Dẹp nạn phân bón giả: Chậm kết quả kiểm nghiệm dẫn đến khó xử lý

author 08:03 19/12/2017

(VietQ.vn) - Việc kết quả kiểm nghiệm đưa ra chậm là một trong những nguyên nhân khiến việc xử lý tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả gặp nhiều khó khăn.

Sản xuất, kinh doanh phân bón giả diễn biến phức tạp

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, tình trạng sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng vẫn đang diễn ra phức tạp với phương thức, thủ đoạn của các đối tượng vi phạm rất tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp.

Các đối tượng vi phạm thường tổ chức sản xuất, san chiết, đóng gói, dán nhãn mác phân bón tại các địa điểm vùng sâu, vùng xa, nơi hẻo lánh hoặc bên cạnh các khu công nghiệp, xa dân cư, khó kiểm soát và liên tục thay đổi địa điểm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Ngoài ra, đối tượng vi phạm thường hạ phẩm cấp, giảm chất lượng bằng cách pha trộn thêm gạch non, bột đá, đất sét, xỉ than, cát, muối và phẩm mầu nghiền nhỏ.

Đồng thời, đặt tên phân bón không rõ ràng về thành phần gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu uy tín, công bố công nghệ với thông tin không đầy đủ, gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng; đăng ký tên nhiều loại phân bón khác nhau khi bị người tiêu dùng phát hiện loại phân kém chất lượng. Nếu các cơ quan chức năng tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý thì các đối tượng này sẽ thay bằng loại khác, mang tên khác, có khi mỗi vụ sản xuất một loại.

Có đối tượng sản xuất thuê nhà để đăng ký thành lập doanh nghiệp, xin thủ tục cấp phép sản xuất, công bố chất lượng, nhưng thực tế không có cơ sở sản xuất; đặt in bao bì là địa chỉ văn phòng, thuê cơ sở khác để sản xuất phân bón giả, không bảo đảm chất lượng. Khi kiểm tra lấy mẫu gửi thử nghiệm phát hiện có vi phạm thì đối tượng bỏ trốn khỏi nơi đăng ký kinh doanh, gây khó khăn cho việc đấu tranh, ngăn chặn, xử phạt.

Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả đang diễn ra hết sức phức tạp. Ảnh: báo Vĩnh Phúc 

Có trường hợp các đối tượng vi phạm đóng bao giả nhãn hiệu, bao bì của các cơ sở sản xuất có uy tín, được ưa chuộng; sản xuất một nơi nhưng xuất hóa đơn một nẻo; trộn hàng giả với hàng thật, hàng không bảo đảm chất lượng với hàng bảo đảm chất lượng, áp dụng hình thức khuyến mãi hấp dẫn, bán trả tiền sau cho các cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng nông thôn.

Lợi dụng lòng tin, nhận thức của nông dân còn hạn chế, một số đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón còn tổ chức hội nghị giới thiệu và khẳng định phân bón bảo đảm chất lượng. Hơn nữa, trên bao bì sản phẩm, hàng hóa, các đối tượng vi phạm thường không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng; không có thông tin cảnh báo an toàn và hướng dẫn sử dụng, bảo quản.

Trước tình hình đó, BCĐ 389 các địa phương đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trái phép phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và chất cấm dùng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý việc nhập lậu, vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu; công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm tại các địa phương.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Nhà nước cần đưa ra các chế tài đủ mạnh để điều chỉnh, xử lý nhằm đẩy lùi nạn phân bón giả, kém chất lượng. Tăng cường tuyên truyền đến các tổ chức kinh doanh không sản xuất phân bón giả; các tổ chức, cá nhân hợp tác với cơ quan chức năng tố giác tội phạm không để cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

Chậm kết quả kiểm nghiệm dẫn đến khó xử lý

Hiện nay, quản lý về chất lượng phân bón, còn được điều chỉnh bởi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21/11/2007 và Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Theo nội dung các văn bản quy phạm pháp luật quản lý về chất lượng phân bón trên thì trong quá trình kiểm tra chất lượng, cơ quan thanh tra, kiểm tra phải tiến hành lấy mẫu phân bón, để thử nghiệm tại các trung tâm được phép thử nghiệm theo quy định của pháp luật.

Sau khi có kết quả thử nghiệm, nếu là phân bón giả, phân bón không đúng chất lượng theo tiêu chuẩn công bố áp dụng thì cơ quan thanh tra, kiểm tra mới ra thông báo đến các cơ sở kinh doanh về kết quả thử nghiệm, đồng thời ra thông báo tạm dừng lưu thông và tiến hành niêm phong hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh.

Từ đây, theo các lực lượng chức năng một số địa phương đã xảy ra một số khó khăn. Thực tế là trong thời gian chờ kết quả thử nghiệm để xác định chất lượng phân bón, thì các cơ sở kinh doanh vẫn được quyền bán các lô hàng hóa được lấy mẫu để thử nghiệm. Do đó, khi có kết quả thử nghiệm nếu có phát hiện phân bón giả, kém chất lượng thì hàng hóa đó đã được bán cho người nông dân, vì vậy thiệt hại cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp là không thể tránh khỏi.

Quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN, nếu đại diện lô hàng lấy mẫu không thống nhất với kết quả thử nghiệm lần 1 thì được yêu cầu thử nghiệm lần 2 đối với mẫu lưu, điều này rất mất thời gian và gần như thử nghiệm lại lần 2 khả năng đạt rất cao.

Nhất là ở các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên hiện  không có trung tâm nào được chỉ định thử nghiệm phân bón theo quy định của pháp luật. Bởi vậy việc gởi đi các trung tâm tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh rất mất thời gian. Nhiều khi cả tháng mới nhận được kết quả.

Việc lấy mẫu phân bón công chức phải được học và có chứng chỉ thực hiện, tuy nhiên lực lượng Quản lý thị trường có được chứng chỉ này là rất hạn chế. Trình độ dân trí ở một số nơi còn hạn chế, vì lợi nhuận do đó bất chấp các quy định của pháp luật để nhằm mục đích sinh lợi.

Phong Lâm

Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón giả(VietQ.vn) - Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vừa đưa ra kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang