‘Quét’ hàng giả, hàng kém chất lượng: Cuộc chiến còn gian nan

author 08:37 11/11/2018

(VietQ.vn) - Hàng nghìn sản phẩm được làm giả tinh vi như đồng hồ, mỹ phẩm, thuốc lá, đồ điện tử… vẫn âm thầm chễm chệ trên các kệ hàng khiến cho cuộc chiến chống hàng giả ngày càng gian nan.

Hàng kém chất lượng, giả xuất xứ “đổ bộ” dịp cuối năm

Chỉ trong tuần qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã kiểm tra và phát hiện 4 vụ buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu trên các tuyến đường thuộc địa bàn quận 2, 3 và huyện Bình Chánh, Củ Chi; tạm giữ 1.241 bao thuốc lá điếu nhập lậu.

Kiểm tra 35 vụ nhập lậu, lực lượng chức năng tạm giữ 1.003kg thực phẩm các loại; 1.367 đôi giày, dép, vớ các loại; 124.044 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm, thuốc tân dược, vải, phụ tùng ô tô, thiết bị điện, đồng hồ đeo tay, túi xách, ví, loa di động, máy tính xách tay...

Hàng trăm chiếc đồng hồ mang các thương hiệu nổi tiếng có dấu hiệu giả được phát hiện tại TP.HCM. 

Đáng lưu ý, 41 vụ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, tạm giữ 908 cái quần áo, ba lô, ví, đồng hồ đeo tay, mắt kính, lọc nhớt các nhãn hiệu Fendi, Chanel, Cartier, Burberry, Rolex, Longchamp, Ford.., 2.284 chai sữa dưỡng thể hiệu Anniya do Thái Lan sản xuất, dầu mè hiệu Nakydaco, vỏ chai Nakydaco và 94 đôi, sợi, bộ quần áo, giày dép, vớ, dây thắt lưng giả LV, Hermes, Chanel.

Đặc biệt, lực lượng QLTT còn tạm giữ 1.667 đơn vị sản phẩm thực phẩm các loại là hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, có 84 chai dầu mè hiệu Nakydaco, 95.725 viên và 331 đơn vị sản phẩm thực phẩm chức năng, thuốc tân dược các loại.

Ngày 8/11, Đội QLTT số 29 trực thuộc Cục QLTT TP.HCM tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh đồng hồ tại số 149/25 Lê Thị Riêng (Q.1, TP.HCM). Tại thời điểm kiểm tra, Đội QLTT số 29 ghi nhận cửa hàng đang kinh doanh nhiều chủng loại đồng hồ đeo tay mang nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới, như: Hublot, Rolex, Versace, Rado... nhưng phần lớn đồng hồ bày bán tại cửa hàng có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc; trong đó chỉ một số sản phẩm có hoá đơn chứng từ.

Cùng ngày, Đội QLTT số 29 cũng tiến hành kiểm tra công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ Nam Đăng (số 5 Nguyễn Đình Chiểu, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM). Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện đơn vị này kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu – là mặt hàng cấm kinh doanh. Tang vật tạm giữ gồm: hơn 400 bao thuốc lá hiệu Marlboro (xuất xứ Nhật), Heets (Ý, Nga, Nhật), Fiit (Hàn Quốc); thuốc lá điếu hút bằng tẩu điện tử, loại 20 điếu/bao…

Trước đó, đội QLTT số 12 (Cục QLTT TP.HCM) phối hợp cùng lực lượng chuyên trách kiểm tra địa chỉ trên đường TL19, khu phố 3, phường Thạnh Lộc (Q.12, TP.HCM), phát hiện tại đây chứa số lượng lớn mỹ phẩm ghi “Made in Thailand” nhưng khi quét mã QR bằng điện thoại trên vài chai mỹ phẩm thì không thấy thể hiện thông tin sản phẩm.

Cần sự chung tay của người tiêu dùng và doanh nghiệp

Thực tế hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất trong nước mà còn sản xuất ở nước ngoài rồi đưa vào Việt Nam qua các cửa khẩu, bằng nhiều hình thức. Trên thị trường cứ mặt hàng nào tiêu thụ mạnh, được ưa chuộng là ngay lập tức có hàng giả, hàng nhái. 

Đồng hồ là mặt hàng bị làm giả, làm nhái chiếm tỷ lệ cao nhất. 

Hàng giả, hàng nhái công khai hoành hành đến mức, các đối tượng sản xuất ra mặt hàng này không dán nhãn mác sẵn, khi người mua có nhu cầu mua hàng của thương hiệu nào thì dán ngay nhãn của thương hiệu đó.

Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chia sẻ: “Hình thức thứ nhất là làm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Hình thức thứ hai là gian lận thương mại làm hàng kém chất lượng hoặc ghi nhãn hàng hóa mập mờ thương hiệu để người tiêu dùng nhầm lẫn, không nhận biết được. Các đối tượng tập trung chính vào gian lận thương mại, làm hàng kém chất lượng vì trong quy định của chúng ta chỉ xử lý hành chính”.

Từ năm 2017 đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước phát hiện hơn 34.700 vụ vi phạm, xử phạt trên 121 tỷ đồng. Trong đó, vi phạm chủ yếu về nhãn mác hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, quyền sở hữu trí tuệ… Tuy nhiên, con số này được đánh giá là chưa phản ánh hết thực tế bởi hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tràn lan và ở mọi lĩnh vực, số vụ vi phạm lớn hơn nhiều. Công tác phòng chống còn khó khăn do nhiều nguyên nhân. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị còn lơ là trong công tác này, chưa quyết liệt thực hiện các quy định, giải pháp đã có. Đồng thời, có một thực trạng là hàng giả, hàng nhái được chính người tiêu dùng và doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả bỏ qua, coi như không biết.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết: “Thực tế có đến 90% dân số biết là hàng giả nhưng vẫn dùng, nhiều doanh nghiệp biết mình bị vi phạm sở hữu trí tuệ nhưng không dám đấu tranh vì sợ ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của mình. Văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành nhiều, quản lý thị trường một năm xử lý hàng chục ngàn vụ nhưng hàng giả vẫn tràn lan. Công tác chống hàng giả ngày càng khó khăn, ngay từ nhận diện, phát hiện ra đối tượng để xử phạt đã khó khăn”.

Từ thực tế đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiến nghị Chính phủ có thêm những quy định cần thiết, tăng chế tài xử phạt, sửa đổi hợp lý một số yêu cầu đối với lực lượng chức năng. Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ kiến nghị tăng xử lý hình sự với xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, dù luật đã có từ năm 2005 nhưng còn ít vụ được đem ra xử. Đồng thời kiến nghị xét xử sở hữu trí tuệ cần được chuyên nghiệp hóa ở một số tòa, một số thẩm phán. Nhưng quan trọng và cần thiết hơn cả là sự vào cuộc của doanh nghiệp, người tiêu dùng để làm sao cho người tiêu dùng, doanh nghiệp mạnh dạn tố cáo các vi phạm để ngăn chặn, xử lý.

Cuộc chiến chống hàng giả: Thắng thua là ở thế 'kiềng 3 chân'(VietQ.vn) - Tình trạng vi phạm hàng giả, xâm phạm quyền SHTT đang gây bức xúc và tác động tiêu cực tới đời sống người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

 Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang