuần.

- Phải bỏ hết khoai hà (sùng), khoai đã có mầm và vỏ xanh chứa chất độc.

- Khi luộc rau lang để ăn và chữa bệnh, nên lấy nước thứ hai vì nước thứ nhất thường chát và hăng.

Món ăn bài thuốc từ khoai lang

Chữa cảm sốt mùa nóng: Thời tiết nóng dễ gây sốt vì cảm, không ra được mồ hôi. Với người sức khỏe tốt, có thể nấu khoai lang trắng với cải bẹ xanh ăn thay cơm để giúp ra mồ hôi, hạ sốt, giải cảm. Có thể dùng các bài thuốc:

- Khoai lang trắng khô một nắm, nghệ một củ, giấm 1/2 chén con, sắc uống nóng.

- Khoai lang trắng khô 16 g, gừng 16 g, sắc uống hoặc nấu cháo.

- Khoai lang trắng tươi luộc chín để xông, rồi ăn khoai nóng, uống nước luộc khoai nóng cho ra mồ hôi.

- Khoai lang 1 củ (400 g), gạo 200 g, đậu xanh 1/2 bát cơm, mã thầy 4 củ, củ cải 1 củ, tỏi 3 nhánh, thịt gà 150 g, tôm nõn 70 g, gia vị. Tất cả giã nát hoặc thái nhỏ nấu nhừ, riêng đậu xanh và mã thầy cho vào sau rồi nấu nhừ tiếp.

Chữa táo bón: ăn khoai luộc đơn thuần hoặc chấm mật, chấm vừng; ăn với cà pháo cả quả hoặc thái chỉ cà, nghiền cùng khoai thành khối. Các cách khác:

- Uống nước luộc khoai (khoai phải rửa sạch).

- Nấu chè khoai tươi hoặc khô với vừng và ít hoa quế.

- Dùng nước cốt luộc khoai tươi hay khô đã giã nát, nếu bị trĩ thì uống hàng tháng nước cất này vào buổi sáng.

- Ăn bánh làm bằng khoai lang với vừng hoặc dừa. Khoai lang tươi xào dầu vừng. Canh rau lang. Rau lang luộc chấm nước mắm gừng tỏi hoặc nước sốt cà chua, chấm vừng lạc (giã nhỏ). Nên làm sẵn bột khoai khô với vừng tán mịn, quấy uống mỗi sáng với nước đường.

Củ khoai - "Sâm Nam" một loại thần dược rất gần gũi và thân thuộc với người dân Việt Nam. Ảnh: A. T

Trẻ biếng ăn: Cho ăn dặm bằng bột khoai lang vàng đỏ quấy với bột, sữa.

Quáng gà: Lá khoai lang non xào gan gà hoặc gan lợn.

Thiếu sữa: Lá khoai lang tươi non 250 g, thịt lợn 200 g thái chỉ. Xào chín mềm, thêm gia vị.

Viêm tuyến vú: Khoai lang trắng gọt vỏ, giã nhuyễn đắp lên vú, có thể phối hợp với tỏi giã nhuyễn để đắp.

Thận âm hư, đau lưng mỏi gối: Lá khoai lang tươi non 30 g, mai rùa 30 g, sắc kỹ lấy nước uống.

Thận dương hư, đi tiểu nhiều lần: Hầm thịt chó với khoai lang, cho thêm chút rượu và gia vị.

Chữa ngộ độc sắn: Khoai lang gọt vỏ giã nát thêm nước, vắt lấy nước cốt. Uống cách nhau 1/2 giờ.

Say tàu xe: Củ khoai lang tươi nhai nuốt cả nước và bã.

Phụ nữ băng huyết: Rau lang tươi một nắm giã nát, lấy nước cốt uống.

Vàng da: Nấu cháo đặc bằng khoai với gạo hoặc bột ngô.

Mụt nhọt: Khoai lang củ 40 g, lá bồ công anh 40 g, đường hoặc mật mía giã nhuyễn bọc vào vải, đắp lên mụn nhọt. Để hút mủ nhọt đã vỡ, lấy lá khoai lang non 50 g, đậu xanh 12 g, thêm chút muối, giã nhuyễn bọc vào vải đắp.

Ở các nước thuộc Bắc bán cầu như nước ta, mùa mắc bệnh cảm cúm nhiều thường bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau tùy theo vùng và quốc gia.

Theo BS. Trần Quốc Cường - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, bệnh cảm cúm chiếm gần 2/3 nguyên nhân gây sốt và viêm đường hô hấp ở trẻ em. Để tăng sức đề kháng cho trẻ em phòng tránh viêm hô hấp, có nhiều biện pháp gồm tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, sử dụng khẩu trang khi đi xe gắn máy, giữ ấm cho trẻ... trong đó chế độ ăn cũng góp phần quan trọng. Khoa học đã chứng minh có vài vitamin và khoáng chất giúp tăng sức đề kháng, đặc biệt là vitamin A và kẽm.

Vitamin A được chứng minh có vai trò tăng miễn dịch chống bệnh nhiễm trùng, có nhiều trong các loại trái cây màu vàng đậm, đặc biệt là ba loại thức ăn phổ biến: khoai lang, cà chua và cà rốt. Trong rau và trái cây, vitamin A có ở dưới dạng beta-caroten là tiền chất và sẽ chuyển sang vitamin khi vào cơ thể. Trong động vật, vitamin nhiều nhất trong các món ăn từ gan, ví dụ gan và patê.

Khoai lang là loại thức ăn tuyệt vời mà tạo hóa ban cho con người vì chứa rất nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin A, C và vitamin nhóm B. Về khoáng chất, khoai lang chứa rất nhiều khoáng chất trong đó có kali và manhê; khoai lang cũng chứa rất nhiều chất xơ. Từ đó khoai lang được xếp vào loại thực phẩm có tính kháng viêm rất cao, giúp phòng chống bệnh mãn tính không lây như đái tháo đường, tăng huyết áp. Chưa kể khoai lang lại là thức ăn rẻ và phổ biến ở nước ta.

Kẽm cũng liên quan đến sức đề kháng. Ngoài các chức năng có lợi cho sức khỏe như sức khỏe sinh sản ở nam giới, tăng chiều cao ở trẻ em, kẽm được khoa học chứng minh vai trò rất quan trọng trong hệ miễn dịch. Kẽm có nhiều nhất trong thịt bò, giúp cơ thể sản xuất đủ tế bào miễn dịch phòng chống các tác nhân nhiễm trùng. Do đó cần ăn thịt bò 2-3 lần trong tuần để cung cấp đủ chất kẽm cho cơ thể. Ngoài ra kẽm còn có nhiều trong con hàu và sò.

Việc chú ý tăng sức đề kháng quan trọng cho tất cả mọi người, tuy nhiên cần lưu ý ở các đối tượng có nhiều nguy cơ hơn, ví dụ: trẻ em sau 6 tháng tuổi (khi đó kháng thể của mẹ truyền qua đã giảm), trẻ em mới bắt đầu đi học mẫu giáo (thường dễ bị lây bệnh của bạn), trẻ em mắc bệnh hen phế quản (thường cảm cúm sẽ dẫn đến hen phế quản), người cao tuổi, người ăn chay (vì chế độ ăn thiếu kẽm), trẻ biếng ăn do ăn không đa dạng, người ở vùng sâu vùng xa.

Ở những đối tượng nguy cơ nêu trên nếu không tiêu thụ đủ và đa dạng thực phẩm thì cần có chế độ bổ sung vitamin A và kẽm theo dạng thuốc để tăng sức đề kháng.

Giá khoai lang tăng đột biến

Trả lời trên báo Tuổi trẻ hôm nay, ông Nguyễn Văn Cường, chủ nhiệm tổ hợp tác trồng màu Mỹ Thái ở xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết, nông dân ở xã này đang thu hoạch 208ha khoai lang đỏ trái vụ với năng suất khá cao, 30-40 tấn/ha.

Hiện thương lái mua khoai lang đỏ với giá 6.000-7.000 đồng/kg, cao gấp đôi vụ trước. Trừ chi phí, toàn vùng trồng khoai lang đỏ thu lãi khoảng 17 tỉ đồng.

Ông Cao Minh Trung, phó Phòng NN&PTNT huyện Hòn Đất, cho hay trước đó chủ nhiệm tổ hợp tác Nguyễn Văn Cường đã tổ chức vận động nông dân góp vốn, đất và phương tiện máy móc để mạnh dạn làm đê bao trồng được khoai lang ngay trong mùa lũ.

Khoai lang đỏ có vị ngọt, làm được bánh mứt, thức ăn truyền thống nên tiêu thụ rất mạnh trước tết Nguyên đán. Hiện nhiều thương lái đang tìm mua sản lượng lớn khoai lang đỏ ở Hòn Đất để xuất khẩu sang Campuchia và Thái Lan.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang