Lừa dối người tiêu dùng, thổi phồng công dụng và chất lượng 'Kem trị nám Hana'

author 19:10 20/02/2021

(VietQ.vn) - Người tiêu dùng hoang mang trước thông tin về loại "Kem trị nám Hana" công dụng phóng đại như thuốc chữa bệnh, đứng danh Công ty TNHH TMDV PHP Group đưa ra thị trường.

Sự kiện: Mỹ phẩm & Làm đẹp

Người tiêu dùng Nguyễn Thị X. ở Thanh Xuân, Hà Nội phản ánh, sản phẩm Kem trị nám Hana được người tiêu dùng này mua qua online chính hãng, khi sử dụng không có công năng, tác dụng hiệu quả như doanh nghiệp quảng cáo, giới thiệu. Dùng chưa được nửa hộp Kem trị nám Hana da đã bị nổi mẩn và đổ bỏ, trong khi giá thành sản phẩm không hề rẻ.

Đây là sản phẩm mỹ phẩm Hana quảng cáo là kem trị nám. Ảnh cắt ra từ trang myphamhana.net 

Qua tìm hiểu được biết, sản phẩm Kem trị nám Hana do Công ty TNHH TMDV PHP Group có địa chỉ tại 232 Tôn Đức Thắng, Hiệp Phước, Nhơn Trạch, Đồng Nai phân phối ra thị trường. Thực tế đây chỉ là sản phẩm mỹ phẩm, chứ không phải là thuốc nên không có khả năng trị nám như doanh nghiệp quảng cáo. 

 Hình ảnh Ngọc Trinh quảng cáo sản phẩm gắn với những thông tin không đúng về công dụng sản phẩm 

Tại website: https://www.myphamhana.net/ với ghi danh phía chân trang với tên Công ty TNHH TMDV PHP Group kèm số điện thoại tư vấn và đặt hàng 0962.651.713, Phóng viên đã tìm thất rất nhiều các thông tin về sản phẩm được giới thiệu sản phẩm Hana với công dụng trị bệnh nám, trị nám da. Cụ thể như: "HIỆU QUẢ KỲ DIỆU TỪ KEM TRỊ NÁM HANA - Kem trị Nám Hana với công thức toàn diện đem lại hiệu quả ưu việt cho làn da bạn"; "Hết Nám, Sạm, Tàn Nhang, Đánh bay Nám, Sạm, Tàn Nhang chỉ trong vòng 3 tuần sử dụng"; "Bảo Vệ Và Tăng Cường Sức Khỏe Cho Da - Hỗ trợ kháng viêm, giảm kích ứng - tăng cường "miễn dịch" cho da. Chống oxy hoá, thải độc cơ thể, thải độc da"... Những nội dung quảng cáo này về sản phẩm cho thấy, công dụng của sản phẩm được thuổi phồng, phóng đại chẳng khác gì thuốc. Trong khi, công bố về sản phẩm này chỉ là mỹ phẩm. 

 Giới thiệu phóng đại về công dụng sản phẩm mỹ phẩm

Trước thắc mắc của người tiêu dùng và tìm hiểu được, Phóng viên đã có liên hệ với Công ty TNHH TMDV PHP Group. Người đại diện pháp luật của công ty là ông Hà Thành Nam xác nhận Công ty này đang bán sản phẩm như vậy thật. Cũng qua liên hệ với đầu mối bán hàng, ghi nhận được nhân viên tư vấn nói là sản phẩm Kem trị nám Hana có hai loại dùng cho ban ngày và ban đêm, liệu trình dùng 4 tháng. Người tư vấn còn khẳng định cho dùng thử cả 2 liệu trình sản phẩm với giá 400 ngàn đồng. Khi được hỏi về độ tin cậy, chất lượng của sản phẩm, nhân viên công ty này không ngần ngại khẳng định: Sản phẩm công nghệ của Hàn Quốc, sản xuất tại Việt Nam, có uy tín, chất lượng, hiệu quả....

Đặc biệt, hơn, trong quá trình tìm hiểu thông tin về sản phẩm, còn phát hiện trên trang https://www.myphamhana.net/ đăng tải thông tin về sản phẩm được quảng cáo trên báo uy tín hiện nay với những thông tin về công dụng sản phẩm không đúng thực tế. Chúng tôi đang liên hệ với đồng nghiệp của các báo này để làm rõ về các thông tin đó có phải là những nội dung giả bạo, mượn danh báo chí để lừa dối người tiêu dùng hay không?

Ngoài ra, trên trang https://www.myphamhana.net/ còn đưa các hình ảnh của các bác sĩ, nhà khoa học, người tiêu dùng gắn với các thông tin giới thiệu về sản phẩm, nhãn hiệu sản phẩm, giới thiệu, quảng bá những nội dung không đúng thực tế, dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng để trục lợi. Chúng tôi cũng đã chuyển thông tin tới phía Công ty TNHH TMDV PHP Group để làm rõ.

 Các chuyên gia, bác sĩ, nhà khoa học được lạm dụng để quảng cáo gắn với thông tin sản phẩm

Theo quy định Theo quy định tại Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, nêu rõ: “Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.

Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố... Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", "chữa trị" không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.

Còn tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, khoản 3 Điều 69 quy định về các vi phạm các quy định về quảng cáo mỹ phẩm gắn với mức xử phạt cụ thể: 

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc;

b) Quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;

c) Quảng cáo mỹ phẩm thiếu một trong các nội dung sau: tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng chủ yếu của mỹ phẩm trừ trường hợp tính năng, công dụng đã được thể hiện trên tên của sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định....

 

Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong các bài tiếp theo!

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang