Làm giàu từ nghề không dành cho người yếu tim

author 08:20 11/12/2017

(VietQ.vn) - Làm giàu từ nuôi trăn, rắn... nghề nuôi không dành cho những người yếu tim này hiện ở Việt Nam đã không còn xa lạ, đem về doanh thu hàng tỷ đồng cho người nuôi.

Làm giàu từ nuôi trăn, rắn... nghề nuôi không dành cho những người yếu tim này hiện ở Việt Nam đã không còn xa lạ. Hơn thế, nghề này còn đem về doanh thu hàng tỷ đồng cho người nuôi.

Ai cũng bị trăn cắn

Hàng chục năm nay, người dân sống ven lòng hồ Trị An (xã Là Ngà và Phú Ngọc, H.Định Quán, Đồng Nai) vẫn luôn gắn bó với nghề nuôi trăn.

Khu trại của anh Đỗ Huy Hào, được đánh giá lớn nhất nhì của xã Phú Ngọc, khi đang nuôi hàng trăm con trăn bố, mẹ và cả ngàn con thương phẩm. Trong các lồng, những con trăn dài 2- 3m nặng hàng chục ký đang khoanh mình nằm ngủ. Nghe động, chúng trở mình di chuyển, cả thân hình dài ngoẳng chạy cuồn cuộn. Dỡ nắp một chiếc lồng, anh Hào lôi ra con trăn cái dài trên 2m, đường kính thân hơn 10cm. Vác con trăn lên vai, anh Hào cho biết: “Con trăn này đã trên 3 năm tuổi, có trọng lượng trên 40kg”. Cảm thấy bị đe dọa, con trăn trườn mình trên vai anh Hào, đầu hướng về người lạ và phát ra những tiếng phì phì tỏ vẻ hung dữ.

Làm giàu từ nghề không dành cho người yếu tim

Anh Đỗ Duy Hào với con trăn khủng. Ảnh: Gia Khánh/Thanh Niên 

Nuôi trăn trên 15 năm, anh Hào chia sẻ: “Làm nghề này thì ai cũng bị trăn cắn. Trăn không độc nhưng hàm răng chúng sắc như răng cưa, phập trúng da thịt là tóe máu. Trăn chỉ dữ vào lúc đói, khi thấy đưa thức ăn vào là chúng tung mình đớp và có thể cắn vào tay người. Để cho ăn, những người nuôi trăn thường phải dùng cây sắt dài gắn mồi ở đầu rồi đưa vào. Trăn cũng trở nên hung dữ vào thời kỳ chúng lột da. Lúc này, mắt trăn mờ nên nghe động là chúng chủ động tấn công ngay để tự vệ”.

Từ 30 con trăn giống ban đầu mua về từ Long An, đến nay anh Hào đã phát triển thành trại trăn giống và thương phẩm quy mô hàng ngàn con. Cung cấp hàng vạn con trăn giống cho nông dân trong vùng và bán giống sang tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng. Anh Hào cho biết trăn nuôi tầm 40kg là bán được giá vì trọng lượng này cho da chuẩn, đẹp nhất.

Anh Nguyễn Sơn – chủ cơ sở nuôi trăn ở số 7/9 đường DT 743, ấp Bình Quới, xã Bình Chuẩn, huyện Thuận An, Bình Dương – nhiều năm qua thường có những đơn đặt hàng mua da trăn xuất khẩu sang các nước Á – Âu. Trại trăn của anh hiện nuôi gần 1.500 con trăn đủ cỡ loại. Trong số đó, có 200 con trăn đang đẻ, 50 con trăn giống.

Anh cho biết, nuôi trăn phải lưu ý, mỗi khi đưa tay vào chuồng bắt trăn phải sạch sẽ không còn dính hơi thức ăn để trăn không cắn. Nghề này không có học hỏi và kinh nghiệp thì không làm được.

Khởi nghiệp nuôi trăn từ năm 1992, đến nay anh Nguyễn Văn Lâm ở ấp Đông Thạnh, xã Thành An (Mỏ Cày, Bến Tre) đã có hơn 15 năm kinh nghiệm nuôi trăn. Trong những năm gần đây và hiện nay, mỗi năm anh thu về hơn 100 triệu đồng. Anh Lâm chia sẻ, để có nguồn thức ăn ổn định cho trăn, anh Lâm đã liên hệ với 15 cơ sở ấp gà vịt, lò mổ heo, các hộ chuyên sản xuất heo con để mua heo con ngộp chết, gà, vịt con ấp không đạt. Khi nuôi, chuồng trại phải làm kỹ, khóa cẩn thận để trăn không thoát ra ngoài. Đặc biệt không nên cho trẻ em đến gần trăn.

Làm giàu thành công từ mô hình nuôi rắn

Ở xã La Ngà (H.Định Quán, Đồng Nai), nhiều hộ dân còn chọn nghề "độc" hơn nuôi trăn, đó là nuôi rắn ráo trâu. Nguyễn Tấn Phong, ông chủ trẻ sinh năm 1993 đang sở hữu trại rắn trên 3.000 con. Mỗi năm trại rắn của Phong cung cấp hàng chục ngàn con rắn giống cho các hộ khác phát triển nghề nuôi rắn. Trại rắn của Phong rộng cả ngàn mét vuông, nhưng chưa dừng lại, ông chủ trẻ này đang tiếp tục xây thêm chuồng trại đủ để nuôi 10.000 con rắn thương phẩm.

Ở trại rắn của anh Phong, đang mùa thay da nên nhân công gom ra hàng đống xác da rắn. Kéo lên 1 con rắn chừng hơn 2kg, trong vẻ hung tợn, nhưng con vật chỉ biết oằn mình cố thoát khỏi tay bắt rắn lão luyện của ông chủ trẻ. Phong cho biết: "Với lượng rắn phát triển nhanh như vậy, tôi đang phải xây thêm chuồng để nuôi thương phẩm". Chỉ ô rắn mỗi con có trọng lượng trên 2kg, Phong cho biết đang chờ thương lái vào bán cả đàn (trên 300kg) với giá 390 ngàn đồng/kg.

Làm giàu từ nghề không dành cho người yếu tim

 Ông Dư Văn Út khoe 1 con rắn ri tượng sinh sản với trọng lượng lớn. Ảnh: Báo Cà Mau

Làm giàu thành công từ mô hình nuôi rắn, đó là ông Dư Văn Út (Cà Mau), cũng là người đầu tiên trong vùng thử nghiệm và thành công mô hình nuôi rắn ri tượng. Ông Út cho biết: "Nuôi loại rắn ri tượng cũng không khó, chỉ cần mình chịu tìm tòi, rút kinh nghiệm sẽ rất dễ thành công. Thời gian đầu rắn ri tượng cũng dễ phát sinh một số loại bệnh, nhưng khi nuôi lâu dài, biết đặc tính và cách phòng tránh thì năng suất đạt được rất cao. Thời điểm này rắn ri tượng có giá từ 750.000-800.000 đồng/kg rắn thịt, mỗi năm gia đình tôi thu nhập gần 50 triệu đồng".

Dũng Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang