Lấy lý do tái cơ cấu, Ngân hàng Bản Việt sa thải nhân viên trái luật quy định

author 17:40 24/06/2015

(VietQ.vn) - Hợp đồng lao động có giá trị trong vòng 3 năm, làm việc chưa từng bị kỷ luật hay vi phạm nội quy, nhưng lấy lý do tái cơ cấu, Ngân hàng Bản Việt đã sa thải nhân viên không đúng với luật quy định.

Đó là thông tin do anh Mai Phước Tiến (ngụ tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM) vừa cung cấp cho phóng viên Chất lượng Việt Nam vào chiều ngày 17/6/2015. Theo anh Tiến cho biết, anh là nhân viên của Ngân hàng TMCP Bản Việt tại hợp đồng lao động được ký ngày 24/12/2012, với thời hạn là 3 năm.

Trong quá trình đảm nhận vai trò nhân viên Marketing tại phòng Marketing tổng hợp của hội sở chính, anh Tiến luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, chưa từng bị kỷ luật hay vi phạm nội quy Ngân hàng. Tới ngày 16/5/2014, Ngân hàng Bản Việt bất ngờ điều động anh Tiến về phòng nhân sự, với chức danh là nhân sự chờ phân công công việc.

Theo giải thích của ngân hàng với người lao động, lý do là bởi vì phòng Marketing tổng hợp đã đổi tên thành phòng Marketing & Quan hệ công chúng, vì ngân hàng này đang thực hiện quá trình tái cơ cấu.

Tuy nhiên, vào thời gian đó, anh Tiến đã không đồng ý với sự điều chuyển lao động này, là do nó không phải là sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động, và người lao động. Ngoài ra, còn một lý do khác là do Phòng Marketing tổng hợp đổi tên từ ngày 24/12/2013, còn thời điểm anh Tiến bị điều chuyển đi là mãi đến tháng 5/2014.

Trong quá trình ở phòng nhân sự, anh Tiến hoàn toàn không được phân công nhiệm vụ. Cho tới ngày 23/10/2014, Ngân hàng Bản Việt ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với anh Tiến kể từ ngày 18/11. Lý do mà đơn vị này đưa ra là do tái cơ cấu, không bố trí được công việc cho lao động.

Anh Mai Phước Tiến khi còn là nhân viên Ngân hàng Bản Việt (ảnh: nhân vật cung cấp)

Anh Mai Phước Tiến khẳng định rằng, đây là quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trái với luật quy định. Khi nhân viên của mình nêu thắc mắc về nguyên nhân bị đối xử như vậy, ngày 13/5/2014, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch công đoàn của Ngân hàng Bản Việt đánh giá qua email gửi nhân viên:  Anh Tiến chưa làm điều gì sai, nghiêm trọng trong suốt quá trình làm việc tại Ngân hàng, nhưng kết quả công việc chỉ dừng lại ở mức độ “OK”.

Lúc 15h ngày 13/5/2015, tại Ngân hàng Bản Việt, lãnh đạo đơn vị này đã một lần nữa khẳng định: Anh Tiến bị cho nghỉ việc là bởi vì thay đổi cơ cấu, mà anh Tiến lại không có đơn đề nghị ưu tiên đào tạo, chứ về phía Ngân hàng đã có đưa ra phương án sử dụng lao động.

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, anh Mai Phước Tiến đã đề nghị Bản Việt cần phải thu hồi lại quyết định sa thải lao động trái pháp luật này, thực hiện đúng như trong thỏa thuận hợp đồng lao động đã ký, giải quyết phúc lợi, thu nhập mà anh Tiến bị cắt, do ảnh hưởng của việc sa thải hợp đồng lao động trái với quy định này.

Giải đáp vấn đề này với báo giới, bà Hoàng Cẩm Vân – Giám đốc Marketing & PR của Ngân hàng Bản Việt cho biết: Trước khi quyết định cho anh Tiến là nhân sự chờ phân công thuộc phòng nhân sự, Ngân hàng Bản Việt đã để cho anh Tiến có nhiều cơ hội để thể hiện năng lực, nhưng anh Tiến vẫn không thể hiện được.

Do thay đổi cơ cấu, yêu cầu công việc cao hơn, nên cần phải có nhân viên chất lượng tốt hơn, phải biết kiêm nhiệm thêm nhiều mảng, lĩnh vực chuyên môn, mà anh Tiến chỉ biết một vài lĩnh vực truyền thống, một số chuyên môn khác thì hạn chế, nên Bản Việt buộc phải tuyển thêm nhân viên mới.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM, việc anh Mai Phước Tiến bị chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này là không phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý. Trong trường họp thay đổi cơ cấu, công nghệ, người sử dụng lao động phải ưu tiên đào tạo lại lao động hiện có, để có phương án tiếp tục sử dụng.

Thông báo chấm dứt HĐLĐ của anh Mai Phước Tiến (Ảnh: P.L)

Nếu không thể cung cấp công việc mới cho người lao động, người sử dụng lao động phải thực hiện việc trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo đúng các quy định của pháp luật.

Việc Ngân hàng Bản Việt chuyển đổi phòng Marketing tổng hợp thành phòng Marketing tổng hợp và Quan hệ công chúng từ tháng 12/2013, mà mãi đến tháng 11/2014, anh Tiến mới bị chấm dứt hợp đồng lao động, thì lấy lý do tái cơ cấu là không đúng, vì thời gian quá cách xa nhau.

Ngoài ra, việc anh Tiến cung cấp thông tin, Bản Việt vẫn tuyển thêm nhân viên mới vào phòng này, thì việc lấy lý do thay đổi cơ cấu để cho anh Tiến nghỉ việc lại càng thể hiện tính thiếu hợp lý.

Đối với trường hợp này, đại diện cho Liên đoàn Lao động TP.HCM khẳng định: Anh Mai Phước Tiến hoàn toàn có thể kiện ra Tòa án nơi mà Ngân hàng Bản Việt đang đóng trụ sở chính, để yêu cầu được bồi thường vì sự sai trái này của Ngân hàng.

Đồng thời, nếu người sử dụng lao động muốn điều chuyển lao động sang bộ phận khác, đơn vị này phải mời người lao động lên, thông báo các thông tin cụ thể về việc này như: thời gian chuyển sang bộ phận khác kéo dài trong bao lâu, mức lương…phải lập biên bản có ý kiến của người lao động, chứ không thể tự động chuyển mà không cần lấy ý kiến của người lao động.

Vì lý do nào đó, doanh nghiệp phải tái cơ cấu, thu hẹp về quy mô sản xuất thì cũng cần phải có phương án đào tạo lại người lao động, sử dụng như thế nào. Những phương án này cần phải gửi cho các cơ quan quản lý Nhà nước về mặt lao động.

Phương Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang