Thương lái ‘khóc ròng’ vì máy từ chối quét vòng truy xuất nguồn gốc

author 16:19 13/11/2017

(VietQ.vn) - Nhiều thương lái ở Đồng Nai mua heo ngay tại các công ty chăn nuôi lớn đã được gắn vòng truy xuất tại chỗ, thế nhưng lên đến lò thì máy quét không quét được vòng truy xuất nguồn gốc.

Máy ‘từ chối’quét vòng truy xuất

Những ngày gần đây, nhiều thương lái heo ở Đồng Nai phản ánh lên Sở NN-PTNT tỉnh này những bức xúc của các thương lái cũng như người chăn nuôi khi đưa heo vào thị trường TP.HCM tiêu thụ.

 Truy xuất nguồn gốc thịt heo là chủ trương đúng nhằm minh bạch thông tin hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Mặc dù, các thương lái Đồng Nai mua heo ngay tại các công ty chăn nuôi lớn và được gắn vòng tại chỗ, thế nhưng lên đến lò thì máy quét không quét được vòng truy xuất nguồn gốc. Tại các lò mổ buộc, thương lái phải mua lại vòng lần hai, khiến số tiền mua vòng 2 lần hết 6.000 đồng/con.

Mỗi lần làm lại thủ tục đeo vòng rất lâu, làm giảm thời gian giết mổ và giao hàng chậm trễ khiến bạn hàng ép giá từ 35.000 đồng/kg heo đến khi đưa ra chợ muộn còn 20.000 đồng/kg gây thiệt hại cho các thương lái.

Nhiều thương lái Đồng Nai cho biết, từ khi TP.HCM ra quyết định đeo vòng truy xuất nguồn gốc, các thương lái đã gặp rất nhiều khó khăn và tình trạng mua vòng ở trang trại rồi xuống TP.HCM thì máy không quét được đã xảy ra rất nhiều lần. Thương lái đã điện lên Sở Công thương, các Chi cục Thú y 2 địa phương nhưng vẫn chưa khắc phục.

Nguyên nhân do đâu?

Theo bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và Phát triển, tình trạng tem truy xuất nguồn gốc không quét được thông tin có thể là do người sản xuất tự thiết kế con tem và chỉ đọc được riêng con tem của họ mà không phải là tem theo một tiêu chuẩn chung.

"Cần phải có 1 bộ tiêu chuẩn chung cho con tem truy xuất đủ độ tin cậy và phải chịu sự quản lý chung của nhà nước, chứ như hiện nay mạnh ai nấy làm, gắn tem hay vòng truy xuất vô tội vạ thì rất dễ dẫn đến tình trạng lộn xộn, khó quản lý", bà Lý nói.

Vòng truy xuất nguồn gốc đưa vào máy quét không đọc được thông tin ở Đồng Nai  

Còn theo bà Phan Hồng Nga – Trưởng Văn phòng mã số mã vạch Việt Nam – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, có rất nhiều lý do tem truy xuất không quét được: tem chưa được kích hoạt (chưa đưa thông tin vào tem), tem bị nhòe, hư hỏng một phần hay toàn bộ trong quá trình vận chuyển (chất liệu in, ngấm nước, lợn nhai...), mã trên tem có dễ quét và quét nhanh không.

“Giải pháp có thể giải quyết được vấn đề này là thương lái cần kiểm tra tem ngay tại trại chăn nuôi để đảm bảo không phải mua vòng lần 2 và nên lựa chọn chất liệu phù hợp không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố trên, đảm bảo đưa thông tin: Trại nuôi, lô nuôi, thời gian, đơn vị thu mua, đơn vị giết mổ... vào tem ngay tại trang trại”, bà Nga nói.

Theo ông Trần Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thì sắp tới Hiệp hội cùng Sở Công Thương, Sở NN-PTNT của 2 địa phương sẽ tổ chức lại khâu truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi, nhất là khâu quản lý kích hoạt và đeo vòng truy xuất trên heo, để không còn tình trạng lộn xộn như hiện nay. Hiện doanh nghiệp, người dân đều có thể mua và đeo vòng mà không đúng quy trình, quy định dẫn đến việc truy xuất gặp khó khi đưa vào lò giết mổ, gây thiệt hại cho chính DN và các thương lái...

Chia sẻ về quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho biết, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa với một vài sản phẩm thiết yếu như thịt lợn, gà trứng ở tp HCM đã triển khai nhiều tháng nay song vẫn còn nhiều trục trặc.

“Cần phải nhìn nhận rằng, việc truy xuất nguồn gốc là điều kiện cần chứ chưa đủ, điều quan trọng là phải tổ chức sản xuất sạch và lớn hơn, tổ chức tiêu thụ theo chuỗi, sản xuất phân phối khép kín có kiểm soát từng khâu công tác và trách nhiệm cá nhân, bộ phần chịu trách nhiệm các khâu công tác đó”, ông Phú nói.

Theo chuyên gia này, con heo cứ được đeo vòng truy xuất là con heo sạch là hoàn toàn không phải, vòng truy xuất phải được nhìn nhận cả một quá trình từ con giống đến bàn ăn.

Thúc đẩy ứng dụng mã số mã vạch GS1 truy xuất nguồn gốc sản phẩm(VietQ.vn) - Việc áp dụng các tiêu chuẩn GS1 ngày càng trở nên quan trọng nhất là trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang