Những máy chơi game huyền thoại tại Việt Nam

author 05:37 26/04/2014

(VietQ.vn) - Những thế hệ ngày nay có rất nhiều người mà tuổi thơ đã gắn liền với những máy chơi game huyền thoại như Tetris, Mario, Tank hay Contra...

1. Máy Brick Game

máy game tetris

Bắt đầu có mặt tại Việt Nam trong những năm cuối thập niên 80, dòng máy game cầm tay Brick Game có xuất xứ từ… Trung Quốc. Vào thời đó, rất ít người dư dả sắm cho mình chiếc máy điện tử cá nhân Nintendo vì chúng khá đắt tiền. Vì thế, nhiều người biết chớp thời cơ, mua mấy chục máy Brick game để cho thuê, chỉ khoảng một hai tháng sau đã hòa vốn. Hiếm có cô cậu học sinh nào thời ấy không bị "hút hồn" vào màn hình đen trắng của chiếc máy điện tử Brick Game trong nỗ lực chinh phục đỉnh cao của trò chơi "xếp gạch". Và dù cho trò chơi này có được tích hợp trên các nền tảng khác nhau nhưng máy game cầm tay Brick Game và trò xếp gạch vẫn là một huyền thoại không thể thay thế.

 2. Máy Famicom

máy Famicom

Năm 1983, Nintendo đã đi một nước cờ hết sức mạo hiểm khi quyết định đầu tư sản xuất máy chơi game Famicom (FC). Nhưng rồi cũng từ đây, một huyền thoại mới đã ra đời và thường được gọi thân mật là “máy 4 nút”. Thậm chí, nhiều tựa game hiện nay cũng có nguồn gốc xuất thân từ các trò chơi trên cỗ máy này. Thực tế mà nói FC đã cống hiến một phần không nhỏ cho sự phát triển của ngành game toàn cầu, đồng thời trở thành điểm khởi đầu cho ngành công nghiệp game tại Nhật Bản.

Vào cuối thập niên 80, cơn sốt này bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam. Lúc đó, hầu như không ai nhớ chính xác tên “cúng cơm” của chiếc máy Famicom mà chủ yếu gọi là “máy băng” hoặc “máy 4 nút”. Có lẽ, thời thơ ấu của nhiều game thủ đều gắn liền với chiếc máy này và trở thành động lực để họ quyết định dấn thân vào ngành game.

3. Tamagotchi (nuôi gà ảo)

nuôi gà ảo

Thập niên 90 bắt đầu bằng cơn sốt nuôi gà ảo Tamagotchi của Bandai, thậm chí chính nhà sản xuất cũng bất ngờ trước sự thành công vượt bậc mà trò chơi mang lại. Tại Việt Nam thời điểm đó, sự sành điệu của những game thủ trẻ tuổi được chứng nhận bởi quả trứng đeo bên hông trước ánh mắt thèm thuồng pha lẫn ganh tỵ của bạn bè vào mỗi giờ ra chơi. Có thể ví cơn sốt này với tính thời thượng của chiếc điện thoại iPhone tại thời điểm cao trào nhất.

4. Máy chơi game PS thế hệ đầu

máy PS 1

PlayStation 1 đã được chính thức công bố bởi Sony Computer Entertainment tại Nhật Bản vào năm 1994. Sau đó ít lâu mẫu máy đã được giới thiệu ra thế giới năm 1995 và trở thành một bước đột phá cho sự phát triển mạnh mẽ về Game sau này. PlayStation là mẫu máy đầu tiên trong những mẫu console PlayStation được giới thiệu và nó đã giúp cho Sony dần đánh bại gã khổng lồ Nintendo trong lĩnh vực máy chơi Game.

PlayStation phất cờ tiên phong trong lĩnh vực nền tảng giải trí máy tính. Dòng máy này đã xuất xưởng với 100 triệu đơn vị máy và đạt được con số này chỉ trong 9 năm 6 tháng kể từ khi được giới thiệu ở Nhật. Những chiếc PS1 cuối cùng đã được bán vào dịp Giáng sinh năm 2004 trước khi nó bị ngưng sản xuất để nhường sân chơi cho PS2. Lúc này doanh số của PS1 đã là 102 triệu máy được bán trong vòng 10 năm.

5. Game PC thế hệ đầu

HALF LIFE

Trò chơi điện tử trên PC bắt đầu rộ lên tại Việt Nam những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Khi đó, các quán game hầu như đều xác định mức giá 3.000 đồng/giờ và có cấu hình máy rất “hẻo”. Tại đây, tùy theo khả năng tiếp thu của bản thân mà bạn sẽ khởi đầu với Mario, Lucky Luke, Lines 98 hay thẳng tiến lên các trò chơi cao cấp hơn lúc bấy giờ như Counter-Strike, StarCraft, Heroes, Age of Empires,…

Thế mạnh của game PC giai đoạn này chính là khả năng hỗ trợ chơi qua mạng LAN, chắc chắn rằng bạn sẽ thoải mái chiến đấu cùng chiến hữu chứ không giới hạn ở con số 2 người chơi quen thuộc. Đồng thời, cảm giác làm quen với chuột và bàn phím cũng rất mới lạ. Chính vì lẽ đó, Counter-Strike (cùng Half-Life) và StarCraft, Age of Empires đã nhanh chóng trở thành lựa chọn hàng đầu của giới trẻ mỗi khi tan trường hoặc lúc rảnh rỗi.

Thanh Tùng (T.H)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang