Phân bón hữu cơ góp phần phát triển nông nghiệp sạch, an toàn

author 09:06 20/01/2018

(VietQ.vn) - Trước nhu cầu của thực tiễn về một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thân thiện môi trường, xu hướng sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đã tăng lên.

Việt Nam có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên để chế biến phân bón và thuốc trừ sâu sinh học, đồng thời nông dân cũng đã có nhiều kinh nghiệm sử dụng các tài nguyên bản địa để trồng trọt và chăn nuôi. Vì vậy Việt Nam có đủ điều kiện để chuyển đổi dần nền nông nghiệp hóa học sang nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Phế thải nông nghiệp, cây phân xanh là nguồn hữu cơ rất lớn, có thể tận dụng để sản xuất phân bón, nhưng chưa được sử dụng hợp lý, thông thường lượng phế thải này bị đốt sau thu hoạch vừa lãng phí nguồn hữu cơ, vừa gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, ngành trồng trọt mỗi năm loại ra 40 triệu tấn rơm rạ, bã ngô, mía; ngành chăn nuôi loại ra 80 triệu tấn chất thải…Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm có 23 triệu tấn rơm rạ, 4,7 tấn trấu, 2,3 triệu tấn cám. Từ những nguồn này, mỗi năm có thể sản xuất từ 5 đến 6 triệu tấn phân hữu cơ theo mô hình hộ nông dân.

Muốn phát triển nông nghiệp hữu cơ phải có phân bón hữu cơ

Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phân bón Việt Nam khẳng định, không có phân bón hữu cơ thì không thể phát triển được nông nghiệp hữu sơ. Theo ông Thúy, nông nghiệp hữu cơ có lợi là không gây ô nhiễm môi trường, không chai sạn đất, không gây mất chuyển đổi lý hóa của đất, tăng lượng mùn, vi sinh vật, cây trồng tốt hơn và sản phẩm nông nghiệp ngon hơn.

Xu thế chung hiện nay trong sản xuất nông nghiệp thế giới là tăng tỉ lệ phân hữu cơ sử dụng cho cây trồng, xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ. Vì vậy, nhiều nước đã chuyển mạnh sang công nghệ sản xuất phân hữu cơ, có nước đã đạt đến tỷ lệ 40% như Nhật Bản, Australia.

Tại Việt Nam, công nghệ sản xuất phân hữu cơ hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào phương thức lên men truyền thống, tức là ủ conmpost sử dụng vi sinh vật phân giải chất hữu cơ và nhóm vi sinh vật có ích đối kháng với nhóm vi sinh vật gây bệnh. Sản phẩm hoai mục sau ủ truyền thống có thể hạn chế một phần vi sinh vật gây bệnh.

Trước nhu cầu của thực tiễn về một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thân thiện môi trường, số doanh nghiệp chuyển hướng sang sản xuất phân hữu cơ đã tăng lên. Nhiều công ty lớn và các địa phương, mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh chức năng từ chế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng được nông dân hưởng ứng tích cực.

Tiêu biểu, một loạt “ông lớn” như Đạm Phú Mỹ, Con Cò Vàng, Bình Điền... đã tiến hành nghiên cứu, sản xuất các loại phân bón hữu cơ từ nguồn than bùn nguyên liệu hoặc đẩy mạnh phân phối các sản phẩm phân bón hữu cơ ngoại nhập. Chẳng hạn, Công ty TNHH Con Cò Vàng đã và đang phát triển nhiều loại phân bón hữu cơ có nguốn gốc vi sinh, phân hữu cơ khoáng và rất nhiều phân bón hữu cơ có nguồn gốc thiên nhiên...

Đặc biệt, tại nhiều tỉnh thành phía Nam, thời gian gần đây có khá nhiều doanh nghiệp triển khai xây nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ với quy mô từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn tấn. Điển hình như cuối tháng 10/2017 tại xã Đồng Tiến (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), Công ty TNHH Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh Tân Đồng Tiến tổ chức lễ khánh thành nhà máy sản xuất với tổng kinh phí đầu tư hơn 17 tỷ đồng. Dự kiến, nhà máy sẽ sản xuất với công suất 10.000 tấn phân bón/năm.

Trước đó, tại Đồng Tháp, Công ty CP Sản xuất Thương mại xuất nhập khẩu Gạo Việt cũng triển khai dự án nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh với tổng vốn đầu tư dự án gần 150 tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào xây dựng từ quý I.2018 đến quý III.2018.

Hiện nay, theo số liệu từ ngành nông nghiệp, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 10 triệu tấn phân vô cơ, nhưng trong đó số lượng phân hữu cơ chỉ chiếm khoảng 10%, với 1 triệu tấn. Nhằm chuyển từ nền nông nghiệp phụ thuộc vào hóa chất sang nền nông nghiệp hữu cơ, Chính phủ đã yêu cầu ngành nông nghiệp có giải pháp để thực hiện chủ trương tăng mức sử dụng phân hữu cơ lên 3 triệu tấn/năm vào năm 2020 và 5 triệu tấn/năm vào năm 2025. Đây là một thách thức lớn với ngành nông nghiệp, nhất là khi các công nghệ sản xuất phân hữu cơ đang có nhiều điểm nghẽn.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay chúng ta đang có 150 nhà máy sản xuất phâm bón hữu cơ, Cục sẽ đảm bảo ra soát làm sao để các nhà máy này sản xuất đưa ra phân bón thật sự chất lượng, phục vụ sản xuất. Cấp các giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất cho các nhà máy phân bón hữu cơ mới, các sản phẩm mới mà chúng ta có thể lấy từ các nghiên cứu trong và ngoài nước hoặc thế giới đã dùng và có hiệu quả và khuyến kích đưa các sản phẩm này vào trong nước nhanh chóng.

Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ, nông sản phẩm nhãn hiệu Việt Nam đã có mặt khắp thế giới. Yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của người tiêu dùng cả trong và ngoài nước ngày càng khắt khe, thì phát triển nông nghiệp sạch - an toàn đang là yêu cầu bức thiết, trong đó có vai trò rất quan trọng của phân bón sạch.

Lê Huy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang