Nước mía vỉa hè ‘đắt hàng như tôm tươi’, chất lượng 'thả lỏng'?

authorHòa Lê 19:19 19/06/2018

(VietQ.vn) - Những ngày nắng nóng, trung bình mỗi hàng nước mía vỉa hè bán được khoảng 200 – 250 cốc nước mía tiền lãi lên đến 2 triệu đồng/ngày, thậm chí nhiều hơn.

Nước mía vỉa hè “đắt hàng như tôm tươi”

Những ngày nắng nóng, nước mía vỉa hè được xem là món đồ uống giải nhiệt hữu hiệu nhất. Khảo sát trên các tuyến đường chính tại Hà Nội như Trường Chinh, Đường Láng, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy, Mỹ Đình,... hàng trăm quán nước mía “mọc lên như nấm”.

Tại khu vực chợ Phùng Khoang, nơi tập trung nhiều sinh viên cứ vài mét lại xuất hiện một hàng nước mía với giá bán khá rẻ dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/cốc.

Anh Sơn – chủ một quán nước mía tại đây cho biết: “Tôi chuyên sửa chữa điện thoại, máy tính nhưng năm nào cũng vậy cứ dịp hè là tranh thủ bán thêm nước mía, cửa hàng thì giao cho nhân viên làm. Việc bán nước mía thu lời khá cao song chỉ có tính thời vụ, không thể kinh doanh lâu dài nên tôi chỉ tranh thủ bán vào mấy tháng hè”.

“Những ngày nắng nóng như thế này thì bán được khoảng 200 cốc, còn trung bình mỗi ngày đều đều cũng 100 – 120 cốc. Vào khoảng cuối giờ chiều là đông khách nhất, tôi phải huy động cả vợ và con ra cạo mía mới đủ phục vụ khách”, anh Sơn cho biết thêm.

Nước mía bẩn

 Một quán nước mía siêu sạch vỉa hè trên phố Thiên Hiền, Mỹ Đình

Còn tại cổng Công viên Nghĩa Đô, chỉ vài mét mà có đến 4 quán nước mía. Những quán này khách lúc nào cũng đông, nhất là vào buổi chiều và tối, khách ngồi tràn cả ra đường.

Trao đổi với PV, bà Mai chủ quán nước mía tại đây cho biết, vào những ngày nắng nóng quán của bà không đủ nước mía để phục vụ khách. Nhất là vào khung giờ cao điểm từ 4h chiều đến 6h tối và từ 8h tối đến 11h đêm, khách uống rất nhiều, trung bình từ khoảng 50 – 100 lượt khách. Không phục vụ xuể bà phải thuê thêm sinh viên phụ cùng vào những khung giờ này.

Không chỉ đắt khách ở các quán vỉa hè mà trên các diễn đàn bán hàng online, nước mía cũng hút người mua, Vân Phạm (một tài khoản bán nước mía trên mạng xã hội facebook) cho biết, thời tiết nắng nóng nhiều người ngại ra đường nên gọi giao hàng tận nơi khá nhiều, trung bình mỗi ngày chị giao hàng khoảng 80 – 100 đơn hàng (rơi vào khoảng 200 – 300 cốc nước mía mỗi ngày).

Vo gạo trực tiếp bằng ruột nồi cơm điện – sai lầm nhiều người mắc phải mà không hay(VietQ.vn) - Để tăng tính tiện dụng, nhiều người dùng có thói quen vo gạo trực tiếp trong lòng nồi cơm điện và tin rằng đây là hành động vô hại.

Chất lượng có thực sự an toàn?

Dù tất cả các cửa hàng nước mía hiện nay đều có gắn biển “siêu sạch” nhưng nhìn vào quy trình chế biến những ly nước mía tại đây, những người chứng kiến đều có chung một nhận định rằng, khó có thể nói là vệ sinh được.

Nhiều máy ép, xay nước mía không có che chắn, bã mía vương vãi khắc nơi, gần đó là những đống mía đã bào vứt vương vãi trên vỉa hè, ruồi nhặng đậu, bu quanh. Còn người xay nước mía, sau khi đã cho cây mía vào máy ép, nhúng tay vào chậu nước đục ngầu rửa qua loa tay, chùi vội vào chiếc quần hay áo mặc trên người, rồi lại dùng tay bốc đá, cho vào ly, và đổ nước mía ra ly và mang ra cho khách.

Ly sau khi khách uống, được chủ mang vào một chậu nước đen ngòm, tráng sơ qua, và những chậu nước này thông thường được chủ các hàng nước mía dùng từ sáng cho đến tối.

Trước đó, trong phân tích của các cơ quan có chuyên môn của TP.HCM, được lấy từ 5 mẫu nước mía tại 5 quận nội thành ở TP, kết quả cho thấy, dù không có vi khuẩn E.Coli, nhưng chứa rất nhiều vi khuẩn Coliforms, vi sinh vật hiếu khí, nấm men, nấm mốc.

Nước mía bẩn

Bã mía vương vãi khắc nơi, ruồi nhặng đậu, bu quanh

BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chi Cục phó Chi Cục ATVSTP TP.HCM cho biết, mía cây là loại thức uống dễ phát sinh vi khuẩn nhất, nếu người bán để ngoài trời nắng, hay để ở những nơi không đảm bảo vệ sinh, ẩm thấp.

Ngoài ra, cũng cần phải kể đến trường hợp người bán sử dụng một số vật dụng chế biến cáu bẩn, nhiễm vi sinh, cũng có thể làm cho loại nước giải khát này nhiễm khuẩn, gây hại cho sức khỏe của người dùng.

Chưa kể nhiều quán sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa dùng một lần để đựng nước mía cho khách, sau khi khách uống xong lại tráng qua và tái sử dụng tiếp.

Nói về việc tái sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, nếu là những loại chai nhựa dùng vài ba lần để uống nước lọc cũng không vấn đề gì cả. Nhưng nếu đó là chai đựng dầu, sữa… nói chung là loại chai nhựa chứa chất béo thì sẽ có khả năng hòa tan vào nước những chất khác, chất nhựa có cơ hội thôi nhiễm ra, gây ảnh hưởng sức khỏe con người.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang