Ngừng thở khi ngủ: Ai cũng có thể phải đối mặt

authorMinh Hà 07:17 10/09/2017

(VietQ.vn) - Hội chứng ngừng thở khi ngủ nếu không được điều trị dù chỉ trong vài ngày có thể gây nhiều tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe và tử vong.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở (OSA) là rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở từng lúc về đêm trong khi ngủ, có thể dẫn tới thiếu oxy máu và liên quan đến ngủ ngày quá nhiều. Ước tính 26% người trưởng thành có nguy cơ cao bị hội chứng ngưng thở khi ngủ. Bình thường đường hô hấp trên được nâng đỡ bởi các cấu trúc xương nhỏ, sụn bao quanh mũi và vùng hầu họng. Đặc điểm này giúp cho đường thở vẫn mở ra, không bị xẹp trong lúc ngủ, không khí vẫn lưu thông từ mũi và miệng vào trong phổi một cách dễ dàng.

Hội chứng ngừng thở khi ngủ có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Ảnh: Sức khỏe & đời sống

Nói về điều này, bác sĩ Joseph Ojile, Giám đốc y khoa của Viện Giấc ngủ Clayton (Mỹ) cho biết trên SELF: "Đối với hầu hết mọi người, ngưng thở khi ngủ là do một số tắc nghẽn trong luồng không khí ở phần sau cổ họng, ngăn không khí xâm nhập vào phổi khi bệnh nhân ngủ” .

Nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể là do amiđan lớn, xoang tắc nghẽn... Trong một số ít trường hợp, nó có thể là báo hiệu não không gửi thông điệp để thở. Thừa cân hoặc béo phì là một yếu tố nguy cơ, theo thạc sĩ Daniel Barone, chuyên gia về giấc ngủ ở Viện y học Weill Cornell.

Theo các chuyên gia của Hiệp hội giấc ngủ quốc gia Mỹ, chứng ngưng thở khi ngủ thường ảnh hưởng nam giới quá cân, nam giới trung niên, nhưng cũng phổ biến ở phụ nữ.

Về tác hại của hội chứng ngừng thở khi ngủ, một kết quả nghiên cứu được đăng trên số ra tháng 8 của tạp chí The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism cho thấy, để tìm hiểu xem OSA ảnh hưởng thế nào tới chuyển hóa, nhóm nghiên cứu đã đo nồng độ acid béo trong máu, glucose, insulin và cortisol (một hormone stress) khi những người tham gia ngủ. Những người tham gia cũng được đo sóng não, nồng độ ôxy huyết, nhịp tim và thở, cử động mắt và chân. Tổng cộng, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu máu từ 31 bệnh nhân bị OSA từ mức trung bình đến nặng và có sử dụng liệu pháp áp lực đường thở dương liên tục (CPAP) trong 2 đêm. Độ tuổi trung bình của những người tham gia nghiên cứu là 50,8 tuổi.

Giác hơi có thể gây sốc nhiệt, tử vong nếu làm sai cách(VietQ.vn) - Mặc dù cơ chế hoạt động của giác hơi khá đơn giản nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là bỏng nhiệt và có thể dẫn đến tử vong.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, ngừng sử dụng CPAP làm tái phát OSA có liên quan với ngủ kém, tăng nhịp tim và giảm ôxy huyết. Ngừng sử dụng CPAP cũng làm tăng nồng độ acid béo, glucose, cortisol và huyết áp. Tăng huyết áp và xơ cứng động mạch có thể góp phần gây bệnh tim mạch.

Liên quan đến vấn đề trên, chia sẻ trên báo VnExpress, Bác sĩ Hoàng Chân Phương, Bệnh viện Quốc tế Thành Đô cũng cảnh báo, đối với người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ, những thành phần mô mềm như lưỡi và sụn của vùng hầu họng bị tụt vào trong đường thở, kèm theo kích thước của đường hô hấp trên bị giảm do sự phì đại quá mức của mô mềm bao xung quanh. Đường hô hấp trên bị xẹp một phần hoặc hoàn toàn gây tắc nghẽn lưu lượng khí, kết hợp với giảm tín hiệu thần kinh đến các cơ hô hấp trong lúc ngủ và do đó gây ra ngưng thở.

Người mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ có thể dẫn đến tử vong. Ảnh minh họa

Hiện tượng này gây giảm oxy và tăng khí CO2 trong máu. Nó sẽ hoạt hóa thần kinh giao cảm gây co mạch, tăng nhịp tim dẫn đến tăng huyết áp, suy tim sung huyết, loạn nhịp tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ và bệnh lý mạch máu não. Nguy cơ tử vong, tăng huyết áp gia tăng khi tổng số đợt ngưng thở khi ngủ trong một giờ càng gia tăng. Số lần ngưng thở khi ngủ càng cao thì tỷ lệ bệnh tim mạch càng cao.

Minh Hà (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang