Kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả ngày càng tinh vi

author 06:35 10/03/2021

(VietQ.vn) - Mới đây, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý hơn 20.000 vụ vi phạm về kinh doanh mỹ phẩm giả, dược phẩm, thực phẩm chức năng.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia 389, thực hiện chỉ đạo trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, lực lượng Công an đã thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Qua đó, phát hiện, xử lý 20.550 vụ với 20.770 đối tượng.

Theo ghi nhận của Bộ Công an, tình hình buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng nói trên còn diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Đáng chú ý, các đối tượng thường nhập khẩu những sản phẩm sắp hết hạn không đảm bảo về chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ để đưa vào Việt Nam tiêu thụ; Tẩy xóa hạn; Làm giả nhãn mác, thương hiệu sản phẩm Việt Nam đã được công bố; Lập công ty “ma” để nhập khẩu, kinh doanh; Móc nối, câu kết với người làm việc trong cơ quan chức năng và sử dụng các phương tiện “ngụy trang” để vận chuyển hàng hóa nhằm qua mắt các cơ quan chức năng.

 Nhiều mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả và kém chất lượng hoành hành trên thị trường. Ảnh minh họa

Nhiều sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các đối tượng thường đặt hàng do nước ngoài sản xuất và làm giả nhãn mác các sản phẩm nổi tiếng của các nước Mỹ, Pháp, Nhật…

Bên cạnh đó, các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội, hoạt động thương mại điện tử để quảng cáo, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… trà trộn nhiều loại hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ gây khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh.

Cũng theo Bộ Công an, hàng giả khi phát hiện bắt giữ muốn xử lý được cần phải tiến hành giám định, nhưng một số mặt hàng không có mẫu vật vì không lưu hành ở Việt Nam hoặc không có đại diện chủ sở hữu nên không có thể xử lý theo đúng tội danh dẫn đến hạn chế tính răn đe của pháp luật. Trong khi đó, hành vi mua bán hàng giả là thuốc chữa bệnh của các bị can được thực hiện qua nhiều quốc gia nên việc thu thập chứng cứ qua biện pháp tương trợ tư pháp gặp nhiều khó khăn, kết quả trả lời không đầy đủ như yêu cầu làm ảnh hưởng đến tiến độ điều tra vụ án.

'Mỹ phẩm' làm đẹp từ những thực phẩm quen thuộc trong bếp lành tính và hiệu quả(VietQ.vn) - Những thực phẩm quen thuộc, sẵn có trong nhà bếp chỉ cần thêm một chút biến tấu, kết hợp cùng nhau là đã trở thành các sản phẩm làm đẹp lành tính và hiệu quả.

Trong thời gian tới, Bộ Công an tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động thương mại, bảo đảm chất lượng hàng hóa trên thị trường, chống sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng (Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường, Thanh tra chuyên ngành..) tăng cường công tác trao đổi thông tin về tình hình, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng liên quan để chủ động có biện pháp phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền giả, kém chất lượng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sự nguy hại đối với các mặt hàng này trong nhân dân để góp phần phòng ngừa, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm về việc cập nhật quy định về các chất sử dụng trong mỹ phẩm

Theo văn bản của Cục Quản lý Dược, thực hiện Hiệp định mỹ phẩm ASEAN và các quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm, căn cứ kết quả các cuộc họp Hội đồng mỹ phẩm ASEAN (ACC) lần thứ 32 và Hội đồng Khoa học mỹ phẩm ASEAN (ACSB) lần thứ 32, Cục Quản lý Dược công bố và đăng tải bản cập nhật các Phụ lục (Annex) của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN về các chất sử dụng trong mỹ phẩm.

Văn bản của Cục Quản lý Dược cũng nêu rõ quy định và lộ trình áp dụng đối với các nội dung cập nhật tại các Phụ lục trên của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN như sau.

Cụ thể, bổ sung vào Phụ lục II các chất Paraformaldehyde (Tham chiếu số 1578); Dibutyltin Hydrogen Borate (Tham chiếu số 1400); Methylene Glycol (Tham chiếu số 1579); Formaldehyde (Tham chiếu số 1577), trừ trường hợp sử dụng trong mỹ; phẩm mỹ phẩm làm cứng móng (Nail hardening products), với hàm lượng tối đa là 2,2% được quy định tại Phụ lục III. Tham chiếu số 13;

Bổ sung Dịch chiết hoặc Dầu chiết xuất từ hoa cúc Tagetes Erecta vào Phụ lục III, tham chiếu số 327, với giới hạn quy định. Cụ thể, hàm lượng tối đa được phép trong sản phẩm mỹ phẩm: 0,01% đối với mỹ phẩm lưu lại trên cơ thể (leave-on products) và 0,1% đối với sản phẩm rửa trôi (rinse-off products);

Trường hợp sử dụng phối hợp với dịch chiết hoặc dầu chiết xuất từ hoa cúc các loài Tagetes papula (tham chiếu số 325) và/hoặc Tagetes minuta (tham chiếu số 324), tổng hàm lượng tối đa dịch chiết hoặc dầu chiết được phép của hỗn hợp trong sản phẩm mỹ phẩm: 0,01% đối với mỹ phẩm lưu lại trên cơ thể (leave-on products) và 0,1% đối với sản phẩm rửa trôi (rinse-off products);

Hàm lượng tối đa Alpha terthienyl (terthiophen) trong các chất này không được vượt quá 0,35%; Các chất này không được sử dụng trong sản phẩm lưu lại trên da để chống nắng và có tiếp xúc với tia UV tự nhiên hoặc nhân tạo.

Về lộ trình áp dụng kể từ ngày 08/3/2022, chỉ các sản phẩm mỹ phẩm đáp ứng quy định mới được lưu hành trên thị trường, các sản phẩm mỹ phẩm không đáp ứng quy định sẽ bị thu hồi. Đối với Dibutyltin Hydrogen Borate, lộ trình áp dụng từ ngày 08/9/2021.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm chủ động rà soát thành phần công thức sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh; Có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phù hợp, đảm bảo sản phẩm mỹ phẩm đưa ra lưu hành đáp ứng quy định tại Thông tư số 06/2011/TTBYT, Hiệp định mỹ phẩm ASEAN, các nội dung cập nhật Hiệp định mỹ phẩm ASEAN được nêu tại công văn này và các công văn cập nhật quy định về các chất dùng trong mỹ phẩm của Cục Quản lý Dược (Công văn số 13431/QLD-MP ngày 09/8/2019....); tránh nguy cơ sản phẩm bị thu hồi, gây lãng phí.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang