Nhiều quốc gia cảnh báo 'chiêu trò' lừa đảo chào bán vaccine COVID-19 giả

author 10:47 11/03/2021

(VietQ.vn) - Vaccine Covid-19 là mặt hàng quý hiếm được cả thế giới trông đợi. Lợi dụng điều này nhiều đối tượng đã sản xuất, chào bán vaccine COVID-19 giả.

Vaccine ngừa COVID-19 là mặt hàng quý hiếm được cả thế giới trông đợi. Lợi dụng dân chúng mong mỏi muốn được nhanh chóng tiêm phòng để trở lại cuộc sống bình thường, các tội phạm lừa đảo vac-xin đủ kiểu nở rộ trên mạng internet gần đây, từ sản xuất cho đến chào bán hàng giả cho các cá nhân và cả các tổ chức chính phủ. Nhiều đường dây tội phạm vac-xin COVID-19 giả mạo mới bị phá vỡ tại nhiều quốc gia.

Mỹ cảnh báo buôn bán bất hợp pháp vaccine COVID-19

Tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) mới chỉ ban hành giấy phép sử dụng khẩn cấp cho hai loại vaccine phòng dịch COVID-19. Nhưng vaccine giả lan nhanh khiến FDA phải làm việc với các nhà phát triển vaccine nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu và sản xuất nhiều loại vaccine hơn, cùng các phương pháp điều trị bổ sung. Bên cạnh đó, FDA cũng làm việc với các nhà thuốc bán lẻ để loại bỏ hàng chục sản phẩm giả khỏi các kệ hàng và website bán hàng trực tuyến. FDA khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng với các trang web và cửa hàng bán các sản phẩm tuyên bố ngăn ngừa, điều trị hoặc chữa khỏi virus SARS-CoV-2. Cơ quan này vẫn liên tục theo dõi các phương tiện truyền thông xã hội và thị trường trực tuyến để ngăn chặn thuốc giả và hoạt động lừa đảo lợi dụng dịch COVID-19.

Từ ngày 25/3/2020 tới nay, Bộ Tư pháp Mỹ đã thụ lý nhiều vụ gian lận liên quan dịch COVID-19, trong đó có cáo buộc hình sự 33 trường hợp trên toàn quốc liên quan mua bán vaccine, phương pháp điều trị hoặc xét nghiệm giả và trục lợi từ việc đầu cơ vật tư y tế. Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ còn xử lý 11 vụ kiện dân sự về các âm mưu lừa đảo, cụ thể là lừa người bệnh dùng khí ozone, dung dịch ion bạc, dung dịch thuốc tẩy làm phương pháp điều trị. Những đối tượng trục lợi từ các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp Mỹ ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 cũng bị lực lượng chức năng xử lý nghiêm. Cụ thể như, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố 65 bị cáo trong 50 vụ án liên quan Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP), gây thất thoát hơn 227 triệu USD.

Bộ Y tế khuyến cáo cần thận trọng trong việc cung ứng vaccine COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế

Anh cảnh báo người dân cảnh giác với các hành vi gian lận

Trong khi đó tại Anh, một trong những thành viên EU bị ảnh hưởng nặng do dịch COVID-19, bà Karen Baxter - Chỉ huy Cục phòng, chống gian lận quốc gia (NFIB), đã cảnh báo người dân cảnh giác với các hành vi gian lận. Số liệu cập nhật đến ngày 7-7-2020 cho thấy, đã có hơn 2.850 báo cáo về hoạt động lừa đảo liên quan Covid-19, với tổng thiệt hại là 15,8 triệu USD. Phần lớn các vụ lừa đảo liên quan hoạt động mua sắm trực tuyến, trong đó người dùng mua phải khẩu trang bảo vệ, dung dịch rửa tay kém chất lượng hoặc không nhận được hàng. Tháng 4/2020, Trung tâm An ninh mạng quốc gia (NCSC) đã hợp tác với cảnh sát ra mắt công nghệ mới mang tên “Dịch vụ báo cáo email đáng ngờ”. Công nghệ này giúp người dùng đánh dấu các email lừa đảo, bao gồm cả những email liên quan dịch COVID-19. Người dùng có thể gửi email đáng nghi đến địa chỉ [email protected] và chương trình tự động của NCSC sẽ lập tức kiểm tra tính hợp lệ của trang web. Bất kỳ trang web nào bị phát hiện gian lận, lừa đảo sẽ bị xóa ngay lập tức.

Chỉ trong vòng 24 giờ kể từ khi ra mắt, đã có 80 địa chỉ web lừa đảo bị gỡ xuống sau khi có hơn 5.000 email đáng ngờ bị báo cáo, giúp ngăn chặn tội phạm lợi dụng đại dịch COVID-19. Kể từ đó, cơ quan này đã nhận được 672 nghìn báo cáo email khả nghi, giúp xóa sổ hơn 5.000 địa chỉ web lừa đảo, bao gồm phần lớn là các trang web lập ra nhằm mục đích bán sản phẩm chống dịch COVID-19 giả như bộ kiểm tra âm tính, khẩu trang và vaccine.

Trung Quốc bắt giữ đầu não một mạng lưới phân phát vaccine giả

Các thí dụ về những trò lừa đảo vaccine liên tục xuất hiện từ khi chiến dịch tiêm phòng bắt đầu trên khắp thế giới. Cách đây một tháng, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ đầu não một mạng lưới phân phát vaccine giả. Mạng lưới này đã sản xuất gần 6000 liều vaccine từ một dung dịch muối. Trước khi bị bắt, kẻ cầm đầu đường dây này đã kiếm được hơn 2,7 triệu đô la nhờ vào hoạt động tội phạm này.

Các hình thức lừa đảo có thể gồm: tự nhận là đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vaccine và tuyên bố sở hữu hoặc có quyền tiếp cận vaccine phòng COVID-19 để mời chào bán vaccine; chào bán số lượng lớn vaccine phòng COVID-19 cho Chính phủ hoặc các tổ chức, cung cấp một lượng hàng mẫu để ký kết, nhận tiền đặt cọc và sau đó chiếm dụng; hoặc cung cấp các lô vaccine phòng COVID-19 giả mạo.

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp liên hệ Bộ Y tế Việt Nam mua vaccine COVID-19 dù chưa có hoạt động ủy quyền

Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nộp hồ sơ đăng ký, liên hệ với Bộ Y tế để chào bán, gợi ý cung cấp vaccine phòng COVID-19 của các nhà sản xuất như Moderna (Mỹ), AstraZeneca…Tuy nhiên, qua xác minh thông tin, các nhà sản xuất vaccine trên hiện tại chưa có hoạt động ủy quyền, ủy thác với các tổ chức, cá nhân này.

Ngày 01/3/2021, Astra Zeneca đã có thư khẳng định, ngoài Chương trình COVAX, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC), Astra Zeneca không uỷ quyền cho công ty, tổ chức, cá nhân nào khác cung cấp vaccine phòng COVID-19 của Astra Zeneca tại Việt Nam.

Tương tự, Moderna cũng đã khẳng định chưa ủy quyền cho bất cứ bên nào về việc đăng ký, bán hàng và nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Các nhà sản xuất vaccine khác như Pfizer, Johnson & Johnson đều có công ty chi nhánh tại Việt Nam.

Đối với vaccine Sputnik của Nga, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam đã khẳng định mọi sự mua bán, nhập khẩu, hợp tác cần trao đổi trực tiếp với Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga. Trung Quốc, Ấn Độ cũng khẳng định rõ việc mua, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 phải được Chính phủ phê duyệt.

Cần thận trọng khi cung ứng vaccine COVID-19

Do đó, để đảm bảo việc tiếp cận vaccine phòng COVID-19 cho người dân Việt Nam, Bộ Y tế khuyến khích tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng COVID-19 trên thế giới để nhập khẩu vaccine về sử dụng trong nước theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, để đảm bảo việc cung cấp vắc-xin phòng COVID-19 đầy đủ và an toàn, Bộ Y tế đề nghị:

Các cơ quan, tổ chức khi nhận được các thông tin, đề nghị, hợp tác về việc cung cấp vaccine phòng COVID-19 cần thận trọng, chủ động xác thực, kiểm chứng thông tin, đảm bảo an toàn pháp lý, tài chính và thương mại.

Trong trường hợp cần thiết, có thể đề nghị các cơ quan chức năng (Bộ Y tế, Bộ Công an, Cơ quan ngoại giao, Thương mại…) giúp xác minh thông tin liên quan đến việc cung cấp vaccine phòng COVID-19.

Đồng thời, việc đàm phán, mua vaccine phòng COVID-19 cần được thông báo kịp thời cho Bộ Y tế để đảm bảo việc nhập khẩu, sử dụng cũng như điều hành nguồn và tổ chức tiêm chủng được thông suốt, theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19.

Các quốc gia, tổ chức có trách nhiệm tăng cường chia sẻ thông tin để chủ động phòng chống các hoạt động giả mạo trong cung ứng, mua bán vaccine phòng COVID-19.

Kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả ngày càng tinh vi(VietQ.vn) - Mới đây, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý hơn 20.000 vụ vi phạm về kinh doanh mỹ phẩm giả, dược phẩm, thực phẩm chức năng.

Trong diễn biến liên quan tới tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Việt Nam, sau 3 ngày triển khai tiêm chủng, 955 người đã được tiêm vaccine Covid-19, sức khỏe đều ổn định, một số người xảy ra phản ứng thông thường sau tiêm.

Cụ thể, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 là 127 người; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM 474 người. Hai điểm tiêm của tỉnh Hải Dương là Trung tâm Y tế TP Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành 218 người. Bệnh viện Thanh Nhàn, TP Hà Nội 36 người. Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai 100 người.

Theo báo cáo của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia (TCMR), chưa có trường hợp nào tiêm chủng ngày 10/3 báo cáo xuất hiện phản ứng sau tiêm. Các trường hợp được báo cáo bổ sung của hai ngày tiêm trước đều là các phản ứng thông thường sau tiêm chủng như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy...Tỷ lệ các phản ứng này cũng được nhà sản xuất thông tin sau khi quét mã QR code trên hộp vaccine.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang