Nguy cơ của các nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc đặt gần Việt Nam

author 13:24 09/10/2016

(VietQ.vn) - Gần đây, Trung Quốc gỡ bỏ lệnh cấm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đồng thời cho xây dựng hàng loạt nhà máy điện hạt nhân dọc duyên hải phía Nam.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Điều này là mối lo ngại lớn đối với Việt Nam về những tác động không nhỏ của điện hạt nhân khi có sự cố xảy ra.

 Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành, Trung Quốc cách Móng Cái chỉ khoảng 50Km

6 tổ máy điện hạt nhân nằm ngay sát Việt Nam

Trước việc ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc nằm ngay sát biên giới nước ta vừa đi vào hoạt động, tại họp báo thường kỳ của Bộ KH&CN quý 3 năm 2016, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết: Sắp tới, sẽ có đoàn Việt Nam sang làm việc và có thể ký một thỏa thuận về an toàn bức xạ với Trung Quốc. Còn các chuyên gia thì cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường.

Nói về tác động của các sự cố hạt nhân, ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, khoảng cách 50 cây số không nghĩa lý gì nếu sự cố phóng xạ xảy ra. Năm 2011, khi sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima xảy ra ở Nhật, ngay lập tức, hai trạm quan trắc là Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt và Viện KHKT Hạt nhân đo được phóng xạ trong không khí ở Việt Nam.

Ba nhà máy điện hạt nhân phía Nam của Trung Quốc, gần biên giới Việt Nam đã đi vào hoạt động gồm Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Nhà máy điện hạt nhân Trường Giang ở tỉnh Quảng Đông và Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang nằm trên đảo Hải Nam.

Trong đó, một loạt lò phản ứng năng lượng công suất lớn khoảng 500 - 1000 MW; chủ yếu do Trung Quốc xây dựng, thi công tới 80%, đã và đang tới tấp đi vào vận hành. Ba nhà máy cách xa Thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 300 km - 500 km. Số nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đã và đang xây dựng ngày càng tăng và tràn xuống phía Nam.

 Nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc gần như hoàn toàn là hàng "made in China",  đây là mối lo ngại lớn

Trong năm 2016, Trung Quốc đã xây dựng xong nhà máy điện hạt nhân tại Phòng Thành, cách thị xã Móng Cái khoảng 50 km về phía Đông và có công suất 1.000 MW.

Theo lộ trình, mỗi nhà máy này có tới 6 tổ máy điện hạt nhân. Các tổ máy này đều nằm gần biên giới phía bắc, nơi gần nhất chỉ cách biên giới Việt Nam 50km. Trong tương lai có gần hai chục tổ máy điện hạt nhân ngay sát Việt Nam.

Việt Nam sẽ phải ký với Trung Quốc về an toàn hạt nhân

Theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, các sự cố phóng xạ thường có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, xuyên biên giới. “Vào cuối tháng 9, khi tham gia Hội đồng IAEA, đoàn Việt Nam đã trao đổi với cơ quan an toàn hạt nhân của Trung Quốc về việc xây dựng thoả thuận cảnh báo nếu có sự cố. Không chỉ Phòng Thành, các nhà máy Sương Giang, Trường Giang của Trung Quốc cũng khá gần Việt Nam”.

Ông Vương Hữu Tấn – Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân cho biết, việc kí kết hợp tác với Trung Quốc đã được thực hiện từ năm 2012 nhưng trên thực tế chưa được triển khai nhiều. Tuy nhiên, Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế để có công cụ ràng buộc như Công ước về thông báo sớm. Với Công ước này, bất kì sự cố hạt nhân nào đều được mạng lưới quốc tế thông báo.

Trước lo ngại, các nhà máy điện hạt nhân phía Nam Trung Quốc có thể ảnh hưởng phóng xạ đến Việt Nam (các sự cố phóng xạ có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn km-PV), ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, Việt Nam có thể vận dụng một số công ước quốc tế để nhận biết sớm sự cố hạt nhân nếu xảy ra. Việt Nam đã tham gia Công ước về thông báo sớm sự cố hạt nhân từ năm 1987.

Bộ Khoa học và Công nghệ luôn theo dõi sát sao về hoạt động của những nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc

Bất kỳ một sự cố hạt nhân nào, mạng lưới thông báo sớm quốc tế sẽ cung cấp thông tin cho Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia Công ước an toàn hạt nhân. Hàng năm các quốc gia thành viên của công ước này phải nộp báo cáo về các biện pháp mình đã thực hiện để đảm bảo việc các nghĩa vụ quy định của công ước. Tại cuộc họp, Việt Nam có thể chất vấn, đề xuất ý kiến, câu hỏi về các vấn đề an toàn hạt nhân của Trung Quốc.

Cũng theo ông Tấn, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa có trao đổi với cơ quan chức năng Trung Quốc về vấn đề điện hạt nhân của nước này. Sắp tới, sẽ có đoàn của Việt Nam trực tiếp sang làm việc và có thể ký một thỏa thuận giữa Cục An toàn bức xạ và hạt nhân với Cơ quan an toàn hạt nhân Trung Quốc để có cách thức trao đổi thông tin về vấn đề này.

Theo TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, để đo mức độ phóng xạ trong không khí, Việt Nam đã có 2 trạm quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường là Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và Viện khoa học kỹ thuật hạt nhân.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hào Quang, trước thực tế một số nhà máy điện hạt nhân sát sườn Việt Nam đặt tại Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia đang và sẽ đi vào hoạt động, cần nhanh chóng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường. Trước mắt nên tập trung đầu tư thiết bị quan trắc tại những địa phương có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong trường hợp xảy ra sự cố điện hạt nhân từ Trung Quốc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An và Hà Nội.

Đức Mậu

Hàng hóa phục vụ khoa học công nghệ được miễn thuế xuất nhập khẩu(VietQ.vn) - Hàng hóa phục vụ khoa học công nghệ được miễn thuế xuất nhập khẩu được quy định cụ thể trong Nghị định 134/2016/NĐ-CP vừa mới được ban hành.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang