Những sáng kiến nhỏ mang lại bước nhảy vọt về năng suất chất lượng

author 17:00 03/02/2016

(VietQ.vn) - Các sáng kiến nhỏ nhưng mang lại bước tiến thần kỳ về năng suất chất lượng cho công ty lại đến từ chính những người lao động bình thường.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Những người công nhân rất đỗi bình thường, không được học hành cao nhưng với trí sáng tạo, sự kiên trì và miệt mài đã cho ra đời những sáng kiến tuy nhỏ mà mang lại lợi ích lớn, góp phần nâng cao năng suất chất lượng của cả công ty. Đó là anh Nguyễn Văn Dũng với sáng kiến thiết kế và chế tạo máy banh lốp ô tô, anh Lê Hồ Minh Bằng với sáng kiến chế tạo máy in date (hạn sử dụng) tự động trên cây xúc xích, anh Trần Ngọc Dũng với sáng kiến “Cải tiến phương pháp vận chuyển cột điện bằng phương pháp dùng động cơ máy nổ gắn với tời để kéo”.

Sáng kiến thiết kế và chế tạo máy banh lốp ô tô

Đây là thành quả lao động trí óc của anh Nguyễn Văn Dũng (30 tuổi), kỹ sư điện - tự động hóa của Xí nghiệp cao su Bình Lợi (Công ty cổ phần công nghiệp cao su miền Nam). Anh Dũng chia sẻ: “Trong quá trình làm việc, tôi quan sát thấy quy trình để đưa săm (ruột) và yếm (vành) vào trong lòng lốp ô tô phải cần ít nhất 2 công nhân thực hiện hoàn toàn thủ công. Công nhân phải sử dụng sức kéo banh những chiếc lốp nặng cả trăm ký để đưa săm và yếm vào trước khi đóng gói, giao sản phẩm cho khách hàng”.

Sáng kiến của anh Nguyễn Văn Dũng đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng, mang lại nguồn thu lớn cho công ty

Sáng kiến của anh Nguyễn Văn Dũng đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng, mang lại nguồn thu lớn cho công ty. Ảnh TNO

Tuy nhiên, quá trình này rất nặng nhọc và dễ gây ra các bệnh nghề nghiệp cho công nhân như đau lưng và một số bệnh về cột sống. Từ thực trạng đó, anh Dũng đã mày mò sáng chế ra máy banh lốp ô tô nhằm giúp giảm tải công việc cho công nhân mà vẫn đảm bảo được năng suất chất lượng do công ty đề ra.

Nguyên lý hoạt động của máy rất đơn giản, chỉ cần đưa lốp ô tô lên mâm định vị và điều khiển các móc khóa vòng để banh lốp ra. Quy trình cũng chỉ cần một người làm và năng suất tăng hơn gấp đôi. Ngoài ra Dũng còn có thêm sáng kiến chế tạo băng tải lấy lốp và chuyền lốp ô tô tự động. Hai sáng kiến này đã làm lợi cho đơn vị gần 1 tỉ đồng/năm.

Sáng kiến máy in date (hạn sử dụng) tự động trên cây xúc xích

Cùng chung mục tiêu tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời không ngừng tăng năng suất chất lượng công việc, anh Lê Hồ Minh Bằng (28 tuổi), nhân viên vận hành Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (quận Tân Phú, TPHCM) đã có sáng kiến chế tạo máy in date (hạn sử dụng) tự động trên cây xúc xích.

Theo quy trình sản xuất, việc in date trên cây xúc xích được thực hiện tại công đoạn đóng gói bao bì. Ở công đoạn này, xúc xích được in thủ công từng cây. Việc này phải cần 5 người vì 3 nhân công thực hiện công việc trên máy và 2 nhân công phục vụ (xếp và vận chuyển xúc xích) với 3 máy băng chuyền in. Như thế không những làm mất thời gian mà mực in date có thể bị in lên những vị trí đã được in màu trên bao bì xúc xích, gây ra hiện tượng nhòe và không đọc rõ date, dẫn đến có khi phải hủy bỏ những lô hàng chẳng may bị lỗi như thế.

Sáng kiến của anh Lê Hồ Minh Bằng đã mang lại nguồn lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Sáng kiến của anh Lê Hồ Minh Bằng đã mang lại nguồn lợi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh TNO

Bằng đã có sáng kiến đề xuất áp dụng in date trên cây tự động tại máy Zap (máy nhồi vô bao xúc xích). Theo đó, máy in date được gắn trực tiếp vào máy Zap, sau khi xúc xích được nhồi vào bao sẽ tự động được in trực tiếp tại công đoạn này. Theo tính toán của Bằng, với sáng kiến này đã làm lợi hơn 300 triệu đồng/năm.

Sáng kiến “Cải tiến phương pháp vận chuyển cột điện”

Sáng kiến “Cải tiến phương pháp vận chuyển cột điện bằng phương pháp dùng động cơ máy nổ gắn với tời để kéo” của anh Trần Ngọc Dũng, 31 tuổi, công nhân xây lắp điện bậc 5/7 của Công ty cổ phần xây lắp điện Tuy Phước đã tiết kiệm cho Công ty hàng trăm triệu đồng.

Là người trực tiếp tham gia thi công các công trình điện, anh thường xuyên được Công ty phân công làm việc tại các công trình điện ở các nơi hẻo lánh, điều kiện thi công khó khăn, phương tiện thiết bị làm việc cũng như điều kiện công tác và sinh hoạt còn thiếu thốn nhiều bề, như các công trình đường dây 110KV Thủy điện Trà Xom (Bình Định), đường dây 110KV La Hiêng (tỉnh Phú Yên) hay như công trình điện 22KV ở nước bạn Lào.

Trước những khó khăn đó, anh Dũng đã tìm tòi, nghiên cứu đưa ra các sáng kiến cải tiến cách làm nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, tiết kiệm vật tư, giảm thiểu chi phí nhân công, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Dũng tâm sự: “Những sáng kiến kinh nghiệm đó xuất phát từ yêu cầu thực tế công việc, và từ việc tôi thấy mình phải có trách nhiệm với Công ty”.

Công nhân Trần Ngọc Dũng đang thi công công trình điện ở huyện Vân Canh

Công nhân Trần Ngọc Dũng đang thi công công trình điện ở huyện Vân Canh. Ảnh Bình Định Online

Điển hình năm 2013, Công ty cổ phần xây lắp điện Tuy Phước trúng thầu thi công công trình cấp điện cho 5 xã vùng cao thuộc TX Sông Cầu (Phú Yên). Do địa hình thi công là núi cao nên vận chuyển cột điện đến công trình rất khó khăn, không thể dùng tời dây và kéo bằng tay theo cách thông thường vì rất nguy hiểm và tốn kém.

Trước tình hình trên, anh Dũng và các đồng nghiệp nghiên cứu dùng động cơ máy nổ có gắn tời để kéo cột điện đưa lên. Việc này không chỉ tiết kiệm được cho công ty 200 triệu đồng mà còn cải thiện điều kiện làm việc, rút ngắn thời gian thi công công trình. Hiện sáng kiến này của anh đã được Công ty áp dụng rộng rãi cho hầu hết các công trình ở địa hình phức tạp, góp phần đảm bảo năng suất thi công và chất lượng công trình xây dựng.

 

Vân Anh (T/h)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang