Nâng cao NSLĐ: Xóa bỏ tư duy kinh doanh ngắn hạn, thay bằng tư duy chuyên nghiệp

author 08:52 10/09/2020

(VietQ.vn) - Theo nhận định từ giới chuyên gia, để thúc đẩy tăng năng suất lao động (NSLĐ), doanh nghiệp cần phải tự chủ động, quyết liệt nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, cần sớm xóa bỏ tư duy kinh doanh luộm thuộm, ngắn hạn và thay bằng tư duy chuyên nghiệp…

Mức NSLĐ của Việt Nam thấp so với các nước trong khu vực

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, ở Việt Nam, NSLĐ xã hội là một chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (quy định trong Luật Thống kê), được tính bằng GDP bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm. Thời gian qua, NSLĐ của Việt Nam tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN.

Doanh nghiệp cần xóa bỏ tư duy kinh doanh ngắn hạn, thay bằng tư duy chuyên nghiệp nhằm nâng cao NSLĐ. Ảnh minh họa.

Cụ thể, với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động); tính theo giá so sánh, tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018, NSLĐ tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, NSLĐ tăng bình quân 4,88%/năm.

Có thể nói, NSLĐ ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Nếu như trong giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,91%/năm, trong đó lao động tăng 1,5%/năm; tăng NSLĐ đạt 4,35%/năm thì trong 3 năm 2016-2018, mặc dù lao động chỉ tăng 0,88%/năm nhưng NSLĐ đạt tốc độ tăng bình quân 5,77%/năm, cao hơn giai đoạn trước 1,42 điểm phần trăm nên GDP tăng trưởng bình quân đạt tốc độ 6,7%/năm.

Tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2018 tăng bình quân 4,8%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của nhiều nước trong khu vực. Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn. Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước.

Thúc đẩy nâng cao NSLĐ bằng tư duy chuyên nghiệp

Để nâng cao NSLĐ của Việt Nam, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng cần sự cố gắng, giải pháp và đặc biệt cần hành động từ nhiều phía, đòi hỏi nỗ lực của cả Chính phủ và bản thân các doanh nghiệp; đòi hỏi không chỉ nhận thức mà cần có hành động cụ thể và quyết liệt của cả hai bên.  

Đối với chính phủ, ngoài những giải pháp mang tính nền tảng, bao trùm như tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng thì cần chú ý một số trọng tâm sau: Trước hết, cần xác định các mục tiêu về tăng năng suất lao động, không chỉ ở phạm vi quốc gia mà xuyên suốt ở cả các ngành, các địa phương từ đó các cấp, các lĩnh vực cần có các giải pháp tương ứng để đạt mục tiêu, thúc đẩy nâng cao năng suất;

Xây dựng và triển khai một số chương trình nâng cao năng suất ở một số ngành trọng điểm với các mục tiêu và giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn; Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số, nâng cao năng suất; Ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiến tới làm chủ công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực.

Về phía doanh nghiệp cần phải tự chủ động, quyết liệt nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp cần sớm xóa bỏ tư duy kinh doanh luộm thuộm, ngắn hạn và thay bằng tư duy chuyên nghiệp… Đồng thời, các doanh nhân phải chủ động nâng cao trình độ, cập nhật tri thức, nâng cao năng lực và kỹ năng quản lý, năng động, sáng tạo tìm kiếm phương pháp làm việc mới và hiệu quả, nắm bắt kịp thời nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Tăng năng suất, chất lượng nhờ đổi mới công nghệTrong khó khăn chung của ngành Cơ khí, Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công (DISOCO) vẫn đứng vững và phát triển bền vững nhờ làm tốt công tác sản xuất an toàn, đầu tư công nghệ mới, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí và vận hành hiệu quả.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang