Thủ tướng: Huế là ‘một Kyoto của Việt Nam’, phải tận dụng 'vẻ đẹp chẳng nơi nào có được'

authorHuyền Bùi 06:32 03/01/2018

(VietQ.vn) - Trong buổi thăm và làm việc tại Thừa Thiên - Huế (2/1), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định Huế là vùng đất văn hóa lịch sử, cần tận dụng tiềm năng hiếm có để phát triển du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, phải giữ được một đất Huế "cổ kính".

Chiều 2/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành.

Tại đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và đề ra định hướng năm 2018.

Năm 2018, tỉnh tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, coi đây là một trong những mũi đột phá chiến lược, với mục tiêu đóng góp 25-30% trong tổng thu ngân sách Nhà nước.

Tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm là giải tỏa di dời dân ở khu vực Đại Nội, tăng cường xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ trùng tu Kinh thành Huế và khai thác cảnh quan thiên nhiên hai bờ sông Hương. Quy hoạch phát triển và khai thác có hiệu quả Vườn quốc gia Bạch Mã phục vụ du lịch để kết nối với Bà Nà - Vịnh Lăng Cô - phố cổ Hội An tạo thành trung tâm du lịch đẳng cấp thế giới.

thu-tuong-hue-la-mot-kyoto-cua-viet-nam-phai-tan-dung-ve-dep-chang-noi-nao-co-duoc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc tại Thừa Thiên - Huế. Ảnh: VGP Quang Hiếu

Tuy nhiên, theo ý kiến một số thành viên đoàn công tác Chính phủ, lối đi của tỉnh bị đặt vào "thế khó". Được biết, Thừa Thiên - Huế là vùng đất  có nhiều di sản, trong đó có 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận.

Trong khi đó, để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế, cần phải thu hút các dự án công nghiệp, song nếu tập trung phát triển công nghiệp sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống và di sản, cản trở tiến trình tăng trưởng xanh và bền vững.

Du lịch cần xác định là lợi thế chuyên biệt, lâu dài để dồn hết sức phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh cần có các sản phẩm du lịch đặc thù để níu chân du khách, vì tỷ lệ khách lưu trú hiện nay còn ở mức thấp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tỉnh có thế mạnh rất lớn về kết cấu hạ tầng, có thể phát triển du lịch, dịch vụ mạnh hơn. Đặc biệt, Huế có tiềm lực ít có nơi nào sánh được. Đó là vùng đất của văn hóa lịch sử Việt Nam, là "một Kyoto của Việt Nam". Huế nằm trong vùng dày đặc di sản văn hóa và nhiều di sản thiên nhiên như: Hội An, Đà Nẵng, Phong Nha, Sơn Đoòng, Mỹ Sơn… và bản thân Huế cũng là một thành phố di sản với quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, thắng cảnh kỳ vĩ ít nơi nào sánh kịp như vịnh Lăng Cô, Bạch Mã.

Thủ tướng nêu 5 giải pháp thúc đẩy nâng cao năng suất phát triển bền vững cho nền kinh tế Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nâng cao năng suất đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam và đưa ra 5 giải pháp để thực hiện.

Vì vậy, với đặc điểm như thế, phát triển Huế phải khác với mô hình của thành phố sôi động như TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, mà nên tận dụng thế mạnh là văn hóa lịch sử, vẻ đẹp bình an, lãng mạn “để mà tìm thấy “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào được” (lời bài hát “Huế tình yêu của tôi”) là cái gì?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Thừa Thiên-Huế cần có quy hoạch tốt và quản lý tốt quy hoạch để giữ được đất Huế cổ kính và hai bờ sông Hương được bảo tồn. Huế được hiện đại hóa nhưng hài hòa trong tổng thể. Khai thác lợi thế so sánh của các ngành nhưng không mâu thuẫn, cản trở lẫn nhau, nhất là kinh tế biển, công nghiệp chế biến không được ảnh hưởng đến môi trường, du lịch.

Hướng đột phá của Huế vẫn phải là du lịch, dịch vụ và các liên kết kinh tế. Cần một hệ sinh thái các ngành nghề hỗ trợ du lịch và làm bài bản, chuyên nghiệp có chiều sâu, làm sao để du khách đến Huế lưu lại dài ngày hơn.

Tỉnh cần phát triển các loại hình doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình, kinh tế hợp tác, hợp tác xã, đặc biệt các làng nghề truyền thống. Cần áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào phát triển du lịch và quản lý di tích.

Điều tỉnh cần tập trung làm là quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt chú ý những chỉ số xếp hạng còn thấp như tính năng động của chính quyền. Cần sự liên kết chặt chẽ giữa Đại học Huế với chính quyền các cấp và doanh nghiệp ở địa phương để phối hợp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, xây dựng chính sách, thực hiện quy hoạch. Phát huy vai trò của Đại học Huế như một cực tăng trưởng đối với địa phương.

Huế phải đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là từ tư nhân, để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội. Muốn làm được điều đó thì cần tỉnh cần có cơ chế chính sách thông thoáng, nhất quán, hấp dẫn. “Một tinh thần là phải làm mạnh mẽ nhưng chặt chẽ, dám nghĩ dám làm để phát triển”, Thủ tướng nêu rõ.

Tỉnh cần chú trọng bảo vệ môi trường hơn nữa, cả môi trường sinh thái, môi trường văn hóa, môi trường sống an ninh, an toàn để ngày càng nhiều người giỏi, người giàu, nhiều nhà đầu tư mang gia đình đến sống ở cố đô.

Thủ tướng nhấn mạnh, là thành phố du lịch, Huế phải luôn sạch sẽ, ngăn nắp, trật tự. Đi liền với vấn đề môi trường là việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể, để các di sản phong phú độc đáo mãi mãi cùng thời gian.

Trần Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang