Những tin tức mới nhất về tình hình Ukraine ngày 19/6/2015

author 06:39 19/06/2015

(VietQ.vn) - Tình hình Ukraine mới nhất đề cập đến 'Kiev tố binh sĩ Nga vẫn ở trong lãnh thổ Ukraine'; 'Ukraine đang đứng trước nguy cơ phá sản'; 'Đức than Nga hành xử như thời chiến tranh lạnh'; ...

Sự kiện: Cập nhật tình hình Nga - Ukraine

Kiev tố binh sĩ Nga vẫn ở trong lãnh thổ Ukraine

Theo tin tức về tình hình Ukraine mới nhất trên Infonet, gần 9.000 binh sĩ và nhân viên tình báo Nga vẫn hoạt động trong lãnh thổ Ukraine dù điện Kremlin lên tiếng phủ nhận, hai quan chức cấp cao Ukraine tuyên bố trong chuyến thăm tới Washington hôm 17/6. Washington Times cho hay phát biểu tại Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, người đứng đầu Cơ quan An ninh ở Ukraine, ông Vitaliy Naida tuyên bố 8.960 binh sĩ Nga hoạt động trong lãnh thổ Ukraine cùng với 54 trại huấn luyện ở hai thành phố miền Đông là Donetsk và Luhansk. 

Tình hình Ukraine mới nhất cho biết Kiev tố binh sĩ Nga vẫn ở trong lãnh thổ Ukraine

Tình hình Ukraine mới nhất cho biết Kiev tố binh sĩ Nga vẫn ở trong lãnh thổ Ukraine

"Mối đe dọa về một cuộc tấn công tổng lực vẫn tồn tại", ông Naida nói. Kể từ khi cuộc chiến ở miền Đông Ukraine bùng phát hồi tháng 4/2014, chính quyền Ukraine đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc Moscow hỗ trợ phe ly khai chống lại quân chính phủ Kiev. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin và giới chức Nga đã lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới cuộc chiến ở miền Đông Ukraine. 

Cũng theo ông Naida, Nga đã tiến hành hàng chục chiến dịch khủng bố và tình báo bí mật tại khu vực biên giới như vụ tai nạn của chuyến bay MH17 của hãng Malaysian Airlines ở miền Đông Ukraine. Theo Kiev, chính phe ly khai thân Nga ở miền Đông Ukraine là thủ phạm bắn rơi MH17 cướp đi sinh mạng của 298 người. Thậm chí, chính quyền Ukraine đã nhiều lần cố gắng thuyết phục châu Âu và các đồng minh của Mỹ tin rằng Nga đã phớt lờ những quy định về đường biên giới quốc tế để xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Ukraine. 

Ukraine đang đứng trước nguy cơ phá sản

Báo VietNam+ đưa tin, nhóm bốn chủ nợ tư nhân lớn nhất, nắm giữ tới hai phần ba tổng số nợ 15,3 tỷ USD của Ukraine trước các chủ nợ cá nhân, đã từ chối xóa nợ cho Kiev, đẩy đất nước đang trải qua cuộc nội chiến này vào thế phải đối mặt với khả năng phá sản. Trong tuyên bố đăng trên tờ Financial Times, ủy ban các chủ nợ nắm trái phiếu của Ukraine cho rằng đề xuất xóa nợ của Chính quyền Kiev sẽ phát đi tín hiệu tới thị trường tài chính toàn cầu rằng chính phủ có thể cho phép mình từ chối các nghĩa vụ nợ.

Các chủ nợ tư nhân từng đề xuất Kiev dùng dự trữ của Ngân hàng Trung ương để thanh toán nợ, song Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cực lực chỉ trích ý định này. Trước đó, Kiev đã đề nghị nhóm tập đoàn tài chính lớn của Mỹ - bốn chủ nợ tư nhân lớn nhất của Ukraine - giãn nợ và giảm lãi suất cho nước này trong bối cảnh Kiev phải dành nguồn tài chính cho chiến dịch quân sự tại miền Đông Ukraine.

Một siêu thị ở Ukraine

Hình ảnh được ghi nhận tại một siêu thị ở Ukraine

Theo đề xuất đó, các chủ nợ sẽ chỉ còn thu về khoảng 40% số tiền đã cho vay. Kiev lập luận rằng khi cho vay, các chủ nợ đã đánh cược vào trái phiếu quốc gia của chính quyền cũ vốn là đồng minh của Nga, do đó khi chính quyền này bị lật đổ năm 2014, họ nên gánh chịu một phần thiệt hại từ cuộc chính biến đó.

Đàm phán giữa các chủ nợ tư nhân lớn nhất của Ukraine và chính quyền Kiev giúp nước này giảm chi phí đi vay tới 15,3 tỷ USD trong 4 năm tới không có tiến triển và Ukraine có nguy cơ bị vỡ nợ. Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk từng tuyên bố sẽ đóng băng các khoản thanh toán nợ trong trường hợp đàm phán tái cơ cấu nợ thất bại. Ngày 18/6. theo lịch trình Ukraine sẽ phải thanh toán 39 triệu USD cho các chủ nợ nếu muốn được tiếp tục đàm phán tái cơ cấu 15,3 tỷ USD trên.

Đức than Nga hành xử như thời chiến tranh lạnh

Theo báo điện tử Một Thế Giới, Bộ trưởng Ngoại giao Nga và Đức vào hôm qua đã nhất trí về tầm quan trọng trong việc kết thúc ngay lập tức chiến tranh ở miền Đông Ukraine. Quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy cần tôn trọng các thỏa thuận, và hạn chế những cuộc giao tranh bất ngờ. 

Trong cuộc đối thoại trực tiếp giữa hai quan chức cấp cao, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Đức  Frank-Walter Steinmeier, đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc chấm dứt ngay lập tức chiến sự ở miền Đông Ukraine, đặc biệt là những vụ pháo kích nhằm vào các khu dân cư, cơ sở hạ tầng dân sự”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Quân đội Ukraine cáo buộc lực lượng nổi dậy đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công dọc theo giới tuyến an ninh, khiến ít nhất 10 binh sĩ thiệt mạng trong tuần qua. Phát ngôn viên quân đội-Andriy Lysenko, cho biết trong 24 giờ qua bạo lực bắt đầu có dấu hiệu thuyên giảm nhưng phe ly khai vẫn sử dụng một số vũ khí bị cấm theo thỏa thuận Minsk.

Ngoại trưởng Đức cho rằng Tổng thống Vladimir Putin đang có những hành động tương tự như thời kỳ Chiến tranh Lạnh

Ngoại trưởng Đức cho rằng Tổng thống Vladimir Putin đang có những hành động tương tự như thời kỳ Chiến tranh Lạnh

“Tình hình tại khu vực xung đột đã ổn định hơn, số lượng các cuộc tấn công cũng bắt đầu giảm, nhưng lực lượng nổi dậy vẫn không ngừng sử dụng vũ khí hạng nặng: pháo binh và xe tăng,” ông Lysenko nói trong một cuộc họp báo. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết, phía quân đội chính phủ cũng liên tục có nhiều hành động khiêu khích nhằm vào đối phương, đặc biệt là các cuộc pháo kích vào khu dân cư nghi ngờ có căn cứ của phe ly khai.

Một nguồn tin cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Đức, Pháp và Ukraine sẽ gặp nhau tại Paris vào ngày 23/6 để thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị ở miền Đông, khi các bên đều nhận thấy lệnh ngừng bắn mặc dù đã được ban hành trong 4 tháng qua, nhưng các cuộc đụng độ chết người vẫn xảy ra hầu như hằng ngày. Liên quan đến mối quan hệ Nga-phương Tây, Ngoại trưởng Đức cho rằng Tổng thống Vladimir Putin đang có những hành động tương tự như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Moscow quyết định bổ sung hơn 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa vào kho vũ khí hạt nhân của mình.

“Tuyên bố của Tổng thống Putin về dự trữ vũ khí hạt nhân chiến lược là không cần thiết và chắc chắn không góp phần vào sự ổn định và giảm nhẹ căng thẳng đang dâng cao ở châu Âu,” ông Steinmeier nói với báo chí Đức. Và khẳng định thế giới đã thay đổi sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1989, do mọi quốc gia không nên có hành động cho thấy sự trở lại của thời kỳ này.

Trang Mạc (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang